Bài học nào từ thảm họa hàng không?

THIÊN DI 25/07/2014 23:07 GMT+7

TTCT - Hai thảm họa kinh hoàng và thương tâm liên tiếp xảy ra cho các máy bay MH-370 và MH-17 của Hãng hàng không Malaysia Airlines khiến 537 hành khách và phi hành đoàn mất tích (239 người trong vụ MH-370) và thiệt mạng (298 người trong vụ MH-17) chỉ trong khoảng thời gian từ ngày 8-3 đến 17-7 năm nay.

Hàng ngàn người Hà Lan rơi lệ đón thi thể nạn nhân MH17

flightradar24.com

Đây ắt hẳn phải là những hồi chuông cảnh báo quyết liệt nhất đối với ngành hàng không Việt Nam, nhất là sau vụ một chuyến bay VJ 8861 đi Đà Lạt của Hãng VietJet Air đã lộn... đường bay tới Cam Ranh hôm 19-6 mà chẳng ai hay cho đến khi chiếc máy bay hạ cánh xuống sân bay này!

Có thể theo dõi?

Cảnh báo trước hết là trong cả hai chuyến bay MH-370 (mà nay vẫn còn bị xem là mất tích) và chuyến bay VJ 8861 bay lạc là chẳng ai hay biết sự bay đúng đường hay lạc đường của hai chuyến bay này cho đến thời điểm chuyến MH-370 biến mất trên màn hình rađa, còn chuyến VJ 8861 thì đến khi gần đến... Cam Ranh mới biết.

Những trạm kiểm soát không lưu nào đã theo dõi chuyến VJ 8861 suốt từ Nội Bài đến Cam Ranh mà không hay biết rằng đó là chuyến VJ 8861 lẽ ra phải bay dọc hành lang Pleiku - Buôn Ma Thuột rồi xuống Liên Khương (Đà Lạt) chứ không thể nào cứ bám hành lang biển mà bay xuống Cam Ranh?

Một điều mà bất cứ “người thường” nào có máy tính, sử dụng chương trình Flight Radar 24 đều có thể theo dõi trong thời gian thực từng chuyến bay một, tường tận chi tiết số hiệu chuyến bay, lộ trình bay, giờ cất cánh, hạ cánh, thậm chí có những chuyến bay nào trong lúc đó đang ở khu vực đó... Tỉ như trên ảnh là chuyến VJ 8661 của VietJet Air chụp lúc 7g56 và 8g18 sáng thứ hai 21-7-2014, và danh sách các chuyến bay đi và đến Tân Sơn Nhất...

Trách nhiệm thuộc về ai?

Cảnh báo thứ nhì là độ mở/đóng của việc công bố thông tin về các chuyến bay này. Chính việc Hãng hàng không VietJet Air cứ thay đổi xoành xạch các “thông cáo báo chí” về sự cố bay lạc này mà cho đến nay dư luận vẫn chỉ (được) hướng đến trách nhiệm của hãng này, trong khi đó trách nhiệm của phục vụ mặt đất dẫn hành khách lên máy bay, an ninh sân bay, kiểm soát không lưu... từ khi chiếc máy bay này cất cánh ở Nội Bài lại không được nêu ra với công luận.

Trong khi đó còn vô số những thắc mắc căn bản khác lại chưa được làm rõ. Làm thế nào mà gọi hành khách xuất trình thẻ lên máy bay đi Đà Lạt, kiểm tra căn cước từng người, xé thẻ lên máy bay xong, tức cả nhân viên mặt đất lẫn hành khách đã cùng nhau “yên chí” là sẽ lên máy bay đi Đà Lạt, nhân viên phục vụ mặt đất lại dắt chừng ấy hành khách lên máy bay đi Cam Ranh?

Làm thế nào mà tiếp viên trưởng khi loan báo “chuyến bay của hãng sắp khởi hành đi Đà Lạt” mà hai phi công chính và phụ vẫn không hay biết và cứ bay đi Cam Ranh? Phi công không được thông báo cứ bay đi Cam Ranh là dễ hiểu, song làm thế nào mà kiểm soát không lưu khi đối đáp xưng danh và nhận diện chuyến bay với phi hành đoàn chuyến bay lẽ ra đi Đà Lạt lại không nhận ra sự lầm lộ trình bay này?

Càng “đáng nể” là chi tiết “trong khi đó, gần 200 khách đi Nha Trang vẫn yên vị tại Nội Bài” của những tin báo chí đầu tiên đã nhanh chóng bị/được lãng quên! Chi tiết này càng cho thấy dường như cả “dây chuyền phục vụ mặt đất” từ A đến Z đã được miễn trách nhiệm trả lời câu hỏi: làm thế nào mà khách đi Đà Lạt lại được dắt lên máy bay đi Cam Ranh?

E rằng đó không chỉ do lỗi của nhân viên điều phối bay của VietJet Air “không thông báo kế hoạch bay cho cơ trưởng và phòng thủ tục bay”, mà còn do cả sự “không biết gì” của phòng thủ tục bay, khi mà bất cứ chuyến bay nào cũng đều phải hội đủ tính hoạt động trơn tru, không sai sót của cả một hệ thống, ở cả sân bay đi và sân bay đến.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận