​Cần biện pháp căn cơ

ĐỨC VỊNH 22/04/2015 04:04 GMT+7

Sau chuyên đề “Phía sau cuộc chiến cá tra” trên TTCT số ra ngày 12-4, ông Nguyễn Hữu Dũng, phó chủ tịch Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản VN (VASEP), cho biết đúng là các doanh nghiệp chế biến xuất khẩu cá tra không biết phải xoay xở thế nào khi bị bắt buộc phải áp dụng quy định độ ẩm và mạ băng với sản phẩm philê.

 

Ngay từ khi lấy ý kiến soạn thảo nghị định 36, quy định về tỉ lệ độ ẩm 83% và mạ băng 10% đã bị phản đối kịch liệt nhưng vẫn được đưa vào và áp dụng từ tháng 12-2014. Chỉ sau khi hàng loạt doanh nghiệp, UBND một số tỉnh ĐBSCL và VASEP kiến nghị thì quy định mới được lùi thời hạn áp dụng đến cuối năm nay. Tuy nhiên, đây mới là giải pháp tình thế.

Theo ông Dũng, sản phẩm cá tra đang đối mặt với sự cạnh tranh gay gắt từ nhiều sản phẩm khác, liên tục bị ngăn cản bởi hàng rào về kỹ thuật từ các nước nhập khẩu. Nay với quy định trong nghị định 36 thì doanh nghiệp càng thêm khó khăn trong sản xuất và tìm thị trường, các lô hàng xuất khẩu sẽ thường xuyên bị kiểm tra về độ ẩm và mạ băng, gây thêm tốn kém.

“Trên thế giới chưa có quốc gia nào hay tổ chức nào quy định tỉ lệ mạ băng, độ ẩm trong cá philê và thực phẩm đông lạnh. Người ta vốn quản lý về an toàn thực phẩm, ngăn chặn gian lận thương mại thường xuyên và rất chặt chẽ. Họ không đặt ra, không đòi hỏi thì chúng ta tự quy định để làm gì hay là để tự làm khó nhau?” - ông Dũng đặt vấn đề.

Theo Luật chất lượng sản phẩm hàng hóa, doanh nghiệp có trách nhiệm quản lý chất lượng sản phẩm, đồng thời tự công bố, tự chịu trách nhiệm về những thông số về chất lượng bắt buộc trên nhãn sản phẩm. Cơ quan quản lý nhà nước kiểm tra và giám định chất lượng sản phẩm theo quy định, nếu phát hiện vi phạm sẽ xử lý theo luật này. Do đó, quy định tỉ lệ độ ẩm và mạ băng là không cần thiết, thay vào đó chỉ cần quy định phải ghi rõ trọng lượng tịnh hoặc tỉ lệ mạ băng trên nhãn hàng hóa.

Ông Dũng nói: “Với thực phẩm, chỉ quy định những gì liên quan đến tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm, còn những gì thuộc về vấn đề chất lượng sản phẩm do thị trường và doanh nghiệp quyết định. Mặt khác, Hiệp hội Cá tra không có tư cách tiếp nhận đăng ký hợp đồng, thẩm định cho phép doanh nghiệp xuất khẩu. Chức năng, nhiệm vụ của tổ chức xã hội nghề nghiệp này cũng không nêu điều đó”.

Theo ông Nguyễn Hữu Khánh - nguyên chủ tịch Hội Nghề cá VN, việc đặt ra tiêu chuẩn nhằm nâng chất lượng, uy tín cho con cá tra là chủ trương đúng, cần thiết. Tuy nhiên, do sản xuất kinh doanh cá tra có những đặc thù riêng nên khi đặt ra các quy định cần phải khảo sát, nghiên cứu kỹ lưỡng và lắng nghe ý kiến từ nhiều phía, đặc biệt cần xét đến thực tế sản xuất, yếu tố thị trường.

Mặt khác, tiêu chuẩn đặt ra cũng không cần phải quá cụ thể, quá chi tiết về tỉ lệ độ ẩm và mạ băng bởi mỗi thị trường chấp nhận mỗi mức khác nhau. “Do bộ phận tham mưu thiếu am hiểu về sản xuất kinh doanh cá tra nên mới đưa ra quy định chưa hợp lý, sai về vấn đề kỹ thuật, ảnh hưởng xuất khẩu cho nên các doanh nghiệp mới phản ứng. Cái gì chưa đúng thì phải điều chỉnh, cần sáng suốt, tỉnh táo tháo gỡ” - ông Khánh chia sẻ.

Nhiều doanh nghiệp cho rằng nâng cao chất lượng, uy tín lâu dài cho con cá tra là điều họ luôn mong muốn, ủng hộ. Tuy nhiên, cần nhiều biện pháp căn cơ chứ không thể trông cậy vào quy định quá cụ thể với độ ẩm 83%, mạ băng 10% và quy định phải đăng ký để Hiệp hội Cá tra thẩm định cho phép xuất khẩu. Trong trường hợp bí đầu ra thì có nguy cơ một lượng cá tra sẽ “tuồn” qua các nước láng giềng để sau đó xuất bán qua nước khác.

Tại ĐBSCL chỉ có 70 nhà máy chế biến nhưng lại có khoảng 200 đơn vị xuất khẩu cá tra. Do đó, cần có giải pháp đồng bộ xây dựng chuỗi liên kết từ vùng nuôi cho đến đơn vị xuất khẩu. Đồng thời có chính sách tạo điều kiện, hỗ trợ tài chính phù hợp cho chuỗi liên kết sản xuất cá tra khép kín. Làm tốt điều này mới loại trừ những đơn vị làm ăn kiểu chụp giựt, cạnh tranh không lành mạnh qua sử dụng chất tăng trọng để hạ giá bán.  

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận