​Ngẫm “cái sự” kê khai 

TTCT - Việc kê khai tài sản đã có cả chục năm nay, đây là một quy định bắt buộc đối với lãnh đạo từ phó phòng cấp huyện trở lên.

Thường bắt đầu mỗi nhiệm kỳ và định kỳ hằng năm, các chức danh kể trên phải bổ sung vào lý lịch cán bộ, đảng viên về tài sản phát sinh trong năm của mình. 

Thế nhưng việc kê khai có tác dụng đến đâu, quan sát xã hội mọi người tự khắc có câu trả lời. Việc không công khai tài sản của quan chức thuộc diện kê khai đã khiến quá trình kê khai trở nên hình thức. Cứ tưởng không công khai thì dân không biết để giám sát. Nhưng “tai mắt nhân dân” tinh tường lắm, dù có không kê khai cũng khó che được mắt dân.

Một mảnh đất mua tận đâu đâu hay nếp nhà đã sang tên cho con cháu trước sau gì cũng lòi ra. Quan trọng ở chỗ có công khai dân mới phát hiện, mới giúp Đảng chỉ ra cán bộ, đảng viên nào kê khai sót, kê khai không trung thực để từ đó giúp Đảng uốn nắn cán bộ, đảng viên của mình. 

Qua nghiên cứu ở các nước phát triển, từ lâu người ta đã xây dựng và vận hành thành công hệ thống dữ liệu quản lý tài sản của quan chức.

Các nước như Anh, Mỹ còn ban hành luật công bố tài sản quan chức. Làm như thế để nâng cao thêm nữa tính trung thực của người làm quan trong xã hội, làm cơ sở để người dân có thể giám sát quan chức. Và đây cũng là biện pháp hữu hiệu giúp quan chức không dám tham nhũng, không thể tham nhũng. 

Vừa qua, dư luận quan tâm việc một số quan chức khi về hưu hoặc chuyển công tác khỏi địa phương nhưng không chịu trả nhà công vụ. Một số quan chức khi “hạ cánh an toàn” mới phát hiện có khối tài sản “khủng”. Có người nói thẳng liệu có phải chúng ta vẫn còn “vùng cấm”, có phải chúng ta chưa thật sự chống tham nhũng?

Mấy năm nay, chúng ta đã thực hiện việc trả lương qua tài khoản cho cán bộ, công chức nhà nước. Nhưng trong tài khoản mới chỉ dừng lại lương, còn những khoản thu nhập ngoài lương thì chẳng ai dại gì khai ra cả. 

Chừng nào còn hi vọng cán bộ, công chức tự giác kê khai tài sản và việc giám sát chưa thực hiện đầy đủ, chắc chắn công cuộc phòng chống tham nhũng vẫn còn khó khăn lắm…

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận