Long đong cây sứ hoa hồng

Đi Hội hoa xuân 2015 tại công viên Tao Đàn (TP.HCM) năm nay, du khách không khỏi trầm trồ trước các chùm bông sứ tuyệt sắc hệt như bông hồng nhung đỏ thắm kiều diễm, bông trắng phơn phớt hồng từa tựa cẩm chướng, bông trắng xóa lớp lớp cánh nuột nà chẳng khác nào mẫu đơn, bông vàng rực rỡ kiêu sa dập dềnh trong gió, bông hồng lợt điểm xuyết vàng tựa tầm xuân...

Cây sứ hoa hồng tại Hội hoa xuân 2015 - Ảnh: Dương Văn Minh Lộc

Tuyệt tác

Thật ngạc nhiên khi nghe ông Tanaka Hirashima, một khách Nhật Bản, đứng gần tấm tắc khen hoa đẹp. Ông nói từng sưu tầm đủ loại sứ Thái, Indonesia, Mỹ, châu Phi nhưng chưa bao giờ thấy những cây sứ đẹp lộng lẫy như thế này.

Tìm hiểu trên trang web sucanhvietnam.com biết được nhiều điều thú vị. Giới chơi sứ quốc tế thừa nhận sứ cánh kép hoàn chỉnh xuất xứ từ Việt Nam. Gốc gác là một cây sứ đột biến, sau đó được nhân giống với cái tên ban đầu Thập Huyết Vân, sau đổi thành Ngọc Tú Cầu, có mười cánh tuyệt mỹ, thời đó dân chơi sứ Việt Nam gọi nó bằng tên bình dân “sứ mười cánh”.

Câu chuyện này được ông Nguyễn Ngọc Long, chủ vườn hoa xương rồng Ngọc Long (Hóc Môn, TP.HCM), xác nhận. Ông Long cho biết năm 2004 trong khi cả thế giới chỉ biết chơi sứ đơn một lớp thì vườn của ông xuất hiện một cây sứ đột biến cho hoa hai lớp với mười cánh hoa.

Sau gần hai năm theo dõi nhận thấy sự đột biến là ổn định, ông Long đã mang đi thi và đặt tên cho cây sứ ấy là Ngọc Tú Cầu. Mặc dù màu đỏ chói chang, lớp lớp cánh đẹp quyến rũ song một thời gian dài Ngọc Tú Cầu vẫn nằm trong bóng tối vì giá quá mắc, dần dà được nhân giống bán đại trà, giá rẻ dần.

Cho tới khi chân ướt chân ráo bước qua Thái Lan, Ngọc Tú Cầu tạo nên một cơn cuồng phong do người hâm mộ cuồng nhiệt dáng vẻ sứ cánh kép kiêu sa quý phái đẹp hơn cả đóa hồng nhung. Tiếc cho nghệ nhân Việt không hiểu chuyện quảng bá và đăng ký bản quyền nên cây sứ hoa hồng thành nguồn lợi cho người khác.

Theo một số nghệ nhân, Adenium - hoa sứ - xuất thân từ các vùng nóng, cát như sa mạc châu Phi, từng được biết đến với tên hồng sa mạc, sau đó dân Thái trồng bán ồ ạt nên nhiều người cứ gọi sứ Thái Lan. Trước khi Ngọc Tú Cầu ra đời ở Việt Nam, chỉ có sứ đơn, một lớp cánh, dân chơi coi như một thứ bonsai, chú trọng nhiều ở hình dáng, gốc rễ. Đến lúc Ngọc Tú Cầu xuất hiện thì quan niệm về Adenium hoàn toàn thay đổi, khách mê hoa ngắm hoa thật sự vì hoa quá đẹp.

Thể diện hoa sứ Việt

Với hơn 10 năm cấy ghép và xuất bán hoa sứ, ông Trương Văn Phượng, chủ vườn sứ Ba Đô (Câu lạc bộ hoa sứ Hưng Long, Bình Chánh, TP.HCM), cho biết sứ hoa hồng được gọi vậy bởi nhiều loại sứ có hoa kép (nhiều lớp) cuốn xoắn như hoa hồng nên dân chơi sứ gọi vậy cho dễ phân biệt.

Theo ông Phượng, hiện hoa kép của Việt Nam có hàng trăm chủng loại, nhưng nổi nhất hiện nay chỉ khoảng 10 loại, trong đó nhắc đến sứ hoa hồng không thể không nhắc đến giống Long Thành 1 và Long Thành 2. “Hoa có 3 lớp với 15 cánh xếp kín nhau, màu đỏ rực, bông nở đều và rộ là những điểm mạnh khiến sứ Long Thành 1 và 2 khá nổi bật” - ông Phượng nói.

Câu trả lời chính xác ai tạo giống đầu tiên chưa có khi chúng tôi tìm gặp nhiều nghệ nhân lai tạo sứ lâu năm ở TP.HCM. Nhiều người nhận mình là tác giả nhưng không lưu lại bằng chứng.

Gặp ông Nguyễn Văn Túc - một trong những người đi đầu trong lĩnh vực cấy ghép sứ tại TP.HCM, ông cho biết có kinh nghiệm hơn 15 năm, tự nhận là “cha đẻ” hai giống sứ Long Thành 1 và Long Thành 2 đang được nhiều người ưa chuộng và so sánh nó như hoa hồng. Theo ông Túc, để có hai giống sứ này ông phải mất cả năm trời sàng lọc, chọn lựa từ hàng trăm cây.

“Hoa dễ ra, nở đều và ra theo chùm, thời gian quay đầu một lứa hoa nhanh khoảng 60 ngày, cánh hoa dày và hoa từ lúc nở tới tàn hơn 10 ngày, trong khi hoa sứ trung bình có tuổi thọ chỉ khoảng 7 ngày. Đó là những điểm mạnh của giống Long Thành khiến nhiều người ưa chuộng” - ông Túc khẳng định.

Theo ông Lê Quốc Khánh - chủ nhiệm Câu lạc bộ hoa sứ Việt Nam, có thể xem sứ Long Thành đã giúp gỡ lại thể diện của người trồng sứ Việt Nam, bởi kể cả đất nước được mệnh danh là vương quốc sứ như Thái Lan vẫn phải qua Việt Nam săn loại giống này về cấy ghép.

Chính vì thế, trong hơn 300 gốc sứ được ông Túc xuất khẩu sang Indonesia và Malaysia năm 2014 thì giống Long Thành chiếm đại đa số.

Ông Khánh cho biết thêm chỉ hơn hai năm từ lúc được ông Túc “chào hàng” tại câu lạc bộ, đến nay giống Long Thành 1 đã được hàng trăm thành viên trong hội nhân giống, hàng trăm nghìn cây sứ giống Long Thành nằm trong các vườn sứ cả nước và xuất khẩu. 

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận