Người Mỹ khuất phục FIFA

ĐOÀN DỰ 29/10/2015 17:10 GMT+7

TTCT - Như hiệu ứng hòn tuyết lăn, từ một cuộc điều tra của Tổng cục Thuế Mỹ (IRS) vào năm 2011 liên quan đến một cá nhân trốn thuế, người Mỹ đã lần ra những vụ tiêu cực ở FIFA, dẫn đến các cuộc bắt bớ một số viên chức của tổ chức này hồi tháng 5, chủ tịch Sepp Blatter phải từ chức và cơ hội trở thành chủ tịch FIFA của ông Michel Platini bị ảnh hưởng.

Chuck Blazer, người đã khởi đầu cho sự sụp đổ của đế chế FIFA -thebiglead.com
Chuck Blazer, người đã khởi đầu cho sự sụp đổ của đế chế FIFA -thebiglead.com

Tháng 8-2011, khi Steve Berryman của IRS ở Los Angeles mở cuộc điều tra về nghi vấn trốn thuế của một công dân Mỹ có hai căn hộ sang trọng ở Trump Tower tại Manhattan, chuyên viên này không hề biết rằng ông đang tạo ra những mầm mống đầu tiên của một cơn bão khủng khiếp làm lung lay đến tận gốc rễ của đế chế FIFA do ông Sepp Blatter gầy dựng.

Từ cuộc điều tra Chuck Blazer…

Công dân Mỹ đó là Chuck Blazer, khi đó là tổng thư ký LĐBĐ Bắc Mỹ, Trung Mỹ và vùng Caribbean (CONCACAF). Ngoài hai căn hộ sang trọng nói trên, Blazer còn sở hữu những chiếc xe đắt tiền, tài sản đắt giá ở Miami, Bahamas và thường đi lại từ nước này sang nước nọ bằng chuyên cơ.

Trước cuộc điều tra của Berryman khoảng nửa năm, hai nhân viên Jared Randall và John Penza của FBI ở New York, trong lúc điều tra một vụ án hình sự liên quan đến các băng nhóm tội phạm có tổ chức, đã nhận được những thông tin cho thấy có những hoạt động phi pháp ở FIFA.

Lúc đó, nước Mỹ vừa thất bại trong cuộc vận động đăng cai World Cup 2022. FIFA đã giao quyền tổ chức World Cup 2018 và 2022 lần lượt cho Nga và Qatar. Đến tháng 11-2011, FBI và IRS liên kết với nhau để đẩy mạnh cuộc điều tra về những hoạt động tiêu cực của các viên chức FIFA.

Cuộc điều tra này, có sự kết hợp với các viên chức ngoại giao và lực lượng cảnh sát 33 nước trên thế giới, được các chuyên gia về pháp luật đánh giá là một trong những vụ phức tạp nhất có quy mô quốc tế những năm gần đây.

Cũng vào tháng 11-2011, Blazer nhận được đề nghị của các chuyên viên điều tra: hoặc là hợp tác hoặc phải ngồi tù. Lựa chọn giải pháp an toàn, Blazer trở thành người cung cấp thông tin cho các chuyên viên điều tra.

Nhờ vậy, FBI và IRS khám phá được những vụ rửa tiền và biển thủ của một số viên chức FIFA. Từ thông tin do các nhà điều tra Mỹ cung cấp, cảnh sát Thụy Sĩ bắt giam bảy viên chức FIFA vào ngày 27-5 tại Zurich.

Trong một cuộc họp báo diễn ra sau đó, Lorretta Lynch - tổng công tố viên Mỹ, tương đương bộ trưởng tư pháp ở các nước khác - cho rằng sự tha hóa đã trở thành một bệnh dịch bén rễ ở FIFA. Richard Weber, trưởng ban điều tra của IRS, gọi vụ xìcăngđan này là “World Cup của sự lừa bịp” và nước Mỹ buộc phải “rút thẻ đỏ” để trừng phạt những người có hành vi tiêu cực ở FIFA.

… đến cơ hội bị đánh mất của ông Platini

Đến ngày 8-10, cả ông Sepp Blatter lẫn chủ tịch Michel Platini của UEFA đều bị Ủy ban đạo đức của FIFA tạm ngưng chức 90 ngày. Ông Blatter bị cáo buộc đã ký một hợp đồng bán bản quyền truyền hình World Cup 2010 và 2014 cho LĐBĐ vùng Caribbean (CFU) với giá thấp đáng kể so với giá thị trường.

Ông cũng bị xem đã lạm dụng quyền hạn khi chi 1,8 triệu euro cho ông Michel Platini vào tháng 2-2011. Theo các chứng từ của FIFA, đây là số tiền bổ sung cho 900.000 euro mà FIFA đã trả cho ông Platini sau khi cựu danh thủ này làm việc từ năm 1999-2002 trong vai trò cố vấn.

Nghi vấn trong chuyện này là tại sao đến tháng 2-2011 FIFA mới trả tiền cho một công việc đã kết thúc chín năm trước. Những người thân cận với ông Platini cho biết vấn đề ở đây chỉ là sự chậm chạp của FIFA trong việc làm chứng từ cho số tiền mà họ đã trả cho chủ tịch UEFA.

Dù sao, Ủy ban đạo đức FIFA cũng có cơ sở để tạm ngưng chức ông Platini 90 ngày. Bản án này có thể được kéo dài thêm 45 ngày nếu Ủy ban đạo đức thấy đó là điều cần thiết.

Từ ngày 8-10, ông Platini tạm thời không còn là thành viên ban chấp hành FIFA và cũng tạm thời không được giữ chức chủ tịch UEFA, vai trò ông nắm giữ từ năm 2007. Điều quan trọng nhất là ông Platini đứng trước nguy cơ không thể tham gia tranh cử chức chủ tịch FIFA vào ngày 26-2-2016.

Thành viên Andreas Bantel của Ủy ban đạo đức FIFA cho biết: “Sự tham gia ứng cử của ông Platini không phải là vấn đề của Ủy ban đạo đức, mà là vấn đề của Ủy ban bầu cử. Ủy ban này có trách nhiệm xem xét tính hợp lệ của các hồ sơ ứng cử”. Tuy nhiên, để xác minh đạo đức người đăng ký tham gia ứng cử, Ủy ban bầu cử phải hỏi ý kiến Ủy ban đạo đức.

Dù được tham gia ứng cử, ông Platini không còn chắc chắn khả năng chiến thắng khi uy tín sút giảm nhanh chóng từ khi có tin ông trở thành đối tượng điều tra của chính quyền Thụy Sĩ và của FIFA. Trước đây, ông Platini được xem là nhân vật đối kháng với ông Blatter và là người xứng đáng nhất thay thế ông này trên cương vị chủ tịch và tiến hành một cuộc đổi mới triệt để ở FIFA.

Tuy nhiên sau khi cùng bị “treo giò” với ông Blatter, ông Platini bị xem như “cùng một giuộc” với ông lão 79 tuổi đã chỉ huy FIFA liên tục trong 17 năm. Dưới ánh mắt của công chúng, ông Platini không còn là gương mặt mới mẻ cho FIFA, mà là một bộ phận của bộ máy cũ kỹ dưới thời ông Blatter.

Michael Hershman, cựu thành viên người Mỹ của Ủy ban cai quản độc lập thuộc FIFA (có trách nhiệm giám sát sự cải tổ của FIFA), cho biết: “Tôi không quen biết ông Platini, nhưng tôi gặp ông nhiều lần khi còn là thành viên của Ủy ban cai quản độc lập. Điều tôi có thể nói là ông Platini ở trong ban chấp hành FIFA từ 13 năm. Ông đã có mối quan hệ rất thân thiết với ông Blatter. 

Ông không kêu gọi sự cải tổ và không phải là người bảo vệ kiên trì sự cải tổ về đạo đức trong nội bộ FIFA. Hiện nay ông hứa hẹn sự cải tổ, nhưng khi ở vào vị trí có thể thay đổi, ông đã không thực hiện điều đó...

Có lẽ ông có nhiều sự ủng hộ và bạn bè trong cộng đồng FIFA, nhưng tôi khẳng định rằng nếu ông Platini trở thành chủ tịch của FIFA, thế giới sẽ không xem ông như là người đại diện của sự thay đổi, mà xem ông như là một thành viên của êkip cũ. Theo ý kiến của tôi, ông Platini không có lợi cho tương lai của FIFA”.

Trong hàng ngũ của UEFA, những người không có thiện cảm với ông Platini nhanh chóng nhân cơ hội này bài bác ông. Chủ tịch Wolfgang Niersbach của LĐBĐ Đức kêu gọi ông Platini nên xem xét lại ý định tham gia ứng cử. Đáng tiếc hơn nữa, một ủng hộ viên nhiệt tình của cựu danh thủ Pháp từ bấy lâu nay là Hiệp hội Bóng đá Anh (FA) cũng thay đổi thái độ.

Ông David Gill, người đại diện của FA, cho biết vào ngày 16-10: “FA chúc ông Michel Platini thành công trong việc gột rửa tên tuổi của ông. FA cũng không muốn có hành động nào gây ảnh hưởng đến quy trình này. Dù sao, tại cuộc họp của UEFA vào ngày 16-10, FA biết được nhiều thông tin về vấn đề này từ các luật sư của ông Platini…

Sau khi biết những thông tin như vậy, FA quyết định phải tạm ngưng sự ủng hộ đối với ông Platini trong việc ứng cử vào chức chủ tịch FIFA đến khi sự việc được làm sáng tỏ. Khi đó, FA sẽ quyết định ủng hộ ai trong cuộc bầu cử ngày 26-2-2016”.

Với những diễn biến này, người ta không tin rằng ông Platini sẽ thực hiện được giấc mơ ấp ủ từ bấy lâu nay: trở thành chủ tịch FIFA. Tất cả chỉ vì một cuộc điều tra diễn ra ở Mỹ vào năm 2011 hoàn toàn không dính líu gì đến ông.■

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận