​Lợi nhuận giảm, lương giảm, có hợp lý?

HỒNG QUÝ 30/12/2014 23:12 GMT+7

TTCT - Cuối năm, vấn đề lương, thưởng cho người lao động luôn là chuyện “dầu sôi lửa bỏng”.

Người lao động tại một doanh nghiệp nhà nước như Saigon Petro sẽ ảnh hưởng nếu thông tư 18 được áp dụng - Ảnh: Hữu Khoa
Người lao động tại một doanh nghiệp nhà nước như Saigon Petro sẽ ảnh hưởng nếu thông tư 18 được áp dụng - Ảnh: Hữu Khoa

Việc thưởng đương nhiên phụ thuộc vào lợi nhuận của công ty, nhưng chuyện lợi nhuận giảm kéo theo giảm lương của người lao động đang gây nên những cuộc tranh luận “nảy lửa”... 

Tại sao người lao động phải gánh chịu?

Công ty TNHH một thành viên Dầu khí TP.HCM (Saigon Petro) là một doanh nghiệp nhà nước trong diện áp dụng thông tư 18/2013/TT-BLĐTBXH và 19/2013/TT-BLĐTBXH của Bộ Lao động - thương binh và xã hội về xây dựng kế hoạch và quyết toán quỹ lương. Nếu theo tinh thần thông tư 18, lương của nhân viên công ty sẽ giảm so với năm 2013. 

“Tại sao người lao động phải gánh chịu hậu quả khi lợi nhuận công ty giảm? Tại sao hằng ngày sức lao động vẫn bỏ ra không kém năm ngoái, lượng công việc không hề ít hơn, nhưng lương lại ít hơn?” - ông Bùi Văn Hiếu, chủ tịch công đoàn Công ty Saigon Petro, đặt vấn đề.

Theo ông Hiếu, quy định tính lương, thưởng như vậy là không phù hợp với thực tiễn kinh doanh vốn có tăng có giảm theo tình hình thị trường, không phải do người lao động làm việc kém hiệu quả.

“Các quy định của thông tư 18 và 19 có thể phù hợp và có lợi cho các doanh nghiệp có lợi nhuận ổn định và mức tăng giảm lợi nhuận không đáng kể hằng năm, ngay cả trường hợp lợi nhuận thấp. Thông tư hoàn toàn không hợp lý với các doanh nghiệp có mức lợi nhuận biến động từng năm hoặc biến động theo thị trường, theo tình hình thế giới” - ông Hiếu nói.

Cán bộ công đoàn này cũng cho rằng việc lợi nhuận tăng giảm là trách nhiệm của cấp quản lý chứ không phải người lao động. “Hơn nữa, dùng lợi nhuận như một yếu tố cơ bản để xác định quỹ lương của người lao động là không đúng” - ông Hiếu nhận xét.

Không khuyến khích phát triển?

Công ty TNHH một thành viên thủy nông Đồng Cam trong năm 2013 có mức tăng năng suất lao động bình quân là 3,57% so với năm trước đó, lợi nhuận thực hiện cũng cao hơn. Tuy nhiên, theo thông tư 18, người lao động công ty này sẽ chỉ được hưởng mức lương tăng không quá 3,57%. 

Trả lời thắc mắc của Công ty Đồng Cam về việc xác định quỹ lương năm 2013 đối với người lao động, Bộ LĐ-TB&XH cho rằng trường hợp công ty có năng suất lao động bình quân và lợi nhuận thực hiện năm sau cao hơn so với năm trước thì mức tiền lương được tăng.

“Năng suất lao động tăng 1% thì tiền lương được tăng thêm theo năng suất lao động không quá 0,8%, tiền lương tăng thêm theo lợi nhuận không quá 0,3% và phải bảo đảm mức tăng tiền lương bình quân (theo năng suất lao động và lợi nhuận) thấp hơn mức tăng năng suất lao động”, văn bản này nêu rõ.

Như vậy lương chỉ được tăng tối đa 80% song khi năng suất lao động thấp hơn năm trước thì lại bị giảm tối đa 100%. Đây được cho là bất hợp lý rất lớn với người lao động.

“Như vậy, giả sử một doanh nghiệp có chu kỳ phát triển năm năm, có năng suất lao động thay đổi, lợi nhuận tăng giảm nhiều qua từng năm và đến năm cuối có lợi nhuận bằng năm đầu chu kỳ thì mức lương được tính để trả cho người lao động lại bị giảm so với năm đầu chu kỳ” - ông Hiếu băn khoăn.

Ông Hiếu cũng lo ngại để đối phó sự bất hợp lý đó, các doanh nghiệp có thể chọn cách tiêu cực: chỉ cần làm ra lợi nhuận cao hơn năm trước chút ít tượng trưng để đạt được tiêu chí của thông tư là năm sau hơn năm trước, qua đó có cơ sở tăng lương cho người lao động.

Ví dụ, lợi nhuận năm 2012 đạt 180 tỉ đồng, năm 2013 chỉ cần 185 tỉ đồng và năm 2014 chỉ cần 190 tỉ đồng, thỏa các quy định của thông tư là có thể đảm bảo lương cho người lao động. Điều này khiến nhiều doanh nghiệp cho rằng sẽ triệt tiêu động lực làm ra lợi nhuận, không đảm bảo được mục đích kích thích tăng trưởng doanh nghiệp như tinh thần của Nhà nước. 

Ông Tống Văn Lai - vụ phó Vụ Lao động tiền lương, Bộ LĐ-TB&XH - cho rằng thông tư 18 không có thay đổi gì với các chính sách lương bổng trước nay và thông tư chỉ hướng dẫn tính tổng quỹ lương, còn trả lương cho từng người lao động là quyền của công ty.

“Kế hoạch doanh thu lợi nhuận bao nhiêu đều do doanh nghiệp tự tính. Việc xác định quỹ lương là do doanh nghiệp toàn quyền. Không có cơ quan nào duyệt quỹ lương của doanh nghiệp cả. Nếu xét thấy tình hình không thuận lợi, quỹ lương tạo ra sẽ ít hơn thì giám đốc phải tự tính toán, đừng tuyển thêm, chẳng hạn thế” - ông Lai nói.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận