​​​Người lính trong một thế giới đã khác

NGUYỄN VĂN THỌ 21/12/2014 18:12 GMT+7

TTCT - Cuộc trao đổi giữa hai nhà văn quân đội: Nguyễn Văn Thọ và Sương Nguyệt Minh về chân dung người lính trong văn chương ngày nay.

Nhà văn Sương Nguyệt Minh - Ảnh nhân vật cung cấp
Nhà văn Sương Nguyệt Minh - Ảnh nhân vật cung cấp

Nhà văn SƯƠNG NGUYỆT MINH sinh năm 1958, tên thật Nguyễn Ngọc Sơn, nguyên trưởng ban biên tập văn xuôi tạp chí Văn Nghệ Quân Đội, đã xuất bản bảy tập truyện ngắn và hai bút ký - tạp văn. 

Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam với tập truyện ngắn Dị hương năm 2010. Miền hoang vừa xuất bản (NXB Trẻ, tháng 10-2014) là tiểu thuyết đầu tiên của nhà văn từng chiến đấu ở biên giới Tây Nam và chiến trường K.

Viết từ những thao thức

* Cuộc chiến với quân Khmer Đỏ Pol Pot lùi xa đã 25 năm. Hơn 20 năm ông đã viết khá nhiều truyện ngắn, ít nhiều liên quan đến cuộc chiến này, nhưng cho tận tới giờ mới có cuốn tiểu thuyết đồ sộ hơn 600 trang. Vì sao độc giả phải chờ đợi lâu thế một trận chiến mà ông là người lính trực tiếp tham gia?

- Nói thật là trước đây tôi không biết cách thể hiện cuộc chiến này trong tác phẩm của mình như thế nào để trước hết là... vừa lòng mình đã. Tôi không muốn lặp lại cách của các thế hệ đàn anh đi trước, nhưng tìm cho mình một cách viết khác và một cái nhìn khác về cuộc chiến này thì tôi vẫn loay hoay, chìm trong “nhận thức tìm đường”.

Có lẽ tình hình chính trị đất nước Campuchia ngày nay khác hẳn 20 năm trước, không còn như cái thời chúng tôi trong đoàn quân tình nguyện Việt Nam sang làm nhiệm vụ quốc tế cứu nhân dân Khmer thoát khỏi nạn diệt chủng của bọn Pol Pot..., làm tôi nghĩ ngợi nhiều đến sự được - mất, đến sự lãng quên, đến tâm thế người lính đi qua cuộc chiến ở ngoài biên giới.

Cộng với độ lùi thời gian cần thiết đủ để tôi chín về suy nghĩ, để viết về cuộc chiến khủng khiếp này, có nghĩa là tôi đã không vội vàng, đã đến lúc không sớm cũng chẳng muộn phải viết về cuộc chiến tranh này.

Chỉ có một điều không thay đổi: người lính bao giờ cũng phải ở tuyến đầu của mọi cuộc chiến và mọi loại chiến tranh. Trọng trách luôn đặt trên vai người lính.

* Miền hoang từng trang viết đều có máu, sự khốc liệt tràn ngập, nhất là những hành vi thủ ác của đối phương man rợ khôn cùng. Đây có phải dụng tâm của nhà văn khi xây dựng cuốn tiểu thuyết làm cho người ta ghê sợ chiến tranh hay còn có những mục tiêu khác?

- Mục tiêu đầu tiên là đi đến sự thật chiến tranh thì người viết phải chân thật, lẽ nào tôi lại viết khác đi. Cái sự thật chiến tranh là tận cùng khốc liệt, chiến tranh là lấy bạo lực để diệt trừ cái ác nhưng chiến tranh cũng là dịp cái ác bị kích lên đỉnh điểm.

Lúc bình thường, con người có thể không dám giết con giun, con kiến, trong chiến tranh điều gì cũng có thể xảy ra. Người ta nói “chiến tranh không phải trò đùa”, chiến tranh cũng không phải là ngày hội của chúng sinh.

Những điều tôi đã viết trong tiểu thuyết Miền hoang chỉ là một phần rất nhỏ về sự man rợ của bọn diệt chủng Pol Pot và sự tàn khốc của chiến tranh. Chiến tranh sẽ kéo lùi lịch sử và có nguy cơ đẩy con người trở về hoang dã.

Mục tiêu thứ hai là tôi có một tham vọng khi gấp trang sách cuối cùng của Miền hoang, bạn đọc sẽ kinh hoàng và sợ hãi chiến tranh. 

* Trong Miền hoang, ông đã kỳ công với một cách dựng chuyện rất đa chiều, khi ở ngôi tôi kể chuyện, khi ở ngôi thứ ba... Ông còn dùng nhiều thể loại: chủ đạo là văn học, nhưng lúc thì gần như các mảng ghi chép hết sức khách quan không rõ tác giả ở phía nào, để có nhà báo gọi nó là sự đan xen giữa chất truyện và chất phóng sự, báo chí, thậm chí nhật ký. Tôi lại cho đây là phép chiếu một cuộc chiến riêng của nhà văn Sương Nguyệt Minh?

- Vâng! Trong Miền hoang có bốn nhân vật chính: Gã Lục Thum - Ông Lớn bị thương giập nát chân xưng “ta” với cái nhìn chiến tranh của viên chỉ huy cấp trung đoàn tinh quái. Thằng Rô thô lỗ, cục cằn, vô học xưng “tao” thì chỉ với cái nhìn trận mạc của một tên lính áo đen.

Cô y tá người Khmer xinh đẹp bị câm, độc thoại nội tâm xưng “tui” là cái nhìn chiến tranh của một người con gái yếu ớt bị giày vò, quăng quật tan nát. Chàng trai tên Tùng bị bắt làm tù binh xưng “tôi” lại có cái nhìn chiến tranh của một người lính trí thức tham chiến ở bên ngoài biên giới.

Cuối cùng là tác giả nhìn cuộc chiến tranh ở chiến trường K với tư cách là một nhà văn... Tất cả được “ném” vào chung một không gian, rồi thay nhau kể chuyện, tự sự, độc thoại trong thời gian đồng hiện.

Ngoài bốn nhân vật chính, thêm tác giả tiểu thuyết nữa là năm cách cảm nhận, năm cái nhìn chiến tranh, thì còn rất nhiều tham chiếu khác nữa của các nhà chính trị, nhà quân sự, nhà báo... qua những trích đoạn phụ đề hoặc ghi chép, nhật ký, phóng sự...

Tôi muốn bạn đọc cảm nhận được nhiều góc nhìn khác nhau về cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới Tây Nam và cuộc chiến liên miên, dai dẳng ở chiến trường K... một cách khách quan. Qua đó, bạn đọc đồng cảm hoặc chia sẻ với góc nhìn nào tương tác với mình để tiếp nhận, chứ không nhất nhất áp đặt ý muốn chủ quan của người viết.

* Những trang viết về phía người lính Việt Nam rất chân thật, sống động vì chính ông là người lính trực tiếp. Song ở những trang viết mô tả đối phương và người Khmer lại đề cập rất cụ thể tâm lí, suy nghĩ, lời ăn tiếng nói của họ. Ông có thể nói rõ làm sao có thể tiếp cận được để hiểu họ như vậy?

- Tôi có những tháng năm cùng đồng đội tham gia chiến đấu bảo vệ biên giới Tây Nam và có mặt trong đoàn quân tình nguyện ở chiến trường K. Sau khi thủ đô Phnom Penh được giải phóng thì lữ đoàn tôi tiếp nhận gần chục cô gái, chàng trai người Khmer biết tiếng Việt về đội công tác dân vận.

Cả năm trời chúng tôi sống và làm việc cùng với tổ công tác này, chỉ ở khác nhà. Tắm sông thì con gái Khmer ở bến trên, chúng tôi ở bến dưới. Tắm một lúc thì nước trôi làm chúng tôi chập vào một bến...

Chúng tôi tiếp xúc, quan hệ, làm việc với người dân Khmer đều qua phiên dịch ở tổ công tác dân vận này. Dần dần chúng tôi cũng giao tiếp đơn giản bằng tiếng Khmer, hiểu được phần nào văn hóa, tính cách người Khmer.

Ảnh: M.N.
Ảnh: M.N.

Trọng trách luôn đặt trên vai người lính

* Nhưng thực tế nào giúp ông có những trang viết về ta và địch chân thật như vậy?

- Đơn vị tôi căng ra bảo vệ biên giới Tây Nam hướng Mộc Bài, Gò Dầu - Tây Ninh từ năm 1977. Ngày 7-1-1979 giải phóng Phnom Penh thì chúng tôi đã áp sát cầu Mô Ni Vông. 

Sau đó là những năm tháng làm nhiệm vụ truy quét tàn quân Pol Pot. Tôi có một người anh con ông bác họ và một người bạn cùng làng, nhập ngũ cùng ngày, ở cùng đơn vị đánh nhau tại chiến trường K. Anh H. chết trong tình cảnh rất thảm (tôi đã viết một đoạn trong tiểu thuyết), ban đêm bọn Pol Pot mò vào điểm huyệt, lôi ra bãi sông Tonlesap đóng năm cái cọc: hai cái vào hai bàn chân, hai cái vào hai bàn tay, một cái vào... miệng.

Còn anh Thạch bị phục kích nhảy xuống sông bị tàn quân áo đen bắn tiếp đến khi chìm, đại đội trưởng Khai và hai người nữa bị chết ngay trên cầu. Về sau, lính tráng bọn tôi gọi cái cầu này là “cầu ông Khai”, hoặc “cầu đại trưởng Khai”.

Tôi đi bộ đội ra biên giới Tây Nam, sang chiến trường K... một mạch năm năm mới về quê ăn tết, mẹ anh Thạch ôm lấy tôi, khóc bảo: “Sao lúc đi thì anh em đi cùng nhau. Lúc về anh đi một mình không cho em nó về theo?”. Những chuyện tương tự như thế đầy rẫy ở đơn vị tôi và hàng trăm người lính tại Ninh Bình cùng lữ đoàn tôi, chỉ chép lại thôi cũng đủ xót xa, ám ảnh.

Bọn tôi và các anh thế hệ trước như Khuất Quang Thụy, Trung Trung Đỉnh, Nguyễn Trí Huân... và cả ông - Nguyễn Văn Thọ - nữa là những người lính đánh nhau rồi mới cầm bút thì sao mà viết không chân thật được!

* Với tiểu thuyết, gần chục năm trở lại đây, nhiều nhà văn đã quan niệm và thực hiện chúng với độ dài chỉ từ 200-300 trang. Cuốn Miền hoang, ngược lại, dài tới hơn 600 trang...

- Không hiếm các nhà văn nước ngoài viết dài, tác phẩm dày như “cục gạch” và nhiều “cục gạch” đó thôi. Độ ngắn dài chỉ là hình thức, vấn đề cần phải viết dài thì viết dài, hay cái tạng tác giả chỉ viết được ngắn thì... viết ngắn.

Tôi không theo trào lưu nào và chỉ viết bằng những thao thức của tôi, cuốn Miền hoang này phải dài như thế mới chở được hết những điều tôi muốn nói. 

* Thế giới hiện nay đã khác trước rất nhiều, phương Tây và Nga đang bên bờ vực chiến tranh lạnh; ở châu Á, biển Đông không lặng sóng. Những mâu thuẫn thế giới hiện nay cũng khác, các nước có thể bất hòa với nhau về một số vấn đề chính trị này nhưng vẫn hợp tác với nhau ở một số phương diện kinh tế khác. Người lính thời hiện đại, theo ông, cần những khí chất gì?

- Đúng là thế giới hiện nay đã khác lắm thời chúng ta là lính. Chiến tranh hiện nay cũng khác xưa rất nhiều. Thử hình dung, có thể nói ở những nơi mà các tay súng của Nhà nước Hồi giáo chặt đầu con tin là không có chiến tranh không? Hay liệu có thể nói người Palestine bị bao vây trong dải Gaza, chịu đạn bom bất ngờ là sống trong thời bình? Và người lính ngày nay cũng khác.

Đấy, chúng ta có những binh lính Nga ở Crimea được đặt tên là “Những người lịch sự” đó thôi... Ở nước ta, biển Đông dường như chưa bao giờ lặng sóng, đang diễn biến rất phức tạp.

Nhiệm vụ chiến lược bảo vệ bờ cõi, biển đảo, thềm lục địa hiện nay đòi hỏi người lính phải hết sức tỉnh táo, kiềm chế nôn nóng, không mắc mưu đối phương, không dao động trước sức mạnh của nước lớn...

Người lính thời hiện đại trong bối cảnh quốc tế vừa đấu tranh, vừa hợp tác cần cái nhìn toàn cầu và ứng xử như một công dân toàn cầu. Họ cũng phải quyền biến. Phải chứng tỏ sức mạnh người lính sẵn sàng chiến đấu bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, lợi ích kinh tế dân tộc, nhưng còn cần vươn tới đẳng cấp cao hơn về văn hóa, về trình độ tác chiến, chiến thuật, kỹ thuật và ngoại ngữ.

Người lính thời nay còn nặng gánh hơn khi quân đội Việt Nam vươn ra làm nghĩa vụ gìn giữ hòa bình nếu Liên Hiệp Quốc giao cho. Những nhiệm vụ cứu trợ thảm họa, ứng phó thiên tai quốc tế họ cũng phải học đối phó.

Chỉ có một điều không thay đổi: người lính bao giờ cũng phải ở tuyến đầu của mọi cuộc chiến và mọi loại chiến tranh. Trọng trách luôn đặt trên vai người lính.

* Cảm ơn ông và chúc ông thành công.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận