Thế giới đen tối của tài chính bóng đá

NGUYÊN TRÍ 20/04/2016 21:04 GMT+7

TTCT - “Hồ sơ Panama” gây chấn động thế giới mấy ngày qua cũng đã gây rắc rối cho không ít nhân vật tên tuổi trong làng bóng đá, từ siêu sao đang mắc kẹt trong vụ kiện trốn thuế Lionel Messi, tới những nhà điều hành quyền lực ở Liên đoàn Bóng đá thế giới - FIFA.

Các tập đoàn lớn phải trả những khoản tiền khổng lồ để Messi đại diện cho họ, và đó là lý do cho cái gọi là “bản quyền hình ảnh cầu thủ” -bandt.com.au
Các tập đoàn lớn phải trả những khoản tiền khổng lồ để Messi đại diện cho họ, và đó là lý do cho cái gọi là “bản quyền hình ảnh cầu thủ” -bandt.com.au


Nhưng đằng sau câu chuyện về những tài sản mờ ám là một vấn đề khác từ lâu đã là “lỗ đen vũ trụ” trong tài chính bóng đá: định giá và các hợp đồng bản quyền hình ảnh cầu thủ. Trước hết, cần làm rõ tiền bản quyền hình ảnh của những cầu thủ ngôi sao là gì? Trên lý thuyết, đó là giải pháp bảo vệ cho hình ảnh độc quyền của những cầu thủ lớn.

Cả thế giới chỉ có một Lionel Messi hay Cristiano Ronaldo, và những hợp đồng quảng cáo, tài trợ, nhượng quyền gắn với hình ảnh của họ cần được pháp luật bảo vệ.

Tuy nhiên, trên thực tế như trưởng ban thể thao của báo Anh Independent Ian Herbert chỉ ra trong một bài viết mới đây, đó có thể là chiêu trò để né thuế rất tinh vi, thông qua những công ty ở hải ngoại đã được nêu tên trong “Hồ sơ Panama”.

Khi một CLB thanh toán thu nhập cho một cầu thủ, khoảng 15% hoặc hơn tổng số tiền đó là dành cho bản quyền hình ảnh, những khoản còn lại là lương, thưởng.

Với phần lương hay thưởng, cầu thủ sẽ phải đóng thuế thu nhập cá nhân rất cao, trong khi đó tiền bản quyền hình ảnh lại chịu khung thuế thấp và khoản tiền này thường được chuyển cho một bên thứ ba là công ty “đại diện” của cầu thủ, hầu hết đặt ở những thiên đường thuế như đề cập trong “Hồ sơ Panama”.

Dễ hiểu là tiền bản quyền hình ảnh càng cao trong hợp đồng thì khoản thuế mà cầu thủ lách được sẽ càng lớn. Nhưng ranh giới giữa né thuế và trốn thuế là rất mong manh, như những gì Messi đang phải đối mặt ở các tòa án Tây Ban Nha cho thấy.

Cũng chính bởi những dicdăc này mà vấn đề bản quyền hình ảnh gần như luôn được đề cập đầu tiên trong quá trình đàm phán hợp đồng giữa CLB và cầu thủ, hay những người đại diện cho họ.

David Platt - cựu tuyển thủ Anh và Dennis Bergkamp - danh thủ Hà Lan, những ngôi sao của thời cuối những năm 1990, được coi là những người tiên phong trong việc mượn tiền bản quyền hình ảnh làm công cụ né thuế.

Họ chuyển 70% thu nhập trong hợp đồng thành bản quyền hình ảnh, và nhờ thế tiết kiệm được hàng triệu bảng tiền thuế. Ở Anh, một nước có chính sách thuế thu nhập cá nhân chỉ là trung bình ở châu Âu, những ngôi sao bóng đá có thể phải nộp tới 45% tổng thu nhập của họ cho ngân khố.

Nhưng nhờ bức bình phong “tiền bản quyền hình ảnh” được chuyển cho những công ty ở thiên đường thuế như “một khoản đầu tư ra nước ngoài”, mức thuế có thể giảm chỉ còn 20%.

Mãi sau này khi Giải ngoại hạng Anh đã trở nên quá giàu có, thu hút tiền bạc từ khắp nơi trên thế giới, đẩy lương cầu thủ lên những mức cao choáng ngợp, cơ quan thuế vụ Anh mới thay đổi chính sách và siết chặt việc đóng thuế.

Nhiều nước khác có những giải vô địch quốc gia lớn ở châu Âu như Tây Ban Nha hay Ý cũng biết thừa mánh khóe của các cầu thủ, nhưng đã không thể làm gì để chấm dứt vấn nạn đó vì tiền bản quyền hình ảnh là một khái niệm luôn rất mập mờ, khó định giá và trong hầu hết trường hợp chỉ là sự thỏa thuận giữa CLB và cầu thủ.

Trong trường hợp Messi cho tới giờ vẫn phủ nhận mọi cáo buộc né thuế nhờ công ty bình phong. Song có một thực tế là dù bằng cách gì, phần lớn thu nhập của Messi trong thời gian chơi cho Barcelona (và giành rất nhiều danh hiệu) đều được chuyển ra nước ngoài. Và từ những gì chúng ta biết được qua “Hồ sơ Panama”, Messi chỉ là con cá lớn nhất trong mẻ lưới, bị chú ý bởi vì danh tiếng quá lớn và tiền bạc quá nhiều.■

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận