Dòng sông phù thủy

PHÙNG PHƯƠNG QUÝ 25/11/2015 17:11 GMT+7

TTCT - Buổi sáng ngồi quán cà phê dưới chân cầu Bến Đá, nơi cách thượng nguồn con sông chừng hơn cây số, ông Tư “tiến sĩ” nông dân chỉ dòng sông nói với tôi: “Nước lớn rồi đó! Chú nhìn đám lục bình thì biết”.

Minh họa: VIIP
Minh họa: VIIP

Mặt nước rộng hơn hai trăm mét đang gờn gợn sóng, đám lục bình phủ kín quãng sông đang nhúc nhích, dập dờn tiến ngược dòng. Tuy vậy, khoảng trống mặt nước giữa các đám lục bình trên sông vẫn còn chừng vài chục mét, những chiếc xuồng máy đang hối hả băng ngang cánh đồng bên kia chở thóc về.

Cứ như lời ông Tư “tiến sĩ”, chừng một giờ nữa là lục bình ken kín mặt sông suốt cả chục cây số, chẳng ghe xuồng nào qua sông được. Đúng một giờ sau, trước mắt chúng tôi là một dòng sông xanh theo đúng nghĩa đen lẫn nghĩa bóng.

Bọn lục bình chen chúc nhau, xin xít, chật cứng, “nối vòng tay lớn” ngăn cản mọi ý định vượt sông của con người. Tình trạng này sẽ duy trì gần mười tiếng đồng hồ, cho tới lúc nước ròng, lục bình bắt đầu trôi xuôi.

Mấy ông lão tuổi xấp xỉ thế kỷ cho hay gần trăm năm mới thấy lục bình xuất hiện dày đặc như có phù phép vậy. Chỉ cách đây vài chục năm, dòng sông của họ thật thơ mộng, nước trong in bóng trời xanh mây trắng.

Dọc bờ sông thấp thoáng những cụm lục bình vừa trôi vừa nở hoa tím thơ mộng. Bởi vậy mới có những bến Cẩm Vân, chợ Cẩm Giang sát ven bờ sông. Những thôn nữ đầu choàng khăn rằn chống xuồng ba lá dập dìu trên nước hái hoa và đọt lục bình tạo nên một bức tranh quê đẹp đầy quyến rũ.

Vậy mà bây giờ bọn lục bình đã gần như giết chết con sông. Mùa cá linh mấy năm nay không còn nhiều như trước. Cá linh bắt lên có con bị nổ mắt hoặc mang dị tật trên bụng. Cá nuôi lồng bè lâu lâu rủ nhau chết hàng loạt, làm mấy ngư dân xất bất xang bang vì nợ. Hoàng hôn, mấy cánh cò trắng cõng chút nắng chiều qua sông bay vội vã, hốt hoảng như cảm nhận thấy bóng dáng con quái vật hung dữ bên dưới.

Nghiêm trọng nhất vẫn là tình trạng lục bình làm kẹt giao thông đường thủy. Tàu ghe, sà lan từ miền Tây chở hàng nông sản lên, xui xẻo gặp khi lục bình nổi loạn, chân vịt chém lục bình xì khói mà chạy chậm rờ chậm rịt, chỉ riêng tiền dầu đã lỗ thấu xương.

Các loại ghe xuồng nhỏ thì vô phương, không cách gì qua sông được, cứ nằm chết cứng loay hoay giữa ma trận lục bình. Một sở khoa học đã nghiên cứu khảo sát và cho con số kinh hoàng là có khoảng 20 triệu tấn lục bình tươi trên chiều dài hơn 80km dòng sông.

Danh hiệu “tiến sĩ” của ông Tư là do bà con hai bờ sông phong cho nhờ có tài mày mò nghiên cứu về cách trị lũ phù thủy lục bình bằng cách ngăn dây cáp ngang sông, chặn lục bình lại rồi đuổi chúng về hạ lưu.

Dự án của ông rất khả thi sau khi thử nghiệm trực tiếp trên sông, với tổng chi phí... 140 triệu đồng. Nhưng người ta chê dự án nhỏ quá, không chắc thành công, sau đó chính quyền địa phương tổ chức hội thảo, chuẩn bị cho dự án vĩ đại hơn gồm nhiều tỉ đồng. Rất tiếc là dự án này tốn tiền Nhà nước mà chẳng có kết quả. Lục bình vẫn nhởn nhơ trên sông, ngày càng đông đàn dài lũ, thách thức con người.

Nghe đâu các cơ quan khoa học, môi trường kết hợp với ủy ban tỉnh đang rút kinh nghiệm thất bại, có phương án mới để “uýnh” phù thủy lục bình, với nhiều tỉ đồng khác. Thôi thì trong lúc chờ đợi, họ vẫn dùng phương pháp thủ công của ông Tư “tiến sĩ”, căng dây cáp qua sông ngăn lục bình, tạo ra khoảng trống mặt nước chừng một trăm mét cho ghe xuồng qua lại.

Có chuyện lạ, trên đầu nguồn con sông có bà nông dân một buổi trưa đẹp trời bỗng nhớ đến những ngày trẻ tuổi hay ra bến sông giặt đồ. Bữa đó, bà đem chiếc áo lụa tơ tằm mà con gái mua cho ở Đà Lạt ra sông giặt. Xong xuôi đem về phơi, tới chiều chiếc áo đang từ màu đỏ biến thành màu gạch cua.

Cô con gái bà bắt chước má ra bến gội đầu, hong tóc trước gió mà mơ màng nhớ chuyện ngày xưa có chàng Trương Chi... Ai ngờ bữa sau, lúc chải đầu thấy tóc rụng hàng nắm tơi tả. Cô hoảng sợ hét lên, cho rằng dưới sông có mụ phù thủy thiệt. Đúng là phù thủy thì mới làm áo của má bạc màu trong chốc lát, làm tóc cô rụng thê thảm như mắc bệnh sốt rét cấp tính.

Nhưng người ta đã tìm ra hang ổ mụ phù thủy kia. Trên thượng nguồn, hai bên bờ sông có tới sáu nhà máy chế biến bột mì (sắn). Chất thải từ nhà máy được xả thẳng ra sông, không qua công nghệ xử lý.

Bà nông dân và cô con gái không may giặt áo, gội đầu đúng lúc chất thải mới chảy ra sông, chất axit chưa làm chết người là còn may. Một người bạn của ông Tư làm công tác nghiên cứu về chất thải môi trường cho hay cái chất độc làm chết tôm, chết cá ấy lại là món ăn khoái khẩu của bọn lục bình, cho nên càng nhiều chất thải lục bình càng phát triển.

Nghe đâu đã có văn bản đề nghị những nhà máy kia phải đầu tư lắp đặt hệ thống xử lý nước thải. Vậy mà bao lâu nay con người cứ loay hoay với những dự án tiền tỉ, những suy đoán vô căn cớ. Ví dụ như lỡ gọi con sông tươi đẹp ngày nào là “dòng sông phù thủy”.■

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận