Chuyện phía sau đôi giày rồng

QUANG LÂM 16/01/2014 23:01 GMT+7

TTCT - Kinh doanh và hoạt động xã hội có vẻ nghịch nhau ở bản chất lợi nhuận cá nhân và tính chia sẻ cộng đồng. Vậy Fashion4Freedom giải quyết mối quan hệ này như thế nào?


Ảnh: Fashion4Freedom



Ảnh: Fashion4Freedom


Kích thích suy nghĩ sáng tạo thông qua các hội thảo và các nhóm làm việc, chương trình Conscious Realities (*) do Sàn Art tổ chức thu hút nhiều người thuộc nhiều lĩnh vực đến phát hiện cách suy nghĩ và hành động khác với môi trường nghề nghiệp quen thuộc của mình. Tại đây, chúng tôi đã gặp cô Rachael Carson, thành viên sáng lập Fashion4Freedom, một “doanh nghiệp xã hội” có cơ sở tại Huế và New York (Mỹ).

Rachael Carson cho biết: “Công ty bắt đầu bằng một dự án tiên phong năm 2010 với một tổ chức phi chính phủ của Mỹ. Theo đó, các doanh nghiệp nhỏ ở miền Trung được vay thiết bị để kích thích tạo việc làm, thúc đẩy kinh tế địa phương và khuếch trương tinh thần nhân đức. 

Các doanh nghiệp được vay vốn dưới dạng máy móc và hoàn trả không phải bằng tiền, mà bằng các sản phẩm hoặc dịch vụ mang lại cho cộng đồng. Chẳng hạn một cơ sở mộc đã nhận 2.000 USD vốn vay dưới dạng máy công cụ mới. Cơ sở này đã hoàn trả số tiền trên cho cộng đồng bằng cách dạy nghề cho dân làng và tặng cửa gỗ cho những gia đình trong khu vực. 

Sau bốn năm, chúng tôi đã giúp hơn 45 doanh nghiệp tự phát triển ở nông thôn miền Trung”.

Tinh thần doanh nghiệp xã hội

Khái niệm này ra đời trong thập niên 1980 với một trong những nhà sáng lập là Bill Drayton, nhà kinh tế học người Mỹ đã giới thiệu mạng doanh nghiệp xã hội Ashoka đầu tiên năm 1980. 

Drayton đã mô tả như sau: “Mỗi khi xã hội bị bế tắc hoặc có cơ may nắm bắt một cơ hội mới, nó cần một doanh nghiệp để đánh giá cơ hội này, biến tầm nhìn thành ý tưởng hiện thực, rồi thành thực tế và cuối cùng là một mô hình mới cho toàn xã hội. Chúng ta cần một sự dẫn dắt như thế của doanh nghiệp ít ra là trong giáo dục và quyền con người, như chúng ta từng làm trong viễn thông và khách sạn. Đó là công việc của các doanh nghiệp xã hội”.

Từ định nghĩa này có thể bổ sung những tiêu chí của tập đoàn châu Âu EMES (Emergence of Social Entreprises), theo đó các doanh nghiệp xã hội theo đuổi hai mục tiêu gồm kinh tế (hoạt động sản xuất và tự chủ tài chính) và xã hội (phục vụ cộng đồng và ra những quyết định không dựa trên việc sở hữu vốn).

Và ở đây, doanh nghiệp phải vượt qua được tính đối nghịch giữa làm kinh tế và xã hội. 

Rachael dẫn chứng: “Việc chúng tôi chọn lập cơ sở ở Huế là đi ngược lại nguyên tắc giảm thiểu rủi ro đối với một vụ đầu tư. Mỗi năm vùng này đều gặp lũ lụt khiến cơ sở hoặc nhà xưởng bị hư hao, việc sản xuất và vận chuyển hàng ra chợ bán bị chậm đi đáng kể. Nhưng chúng tôi muốn duy trì và phát triển nghề thủ công địa phương bằng cách tìm cho nó những đầu ra mới bằng những sản phẩm thích ứng với thị trường hiện tại”.

Như vậy, doanh nghiệp đã mang đến cho dự án của mình một tầm quan trọng khác về mặt xã hội ngoài tính logic kinh doanh thuần túy, trong đó mô hình quản lý hình thành trên cơ sở tính bền vững và tác động xã hội. 

“Chúng tôi ưu tiên cho tác động xã hội thông qua đầu tư và phát triển các nhà cung cấp ở Huế. Chúng tôi muốn tác động xã hội có hiệu quả trong ba năm đầu, trước khi triển khai khía cạnh thương mại” - Rachael nhấn mạnh.


Ảnh: Fashion4Freedom



Ảnh: Fashion4Freedom


Giải quyết những thách thức 

Theo cách nhìn của người Mỹ, doanh nhân xã hội là người có tiềm năng làm thay đổi thế giới. Rachael cho biết kinh nghiệm của mình: “Trong năm đầu tiên của dự án thực hiện vào năm 2010, chúng tôi nhận ra rằng vốn máy móc là chưa đủ. Dù xuất hiện trên thị trường theo tính chất tình nguyện, các doanh nghiệp thiếu khâu thiết kế sản phẩm và phát triển được nó bằng việc nắm bắt xu hướng thị trường thế giới. 

Do từng là cố đô nên Huế có lịch sử nghệ thuật và văn hóa rất phong phú. Thành phố này có rải rác các làng nghề truyền thống và chúng có nguy cơ bị mai một nếu không có khả năng tạo ra sản phẩm mới... Chính vì vậy, chúng tôi đã lập ra Fashion4Freedom để giải quyết những thách thức xã hội này”. 

Toàn cầu hóa đã thúc đẩy các doanh nghiệp tìm kiếm giá thành sản xuất thấp nhất bằng cách lập nhà máy ở các quốc gia có giá nhân công rẻ mạt như Bangladesh, Việt Nam... Công nhân đa số đến từ vùng quê và chẳng có tay nghề. 

Trong thực tế, Fashion4Freedom muốn mang đến một giải pháp thay thế cho cách vận hành quen thuộc của ngành công nghiệp may mặc vốn dẫn đến việc bóc lột và làm nghèo nhà sản xuất, vì sứ mệnh quan trọng của một doanh nghiệp xã hội là phải có sự tham gia tích cực của tất cả các đối tác. 

Rachael giải thích: “Phải mất 18 ngày để làm ra đôi giày rồng. Đó là thành quả của một quá trình hợp tác lâu dài giữa nhà thiết kế và người thợ, và cả nhóm tiếp thị. Phải mất khoảng hai năm để tạo ra bộ sưu tập giày rồng mang tên Saigon Socialite. Từ model đầu tiên năm 2011, giờ chúng tôi đã có năm model khác nhau. 

Để làm được đôi giày bán ra thị trường, chúng tôi phải hợp tác ba làng nghề khác nhau: điêu khắc gỗ, sản xuất giày và trồng cây. Làng điêu khắc gỗ vốn chỉ làm việc cho các đình chùa và cung điện nên việc chuyển hướng sang sản xuất giày đòi hỏi thời gian và cả đầu tư”. 

Đôi giày rồng có phần đế cao được chạm trổ hình con rồng rất tinh tế nhìn thấy ở cả hai bên. Đây thật sự là một tác phẩm nghệ thuật, có giá bán khoảng 400 USD. Từ chỗ làm ra những vật dụng thờ cúng trong Phật giáo, nay người thợ điêu khắc có thêm một kỹ năng mà vẫn giữ được những gì cơ bản nhất của nghề cũ. Lợi nhuận mà Fashsion4Freedom thu về được tái đầu tư vào một chương trình đào tạo nghề thủ công. 

“Quan hệ của chúng tôi với các nhà cung cấp đi xa hơn chuyện mua bán đơn thuần. Chúng tôi kêu gọi góp vốn để cho vay thiết bị, cung cấp dịch vụ tư vấn tình nguyện và để dành một phần lợi nhuận cho quỹ hỗ trợ khẩn cấp trong trường hợp có thiên tai bão lũ” - Rachael nói.

Tự phát triển và chống đói nghèo

Châu Á đã phát triển một cách tiếp cận khác về doanh nghiệp xã hội, đặc biệt thông qua Muhammad Yunus và Ngân hàng Grameen Bank mà ông thành lập và đã được trao giải Nobel hòa bình năm 2006. Đó là “kinh doanh mang tính xã hội” (social business), một dạng doanh nghiệp xã hội chống lại nghèo đói và không trả lãi (lợi nhuận được tái đầu tư vào hoạt động social business). 

Tuy nhiên, các nhà đầu tư có thể lấy lại vốn góp ban đầu. Khách hàng đông nhất là những người ở phần dưới đáy kim tự tháp xã hội. Vì vậy, một doanh nghiệp tìm thấy lý do chính đáng để quan tâm đến việc tự phát triển mà vẫn đấu tranh chống đói nghèo. 

Năm 2012, theo sáng kiến của British Council, một thứ trưởng của Bộ Kế hoạch - đầu tư Việt Nam đã đến Anh để tìm hiểu sâu hơn đề tài “tinh thần doanh nghiệp xã hội” và nghiên cứu các cơ chế luật pháp và tài chính của việc áp dụng nó. Điều này thể hiện sự quan tâm ở cấp cao nhất của Nhà nước. 

Tuy nhiên, sự tồn tại của doanh nghiệp xã hội chỉ dựa vào lòng nhiệt tình và kiên trì của những người lập ra nó, như nhấn mạnh của Viện Quản lý kinh tế trung ương trong nghiên cứu năm 2012 về đề tài này: “Đã đến lúc Nhà nước thừa nhận chính thức mô hình doanh nghiệp xã hội và vai trò của các doanh nhân xã hội. Các cơ chế và chính sách cần được triển khai để tạo ra khung pháp lý ổn định cho sự vận hành của các doanh nghiệp xã hội”.

Từ năm 2009, Trung tâm hỗ trợ sáng kiến phục vụ cộng đồng CSIP đã hỗ trợ hơn 40 tổ chức và doanh nghiệp xã hội tại Việt Nam mang lại những tác động tích cực ban đầu giúp cải thiện cuộc sống của hơn 200.000 người thuộc các cộng đồng yếu thế. 

Ở góc độ người tiêu dùng, chúng ta có thể đóng góp vào cách thức suy nghĩ mới về chuyện kinh doanh bằng cách ưu tiên dùng các sản phẩm do doanh nghiệp xã hội làm ra và chấp nhận trả tiền với cái giá giúp người lao động sống tốt. 

(*) Chương trình Conscious Realities (nhận thức thực tại) triển khai từ năm 2013-2016 tìm cách kích thích các hoạt động sáng tạo tại Việt Nam, tiếp cận nhiều ý tưởng mới lạ trong quá trình thực hành nghệ thuật đương đại. Dự án là một cuộc đối thoại dài kỳ gồm nhiều hoạt động, với chủ đề đối thoại là mối dây lịch sử giao thoa trong lòng khu vực nam bán cầu, với lối tiếp cận khác biệt nhằm tìm ra những bài học từ các cộng đồng tại đây.


Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận