Chuyện trên núi

ĐỨC HOÀNG 26/11/2015 02:11 GMT+7

TTCT - Vẫn còn những vùng đất mà ở đó, khi người dân hiểu được 50% chính sách, nắm được 50% thông tin mà chính quyền muốn truyền tải, thì đấy đã là một thành công của cán bộ. Giữa núi xanh mây trắng và màu hoa vàng rực của những nhành lá ngón, những cuộc giao tiếp với đồng bào cứ chênh vênh như chính người đi trên đèo.

Xóm Khuổi Khon nằm cheo leo trên lưng chừng núi-Đức Hoàng
Xóm Khuổi Khon nằm cheo leo trên lưng chừng núi-Đức Hoàng

“Mình không biết chữ mà, mình có biết gì đâu, buổi sáng mình ăn sáng xong rồi mình đi lấy củi, làm rẫy làm ruộng, mình không ra ngoài, mình chả biết đâu” - anh Sùng A Tỏa, người Mông, ở xã Phan Thanh, huyện Bảo Lạc (Cao Bằng), trả lời khi được hỏi về chế độ chính sách dành cho mình.

“Chỉ biết ăn rồi đi lấy củi”

Nhà nước từng cho anh Tỏa cái bể chứa nước sạch, nhưng không hiểu vì sao không đủ vật liệu để xây. Chuyện hỗ trợ con giống, anh cũng chẳng biết là có hay không, mấy năm trước có nhưng năm nay không thấy. Anh cũng không đi hỏi vì “không biết tên chương trình là gì”. Nói chuyện với anh, chỉ thấy một điệu cười nhàn nhạt.

Nhà anh Tỏa cách biên giới với Trung Quốc không bao xa, nằm trong một xã phần lớn là đồng bào người Mông. Giở cuốn sổ theo dõi tử vong đặt trong trạm y tế xã Phan Thanh ra, trong 22 trường hợp tử vong từ đầu năm đến giờ, có tới tám trường hợp tự tử bằng cách ăn lá ngón.

Người Mông ở đây ăn lá ngón trong mọi trường hợp có thể, từ những buồn bực vu vơ nhất như chồng đi nhậu về khuya hay vì một câu mắng chửi. Tự ái của người Mông cứ cao như núi. Những cây lá ngón hoa vàng rực rỡ vẫn leo đầy các sườn núi, như bức tường thành kiên cố của vùng văn hóa này.

Anh Sùng A Tỏa -Đức Hoàng
Anh Sùng A Tỏa -Đức Hoàng

Không có thì kệ thôi” cũng là trả lời của nhiều đồng bào tại vùng giáp biên này khi nói về chế độ chính sách cho họ. Anh Sùng A Tỏa còn may mắn là được học hết lớp 1, nói được chút ít tiếng Kinh. Tiếp xúc với đồng bào dân tộc thiểu số ở Bảo Lạc, một trong những huyện nghèo nhất nước, phần lớn phải nhờ đến phiên dịch.

“Kệ thôi” - người phiên dịch chuyển ngữ ngắn gọn sau một câu hỏi rất dài của phóng viên dành cho một phụ nữ người Dao Đỏ ở xã Hưng Đạo. Bà cũng chẳng biết mình được nhận những gì từ Nhà nước, chỉ lơ mơ rằng năm ngoái có, năm nay không có.

Khoảng cách ngôn ngữ là một trong những rào cản chính khiến thông tin từ Nhà nước không đến được với đồng bào. Thông tin từ xã sẽ được chuyển xuống xóm thông qua những trưởng xóm, vốn là người bản địa biết nói tiếng dân tộc.

Nhưng đảm bảo được vấn đề ngôn ngữ lại đối mặt với vấn đề trình độ. Các vị trưởng xóm được chọn từ cộng đồng ở vùng này đa số đều có trình độ văn hóa thấp, chỉ lờ mờ hiểu nhiệm vụ của chính bản thân.

Một cái văn bản ba phần, mình đọc chỉ hiểu được hai phần, đọc ra cho bà con thì chỉ còn hiểu được một phần” - anh Hoàng Vần Khìn, trưởng xóm Khau Pa, xã Hưng Đạo, thổ lộ. Anh Khìn chỉ học hết lớp 4, đến năm 12 tuổi đã bị bố mẹ bắt lấy vợ để nhà có người làm, anh quyết đòi đi học nhưng không được.

Anh nói tiếng Kinh khá sõi, cũng nắm được sơ sơ về các chương trình 102 và 30a, hỗ trợ giống cây trồng và cây giống cho bà con. Nhưng hỏi anh kỹ hơn về chương trình 30a thì anh ngước mắt lên trời, ấp úng rất lâu, không nhớ được số vốn hỗ trợ của chương trình được quy đổi ra những con gì, cây gì.

Anh Khìn sống gương mẫu, đến giờ vẫn sống với người vợ hơn anh 2 tuổi mà bố mẹ lấy cho từ 18 năm trước, con cái đã lớn, nhưng vẫn chưa thể làm tròn nhiệm vụ kết nối giữa chính quyền và người dân trong xóm.

Anh Hoàng Vần Khìn, trưởng xóm Khau Pa, đang cố hết sức nhớ xóm đã nhận những chương trình gì trong năm qua -Đức Hoàng
Anh Hoàng Vần Khìn, trưởng xóm Khau Pa, đang cố hết sức nhớ xóm đã nhận những chương trình gì trong năm qua -Đức Hoàng

Chính cán bộ xã cũng thừa nhận điều ấy. Chị Triệu Thị Pham, phó bí thư xã Hưng Đạo, nói rằng trường hợp nào mà bà con “nắm được 50% chính sách” thì tức là khi ấy trưởng xóm đã “phát huy được năng lực” lắm rồi.

Chị cũng thừa nhận rằng mặc dù chính quyền cấp xã thường xuyên cử người xuống nhưng việc cung cấp thông tin cho bà con phụ thuộc hoàn toàn vào năng lực của trưởng xóm, vì đơn cử như xã Hưng Đạo, chỉ mấy nghìn người nhưng có đến sáu dân tộc khác nhau, 80% số chủ hộ mù chữ, mà số lượng cán bộ là người dân tộc, biết nói tiếng dân tộc rất ít.

Chưa nói tới trường hợp chính quyền chủ động đưa thông tin xuống làng bản, mà ngay cả khi bà con lên gặp chính quyền có khi cũng phải... chạy đi nhờ đâu đó mới ra một người phiên dịch để làm việc.

Những cuộc giao tiếp “lệch pha” như thế tạo ra nhiều bất cập, đôi khi là bức xúc. Chị Pham kể bà con tất nhiên không thể phân biệt được thế nào là hộ nghèo, thế nào là hộ cận nghèo, vì ở đây đôi khi cách biệt giữa “nghèo” và “cận nghèo” chỉ là một bao ngô. Thế là những hộ “cận nghèo” bức xúc vì không được nhận trợ cấp lại còn phải ủng hộ quỹ “Vì người nghèo”. Và đó chỉ là những mâu thuẫn sơ khai nhất.

Chuyện của xã Kim Cúc

310 triệu đồng trong ba năm, đó là số tiền bị cho là đã “hao hụt” khi trên đường từ xã Kim Cúc, huyện Bảo Lạc xuống đến tay người dân. Việc này đã diễn ra trong một thời gian rất dài, từ năm 2010 đến năm 2012, nhưng người dân không thắc mắc bởi họ cũng chưa bao giờ biết rằng mình được hưởng những gì để thắc mắc.

Anh Nguyễn Trung Hiếu, 26 tuổi, chủ tịch xã Kim Cúc, cho biết số tiền hơn 310 triệu đồng nọ “đã được ra quyết định thu hồi”, những cán bộ liên quan đã bị đình chỉ công tác chờ điều tra. Nhưng có lẽ rất lâu nữa khoản tiền này mới được tái phân bổ cho người dân.

Và câu chuyện này chỉ là một ví dụ nữa về hậu quả nghiêm trọng khi mối liên hệ giữa người dân và chính quyền không thể thông suốt.

Xóm Khuổi Khon, xã Kim Cúc là xóm của đồng bào dân tộc người Lô Lô. Cả nước chỉ còn có hơn 4.000 người Lô Lô, trong đó huyện Bảo Lạc chiếm một nửa dân số. Văn hóa đặc thù, ngôn ngữ riêng biệt, đời sống tinh thần khép kín và sinh sống trên địa hình núi cao hiểm trở, việc tiếp cận họ là vô cùng khó khăn.

Anh Hiếu, mới được bổ nhiệm sau “xìcăngđan” tiền chính sách kia, đã chủ động tuyển dụng một cán bộ người Lô Lô về xã để có điều kiện giao tiếp với bà con. Chị Duyến là người duy nhất trong xóm Khuổi Khon từng học đến đại học. Chị học Đại học Giao thông vận tải ở Hà Nội, giờ về làm cán bộ địa chính xã. Nhưng nhiệm vụ quan trọng nhất của chị lại nhang nhác một cán bộ “dân vận”.

Hỏi chị Duyến về chính sách và các vấn đề tuyên truyền, chị cũng thú thật rằng mình sẽ còn phải đọc nhiều chứ chưa biết mấy, vì ngày xưa học cầu đường. Hỏi anh Tướng, bí thư xóm Khuổi Khon, về chuyện trước kia, anh cũng chỉ biết diễn đạt lại là “có 10 con bò thì người ta lấy mất 3 con, chỉ còn 7 con xuống xóm”. Rất nôm na.

Ở dưới, các đại diện xóm đi họp vẫn rót rượu đều tay. Ở trên bàn đại biểu, vị đại biểu trước khi ngồi xuống cũng đưa chai tự thưởng cho mình một chén. Đến cuối cùng, người quan sát cũng không thể biết được rằng liệu tỉ lệ “hiểu 50% văn bản” có quá lạc quan không.Phải tham dự một buổi họp ở xóm Khuổi Khon mới thấy được sự chênh vênh của những cuộc giao tiếp nơi vùng cao. Một cái báo cáo tình hình kinh tế - xã hội, một cán bộ xã đứng lên đọc bằng tiếng Kinh, không biết có ai nghe được gì không. Rồi một người phụ trách xóm phiên dịch cho bà con từng tí một, từ “văn hóa” là gì, “an ninh” là gì. Vốn từ của tiếng Lô Lô cũng không đủ để có thể phiên dịch hết văn bản.

Rượu rót tràn ly ở khắp ngóc ngách của những xóm vùng cao. Bước vào ủy ban xã, ấm trà chưa kịp ngấm, rượu đã được rót. Xuống nhà trưởng xóm, rượu lại tràn ly. Xuống nhà dân, lại rượu. Xong cuộc phỏng vấn ở nhà dân lại lên thăm nhà cán bộ với rượu.

Ở vùng cao Bảo Lạc này, người ta chỉ uống rượu với nước chè, không “nhậu”. Một cuộc thăm xã có thể đo bằng mười mấy, hai mươi chén rượu. Những cuộc họp cũng không là ngoại lệ. Ngất ngưởng lên xuống bàn chuyện chính sách.

Chủ tịch xã Kim Cúc, lên phụ trách địa phương sau khi học chương trình đào tạo 600 (*), từng chẳng uống nổi quá hai chén khi còn là sinh viên Đại học Văn hóa, giờ cũng phải “cưa” được nửa chai mới mong nói chuyện nổi với dân. Nhưng đến bây giờ vẫn phải lắc đầu kêu khó.

Sẽ ít người chịu đựng được hình ảnh này: phóng viên rời khỏi ủy ban, chia tay các cán bộ để họ đi dự đám ma. Hai chị em, một đứa lớp 2, một đứa lớp 5, đi học về giở nồi cơm ra chưa thấy bố mẹ nấu cơm, chúng tự ái đi hái lá ngón rủ nhau ăn. Những câu chuyện như thế vẫn cứ rải rác khắp vùng cận biên này, nơi dù chỉ những cuộc trò chuyện cũng chưa thành.■

(*): Đề án tuyển chọn 600 trí thức trẻ về làm phó chủ tịch xã thuộc 62 huyện nghèo.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận