Môn giáo dục công dân: Khó, khô và... khổ

TTCT - Bộ Giáo dục - đào tạo (GD-ĐT) đang có những động thái đánh giá một cách toàn diện về những bất cập trong việc dạy học môn Giáo dục công dân (GDCD). Nhằm mục tiêu định hướng, hình thành ý thức, tư cách đạo đức của học sinh trong thời đại mới, chương trình sách giáo khoa về môn học này đang khiến cả giáo viên lẫn học sinh gặp khó khăn trong việc cảm thụ và ứng dụng. Giáo viên gọi môn học này là môn “3K”: khó, khô và khổ (!).

Phóng to
Một tiết học GDCD ở Trường THPT Phan Đăng Lưu, TP.HCM - Ảnh: H.HG.

Đề kiểm tra học kỳ II môn GDCD lớp 10 ở một trường THPT có các câu hỏi trắc nghiệm như thế này: câu 3: Lương tâm tồn tại ở mấy trạng thái?; câu 7: Yêu đương quá sớm là điều nên tránh thứ mấy trong tình yêu?; câu 12: Nuôi dưỡng và giáo dục con cái là chức năng thứ mấy của gia đình?; câu 4: Biết kiềm chế những ham muốn, nhu cầu không chính đáng là người có? (chọn một trong bốn đáp án: a - danh dự, b - lương tâm, c - lòng tự ái, d - lòng tự trọng).

Ở đề kiểm tra học kỳ lớp 7, phần tự luận (7 điểm), HS được yêu cầu: Trả lời tín ngưỡng là gì, tôn giáo là gì, tín ngưỡng và tôn giáo khác mê tín dị đoan như thế nào? Lập sơ đồ phân cấp bộ máy Nhà nước CHXHCN Việt Nam.

Ở đề kiểm tra dành cho khối lớp 9, HS phải giải quyết một tình huống hôn nhân gia đình: Hùng 27 tuổi, Mai 25 tuổi, họ yêu nhau đã được ba năm, muốn kết hôn nhưng gia đình Mai cấm đoán, do Hùng theo tôn giáo khác. Gia đình Mai khuyên Hùng nên tìm người cùng tôn giáo để kết hôn vì lấy Mai sẽ không có hạnh phúc.

Học sinh gồng mình học

* Nội dung chương trình môn đạo đức - GDCD cần xác định theo hướng tập trung vào những chuẩn mực đạo đức phù hợp tâm lý lứa tuổi HS, tránh ôm đồm quá nhiều nội dung. Ngành giáo dục cần xác định cụ thể hệ thống những giá trị đạo đức cần trang bị cho HS ở từng cấp học, bậc học, đảm bảo tính liên thông chặt chẽ.

* GDCD là môn học nòng cốt, chương trình chúng ta có đủ các bài học về lòng bác ái, sự yêu thương nhưng không thấm vào đâu, không ấn tượng gì mấy đến đứa trẻ.

Trong khi đó, hằng ngày mở mắt ra, trẻ thấy cảnh ăn chơi, thấy cái xấu, cái ác, chuyện bạc tiền, chủ nghĩa cá nhân nhan nhản trước mắt. Trẻ ngày nay năng động, sáng tạo hơn nhiều so với thế hệ trước nhưng cũng bàng quan, thờ ơ, vô tâm, vô cảm, ít có sự quan tâm đến người khác so với các thế hệ trước. Vì vậy theo tôi, nên giáo dục đạo đức HS bằng những điều gần gũi nhất: yêu cha, thương mẹ, kính thầy, mến bạn.

Những khái niệm về lương tâm, tình yêu, chức năng gia đình... đều được đánh số thứ tự, HS nhớ các khái niệm xã hội như nhớ các công thức toán học. Một HS lớp 7 cho biết chỉ cố gắng nhớ sơ đồ phân cấp bộ máy nhà nước để làm bài thi chứ... không hiểu gì. Ở đề thi lớp 9, các em phải giải quyết một tình huống còn quá xa lạ với lứa tuổi của mình.

Đó là một phần thực trạng dạy và học môn GDCD ở bậc phổ thông hiện nay. Chương trình khá dài và nặng nề, nhiều nội dung chưa được sắp xếp phù hợp với độ tuổi của HS, thời lượng giảng dạy không đủ để chuyển tải khối lượng kiến thức, giáo cụ ít được hỗ trợ... là những phàn nàn của phần đông giáo viên giảng dạy môn GDCD. Tầm quan trọng của một môn học có tác động sâu sắc tới đạo đức HS hiện đang bị coi nhẹ, bởi với HS thì “môn không thi là môn phụ”, còn giáo viên thì mang tâm trạng... “dạy cho xong” do chương trình quá nặng.

Nói về những giờ dạy GDCD tại trường, em Nguyễn Hằng Nga, HS Trường THCS Phan Chu Trinh, Hà Nội, nhận xét: “Toàn những kiến thức nặng nề, nhiều bài học khó hiểu. Để làm tốt bài kiểm tra cuối kỳ, chúng em đều phải cố học thuộc lòng. Nhưng có những vấn đề chúng em không hiểu lắm và cũng không thấy cần thiết”.

Ngọc Anh, HS Trường THCS Đống Đa, Hà Nội, cho biết: “Chúng em bị áp lực nhiều ở các môn học chính. Ngoài giờ học chính khóa phải học thêm bên ngoài nên hầu hết các môn phụ đều chỉ học thuộc lòng bài giảng của cô trên lớp. Trong giờ học cũng chỉ cố ghi hết những gì cô đọc cho chép. Nói chung là nặng nề, nhàm chán. Một số bạn trong lớp thường xuyên ngủ gật trong giờ GDCD”.

Giáo viên gồng mình dạy

Hơn 20 năm gắn bó với bộ môn GDCD, cô Dương Thái Huyền Nga (giáo viên Trường dân lập Việt Thanh, TP.HCM) trăn trở: “Dạy môn GDCD tưởng là dễ nhưng để HS nghe và thích thì không đơn giản. Ở khối THPT, HS phải làm quen với các khái niệm về triết học, duy vật biện chứng, phủ định siêu hình, kinh tế vĩ mô, pháp luật... quá khô khan, dễ gây chán nản.

Người dạy phải “dụng công” để cô đọng lại những nội dung trong sách, vận động HS tham gia vào bài giảng bằng cách cho các em sắm vai, thuyết trình, diễn kịch, chơi trò chơi. Chỉ có cách đó mới giúp các em nhớ phần lý thuyết dài và khô”. Công việc “hậu cần” trước mỗi tiết học cũng ngày một công phu hơn mới mong thu hút được sự chú ý của HS. Giáo viên phải mất khá nhiều thời gian và công sức chuẩn bị giáo cụ, tìm tư liệu, hình ảnh. Dạy được hết giáo án đã khó, thời gian eo hẹp (1 tiết GDCD/tuần) khiến giáo viên hiếm có cơ hội đi sâu vào các vấn đề đạo đức, kỹ năng sống cho những HS ở tuổi mới lớn.

Để dạy bài “Lao động”, cô Đỗ Thị Lai Châu (giáo viên Trường THCS Trần Văn Ơn, quận 1, TP.HCM) phải tổ chức cho HS chơi trò chơi “Thiết kế trang phục bằng giấy”, “Thiết kế kiểu tóc cho bạn bè”. Tiết học trở nên sôi nổi, không phụ thuộc vào phần lý thuyết dài hai trang giấy trong sách giáo khoa nữa. Cô Châu tâm sự: “Nếu giáo viên không linh động, cải tiến phương pháp dạy thì việc HS chán học là đương nhiên. Kích thích các em hoạt động, giao tiếp... trong giờ học còn bổ sung phần kỹ năng sống cho các em. Cần phân tích cho HS biết những hiểu biết xã hội, giá trị đạo đức sẽ là kiến thức theo các em suốt cuộc đời, phục vụ các em ở bất kỳ ngành nghề nào sau này”.

Cô Châu cũng bày tỏ băn khoăn: chương trình GDCD hiện nay có những nội dung chưa phù hợp với đúng lứa tuổi HS. Thời lượng giảng dạy quá ít, nhiều bài chỉ nói trong 1-2 tiết thì không đủ. Sách giáo khoa viết quá dài và cách định nghĩa các khái niệm quá khô khan, dẫn đến chuyện HS học vẹt mà không hiểu gì. Một số bài nên sắp xếp cho giáo viên trình bày theo kiểu “giới thiệu”. Còn những bài quan trọng hơn thì nên tăng thời lượng.

Cô Lê Thanh Mai, giáo viên dạy GDCD bậc THCS ở Hà Nội, cho biết: do thiếu giáo viên chuyên trách nên ngoài những khối lớp được phân công cho giáo viên chủ nhiệm dạy kiêm thêm GDCD, những giáo viên chuyên trách môn GDCD vẫn phải đảm nhiệm số tiết quá lớn.

Đúng là... sách giáo khoa!

Ở bậc tiểu học, mỗi năm HS có 14 bài học đạo đức. HS lớp 1, lớp 2 học đạo đức dưới dạng những câu hỏi tình huống. Những bài học đạo đức sớm trở nên khô khan, già nua so với tuổi các em khi chương trình lớp 3 đã học bài “Đoàn kết thiếu nhi quốc tế”, HS lớp 5 học bài về Liên Hiệp Quốc. Lên lớp 6 học về “Quyền bất khả xâm phạm về chỗ ở”.

Lớp 7, bài “Trung thực”, bài đọc trong sách giáo khoa viết về sự công minh và chính trực của một vĩ nhân ở Ý thời Phục hưng, người lớn cũng không nhớ nổi tên nhưng các em phải học. Tương tự ở bài “Tự trọng”, sách viết về một giáo viên người Anh ở tận London. Phần “Pháp luật”, lớp 7, phải thấm nhuần vấn đề về “Quyền tự do tín ngưỡng và tôn giáo”. Trong một tiết học, thầy cô phải truyền tải hết các vấn đề về: tình hình tôn giáo ở VN, chủ trương của Đảng, Nhà nước về tôn giáo.

Ở bài “Bộ máy nhà nước cấp cơ sở”, HS phải “căng đầu” nắm hết kiến thức về hệ thống bộ máy nhà nước từ Quốc hội, HĐND các cơ quan... cũng chỉ trong một tiết học. Phần bài tập, HS sẽ trả lời nội dung khi đăng ký tạm trú, kết hôn... phải đến những cơ quan nào! Đến bài “Quyền trẻ em”, nội dung mênh mông, khô cứng: từ vấn đề quyền được bảo vệ, chăm sóc, giáo dục, bổn phận của trẻ em, trách nhiệm của gia đình, xã hội với trẻ... cùng hàng loạt bài tập, bài đọc. Trong khi bao nhiêu câu chuyện hay, quyền trẻ em gần gũi học trò không hề có trong sách.

Bài “Liêm khiết”, sách giáo khoa GDCD lớp 8, có ba câu chuyện đọc viết về một nhà bác học người Pháp và một người Trung Quốc. Bài “Giữ chữ tín” kể một câu chuyện về một người thời Xuân Thu Chiến Quốc. Bài “Tôn trọng và học hỏi các dân tộc khác”, sách nêu vấn đề vì sao nền kinh tế Trung Quốc phát triển mạnh mẽ và HS phải trả lời bài tập nêu lý do quan trọng nào giúp kinh tế Trung Quốc trỗi dậy mạnh mẽ! Lên lớp 9, bài “Chí công vô tư”, học về quyền tự do kinh doanh và nghĩa vụ đóng thuế; thuốc lá, rượu, ôtô, hàng mã... và thuế suất phải đóng các mặt hàng này!

Hội thảo giáo dục đạo đức HS tại TP.HCM đã phản ánh thực tế: việc phân bố nội dung giáo dục đạo đức HS phổ thông không thể hiện được vai trò quan trọng của giáo dục đạo đức. Chương trình GDCD dạy quá nhiều kiến thức nhưng theo nhận định của Sở GD-ĐT TP.HCM, kiến thức phân tán, thiếu tập trung, chưa tạo được những dấu ấn quan trọng lên học sinh.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận