Nhớ về luồng sinh khí từ luật Doanh nghiệp một thuở: Làm sao tạo hứng khởi lần nữa?

HOÀNG PHI 19/07/2016 05:07 GMT+7

TTCT - Một chuyên gia tài chính am hiểu về vàng kể chuyện: Trong cơn sóng vàng cách đây vài ngày, một người bạn của ông cũng “nô nức” xếp hàng mua kim loại quý này ở thời điểm giá cao nhất: 40 triệu đồng/lượng.

Người dân chọn vàng để phòng thân Ảnh: Duyên Phan

Người bạn này mua thêm 10 lượng và chỉ qua một đêm, giá vàng rớt mất 3 triệu đồng/lượng. Tổng cộng, ông này mất đứt 30 triệu đồng. Thực chất vị khách trên vẫn sở hữu đủ 10 lượng vàng, nhưng lại mất đi 30 triệu đồng về giá trị. 30 triệu đồng đó cũng không mất đi, mà chỉ chuyển từ túi người này sang túi người khác, hay nói cách khác là “chảy vào nền kinh tế”.

Chỉ mới là cơn sóng vàng từ một người thôi đã có 30 triệu đồng đi vào nền kinh tế, nếu “huy động” được hết 10 lượng vàng kia, nền kinh tế sẽ có chừng 400 triệu đồng.

Con số 400 triệu đồng đó chỉ từ một người, còn cả xã hội đó sẽ là một nguồn lực khổng lồ. Ước tính người Việt Nam đang sở hữu một lượng vàng tương đương 500 tấn, trị giá hơn 20 tỉ USD. Nếu chừng đó tiền chảy vào nền kinh tế thì đó sẽ là một con số đáng kể. Bởi thế nên mới có câu chuyện làm sao huy động vàng từ dân.

Vị chuyên gia tài chính kia nhắc lại một câu hỏi kinh điển: Hà cớ gì người bạn của ông lại giữ vàng chứ nhất định không chịu bán ra “để đưa tiền vào nền kinh tế”?

Đã có quá nhiều bài học mua vàng giá cao, bán vàng giá thấp, lần nào cũng mất tiền, mất khá nhiều tiền, nhưng bạn ông và rất nhiều người dân khác vẫn lặp lại vòng luẩn quẩn này. Oái oăm thay, họ không tỏ vẻ tiếc nuối mà trái lại khá an tâm khi nắm giữ khối kim loại này.

Ông kết luận: vàng là máu, là nước mắt và là tài sản người dân tin tưởng hơn bất kỳ món đồ nào khác hay bất kỳ kênh đầu tư nào khác. Vì thế sẽ không ít người quyết tâm nắm giữ bất chấp các kế hoạch huy động vàng của Chính phủ.

Ấn Độ đã mấy phen “huy động vàng” trong dân chúng, từ năm 1977 rồi 1980, rồi đợt huy động năm 1999 chỉ được 15 tấn, mặc dù với nhiều ưu đãi nhưng không đạt được hiệu quả mong muốn. Kế hoạch mới nhất được soạn thảo chuẩn bị lại từ năm 2015 và thực hiện bằng kế hoạch rất lớn có tên “Tiền tệ hóa vàng” (gold monetization).

Theo đó, người dân Ấn Độ, với ước tính đang sở hữu đến hơn 20.000 tấn vàng, sẽ đem vàng đến gửi cho nhà nước và hưởng lãi suất. Lượng vàng nhỏ nhất mà người dân có thể gửi có trọng lượng 30 gram theo ba thời hạn ngắn hạn, trung hạn và dài hạn, lãi suất thấp nhất là 2,25%, cao nhất là 2,5%. Kế hoạch này tự tin vừa huy động được vàng trong dân vừa giảm lượng vàng nhập khẩu.

Thế nhưng sau sáu tháng, đến cuối tháng 5-2016 kết quả chỉ có chừng 3 tấn vàng được “tiền tệ hóa vàng”, một con số nhỏ nhoi so với hơn 20.000 tấn.

Ấn Độ, cùng với Trung Quốc và Việt Nam, là ba quốc gia mà người dân thích mua và trữ vàng. Trung Quốc cũng lập sàn vàng giao dịch nhưng không đi theo vết xe đổ của người Ấn. Còn các quốc gia khác, đặc biệt là phương Tây, không hề có chuyện dân chúng ầm ầm đi mua vàng hay sở hữu vàng kiểu như ở Việt Nam.

Nói về con số vàng trong dân, chuyên gia tài chính trên dẫn lại một tính toán rằng trong số 500 tấn ước tính kia, chủ yếu nằm trong các tiệm vàng, với số lượng các cửa tiệm lên tới hơn 10.000 trên cả nước, là rất lớn, lên tới 72%. Số vàng nằm ở ngân hàng là ít nhất, chừng 1% và còn lại 27% ở trong dân chúng. Từ các bài học trên thế giới lẫn ở Việt Nam, rất nhiều chuyên gia tài chính đã kết luận rằng tiền tệ hóa vàng là một cuộc chơi không hề đơn giản.

Vì sao người dân nắm giữ vàng? Câu trả lời vẫn nằm ở lòng tin. Lòng tin của người sở hữu đối với loại kim loại quý này bất chấp sự trồi sụt về giá cả, nhưng ít nhất cũng ít rủi ro hơn các kênh đầu tư khác. Giữa lúc ngân sách đang gặp khó khăn, mất cân đối trong các khoản chi thường xuyên đến chi trả nợ và đầu tư phát triển, giải pháp huy động tiền từ dân chúng nghe có lẽ hợp lý nhất.

Bởi lẽ nếu như chọn giải pháp tăng cung tiền bằng cách khác, lãi suất sẽ lên cao, nền kinh tế có nguy cơ rơi vào lạm phát.

Các chuyên gia tài chính ngồi lại với nhau và một câu hỏi kinh điển khác được đặt ra: Tiền trong dân còn nhiều hay không? Thực tế có hai luồng ý kiến. Một thì cho rằng vẫn còn rất nhiều với lập luận về 500 tấn vàng hoặc hơn còn ở trong dân, nên cần huy động.

Nhóm kinh tế gia khác nhận định tiền đã cạn trong dân. Lập luận của nhóm này đến từ những quan sát về lượng tiền tiết kiệm, dưới hình thức vàng và tiền, trong thời gian qua đã sụt giảm. Khá nhiều doanh nghiệp đã cầm cự được ở thời kỳ biến động kinh tế trong khoảng thời gian 5-10 năm qua nhờ khoản tiền tiết kiệm này, từ vay mượn bạn bè, người thân và tích cóp của mình.

Nay tiền đã cạn, doanh nghiệp hoặc phải bán công ty nhà xưởng, hoặc chịu thua lỗ, không cầm cự nổi phải ngừng kinh doanh, giải thể... Chưa có nghiên cứu chính thức nào về việc này, đây chỉ là quan sát và nghiên cứu của một nhóm nhỏ các nhà kinh tế, tài chính.

Lịch sử của vàng đã gắn với máu và nước mắt của rất nhiều người dân, phương pháp nào đưa ra cũng cần cân nhắc cẩn trọng để tránh lặp lại những sai lầm cũ, gây hậu quả nhiều hơn kết quả. Khá nhiều người nhắc đến câu chuyện về thời điểm Luật doanh nghiệp ra đời vào năm 1999. Khi đó, một luồng gió mới đã kích thích dân chúng đổ tiền vào khởi sự kinh doanh.

Rất nhiều doanh nghiệp có tên tuổi của Việt Nam đã ra đời và lớn mạnh từ đạo luật này. Vậy làm thế nào để tạo sự hứng khởi trong dân chúng một lần nữa? Câu trả lời chắc chắn không phải là sự áp đặt? Lịch sử kinh thương của Việt Nam đã chứng kiến những hưng thịnh như thế.■

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận