Một khoa, một thầy và một trò...

TTCT - 16g. Từ căn phòng nhỏ trên tầng hai dãy nhà C của Nhạc viện TP.HCM vang ra tiếng đàn accordeon. Bản Czardas của Vittorio Monti. Chỉ có hai người trong căn phòng nhỏ ấy.

Cậu học trò chăm chú đánh theo bản nhạc, còn người thầy chăm chú nhìn vào những ngón tay của trò: “Đừng vội, muốn nhanh phải đánh chậm. Đừng cố, ngón tay ríu vào nhau hết rồi!”. Đó là người thầy duy nhất, cùng với người trò duy nhất của khoa accordeon!


Thầy Nguyễn Thế Hải hướng dẫn trò Trần Trọng Tuyển - Ảnh: H.Đ.


Một thầy - Một trò

Thầy tốt nghiệp Nhạc viện Hà Nội hệ đại học bảy năm khoa accordeon, sau đó sang Đức du học và được giữ lại làm giảng viên tại Nhạc viện Franz Liszt. Năm 1999 thầy trở về Việt Nam giảng dạy tại Nhạc viện TP.HCM đến bây giờ. Đối với trò, thầy giống như một người bạn hơn là một người thầy. Thầy là Nguyễn Thế Hải.


“Không chỉ có khoa accordeon mới có ít học sinh đăng ký học. Khoa dây cũng trong tình trạng tương tự, như bộ môn cello hiện nay chỉ có bốn học sinh. Mà đây là nguồn duy nhất cung cấp nhạc công cho Dàn nhạc giao hưởng TP.HCM. Nếu ai đã xem hòa nhạc giao hưởng (Dàn nhạc giao hưởng TP.HCM) sẽ thấy những nhạc công chơi cello của dàn nhạc hầu hết đều đã ở U-60 rồi mà không hề có lớp kế cận. Chúng tôi đã động viên rất nhiều, hỗ trợ sinh viên bằng cách mời thầy tốt, tặng đàn cho các em. Và hi vọng, dù ít ỏi nhưng chúng tôi vẫn duy trì việc dạy và học”.

Trò 18 tuổi. To xác và hồn nhiên. Chuyên “ăn cắp” giờ của thầy để tranh thủ được học nhiều hơn. Đến nỗi thầy bảo: Có những thứ đáng lẽ chưa dạy mà trò cứ đòi học trước. Thì vốn liếng thầy có bao nhiêu sẽ dạy bấy nhiêu. Trò “tham” đến nỗi đáng lẽ có bài phải học ba buổi mới xong thì trò mò mẫm bắt thầy dạy trong một buổi. Thầy có bao nhiêu sách, trò mượn hết để đọc. Trò là Trần Trọng Tuyển.

Mấy năm nay rồi, thầy chỉ dạy có một trò như thế!

Thầy Hải nói: “Tôi không thất vọng bởi ít người học quá. Đó là một loại nhạc cụ từng thịnh hành và thật ra đâu phải ai cũng có thể học, bởi cực nhọc cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng”. 

Tuy nhiên, ngoài giờ giảng trên lớp dành cho accordeon, thầy Hải còn dạy chơi đàn organ. “Không có học sinh tôi không lo thất nghiệp, bởi tôi còn có thể dạy được nhiều nhạc cụ khác, chỉ tiếc cho thành phố cả 10 triệu dân mà cả khoa chỉ có một học trò. Tuy nhiên, của “độc” thường là của hiếm” - thầy hài hước nói.

Cao lớn, chăm chú từng nốt nhạc, trau chuốt từng phím đàn, mồ hôi nhỏ giọt trên gương mặt Trần Trọng Tuyển, học viên hệ trung cấp duy nhất của khoa accordeon Nhạc viện TP.HCM. Tuyển kể ngay từ những ngày còn bé xíu, xem phim hoạt hình thường thấy một người chơi đàn phong cầm cạnh tháp Eiffel trong mỗi bộ phim về nước Pháp. Và điều này lặp đi lặp lại thường xuyên đến nỗi mỗi khi nghĩ đến nước Pháp, Tuyển đều nghĩ đến cây phong cầm.

Lớn chút nữa, được xem một số bộ phim cách mạng Nga thì hình ảnh người chiến sĩ chơi phong cầm bên chiến hào lại in vào tâm khảm cậu. “Đó là những hình ảnh tuyệt đẹp về cây đàn accordeon mà tôi biết” - Trần Trọng Tuyển chia sẻ lý do mình đến với khoa đàn này của Nhạc viện TP.HCM.

Yêu thích tiếng đàn và hình ảnh người chơi đàn nhưng không phải Tuyển có cơ hội để đến với cây đàn ngay từ lúc bé bởi gia đình không có ai làm nghệ thuật. Nhưng chữ “duyên” mà Tuyển nhắc đến chính bởi ba năm trước có một người quen mang đến nhà gửi một gói đồ. Tò mò hơn khi họ nói đó là một cây đàn. 

Thấy gửi lâu người ta không đến lấy, cậu mở ra xem. Quá ngạc nhiên bởi những gì bày ra trước mắt: “Đó chính là cây đàn mà trong mơ tôi thường nghĩ tới”. Tuyển lôi cây đàn ra, mày mò bấm phím tự học một mình. “Một người chú trong gia đình chơi trong dàn nhạc điện tử nên chú cũng chỉ cho tôi đôi chút” - Tuyển kể.

Tuyển mò mẫm thêm trên Internet để tìm kiếm thông tin, tự học. Hơn một năm làm quen với cây đàn, Tuyển trúng tuyển vào hệ trung cấp khoa accordeon Nhạc viện TP.HCM.

Không có bạn học cùng, bởi khi Tuyển vào trường cũng là lúc học viên duy nhất của khoa tốt nghiệp.

Giảng viên Lê Anh hướng dẫn các học trò trong một giờ thực hành bộ môn trumpet của khoa kèn gõ - Học viện Âm nhạc quốc gia - Ảnh: Nguyễn Khánh

Khó đủ đường

Cây đàn Tuyển đang sử dụng là một cây đàn Trung Quốc với giá chừng 15 triệu đồng. “Sang đại học không thể học cây đàn này nữa đâu, nó thiếu quá nhiều phím để thầy có thể dạy nâng cao hơn nữa về kỹ thuật” - cậu kể. Tuyển đã cất công đi nhiều nơi tìm một cây đàn tốt và phù hợp với túi tiền.

“Còn ít người học và ít người chơi đàn nên tìm kiếm đàn rất khó. Tôi phải cân nhắc rất kỹ trước khi mua bởi số tiền bỏ ra để sở hữu một cây đàn tốt không hề thấp (giá trung bình đàn do châu Âu sản xuất khoảng 5.000 euro - NV). Đây là loại nhạc cụ hiếm tại các tiệm bán nhạc cụ TP.HCM. Thậm chí khi đàn bị hỏng cũng không thể tìm ra người sửa, thầy tôi bảo nếu ở Hà Nội thì dễ kiếm hơn” - Tuyển cho biết.

Thừa nhận mình cực kỳ yêu thích đàn accordeon và niềm đam mê này của Tuyển được thầy Hải dày công vun đắp suốt hai năm qua, nhưng Tuyển cũng nói: “Nếu học những nhạc cụ khác thì việc trao đổi bài vở hoặc hoạt động học tập cùng bạn bè thuận lợi hơn nhiều. Nhưng bởi tôi học một mình nên không thể biết mình chạy nhanh hay chậm. Muốn so sánh thì tự lấy các bạn khoa khác thi đua, mà không cùng chuyên môn dù có tự lấy mốc cũng chẳng thể nào chính xác được”.

Để học tốt môn học mình yêu thích, Tuyển thường xuyên lên mạng tìm kiếm những clip hay của các nghệ sĩ nước ngoài. Xem họ biểu diễn, khi phát hiện một kỹ thuật mới Tuyển thường hỏi để thầy chỉ cho cách chơi được. “Có những kỹ thuật mà đáng lẽ phải học cao hơn nữa mới được dạy, nhưng vì Tuyển hăng say quá nên dù bất kể em muốn học gì tôi đều dạy cả. Tôi rất mừng bởi Tuyển đam mê như vậy” - thầy Hải nói.

Trao đổi về một khoa với chỉ một thầy, một trò, thạc sĩ Nguyễn Thanh Hưng, quyền trưởng khoa guitar và accordeon Nhạc viện TP.HCM, nói: “Tình trạng này không phải bây giờ mới diễn ra. Nguyên nhân hết sức đơn giản: thị trường không có nhu cầu. Khi thi vào trường, các học sinh cũng lựa cho mình ngành gì, khoa gì để ra trường có thể kiếm được việc làm, thậm chí có thể kiếm tiền từ khi còn đang là học sinh và sinh viên”.

Vậy Tuyển nghĩ gì về tương lai khi trở thành nhạc công “độc” bởi chơi một loại nhạc cụ đang trở thành hiếm hoi? Tuyển kể thường theo chú tham gia những sự kiện diễn ra trong thành phố: “Nếu họ cần nghệ sĩ chơi accordeon để đón khách từ cổng thì tôi sẽ tham gia. Kể cả đánh nhạc ở quán cà phê tôi cũng chẳng từ chối dù khoản thù lao kiếm được từ những buổi đánh đàn thế này không nhiều”.

Trước mắt chỉ là niềm đam mê. Thế nên, thầy kể trò không bao giờ đến muộn dù chỉ một phút. Và dù mỗi tiết học chỉ có 45 phút nhưng bao giờ trò cũng cố kéo dài thêm vài chục phút nữa. “Đó là lợi thế được học một thầy, một trò, một khoa đấy. Nếu đông bạn thì chỉ được học với thầy đúng thời gian quy định thôi - Tuyển cười, vác cây đàn nặng hàng chục ký trên vai - Cứ tưởng phong cầm nhẹ nhàng lắm, nhưng đúng là chơi đàn này thì phải có sức đấy”.

 “Đây là tình trạng chung. Thời chiến, cây đàn accordeon rất hữu dụng, thậm chí nó có thể thay thế cả dàn nhạc ngoài chiến trận, nên hình ảnh những nhạc công ngoài chiến trường chơi accordeon rất đẹp. Nhưng bây giờ, ngay cả các đoàn văn nghệ địa phương cũng dùng đàn phím điện tử nên accordeon lu mờ dần và mất đi vị trí. Đầu ra kém nên học sinh cũng không còn muốn lựa chọn học.

Ở Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam không chỉ có khoa accordeon ít người theo học mà cả khoa kèn cũng thế. Mỗi giảng viên chỉ dạy vài học sinh. Trong vài năm gần đây, nhằm thu hút học viên cho những khoa này, học viện đã tặng học bổng, tặng đàn cho học sinh theo học.

Khi sang tham quan Nhật Bản, tôi thấy mỗi tỉnh đều có một dàn nhạc giao hưởng, và các dàn nhạc này có lịch biểu diễn thường xuyên nên tại các trường đào tạo về âm nhạc, tất cả các nhạc cụ của phương Tây vẫn được dạy chơi và duy trì. Tại nhiều quốc gia phương Tây, trong nhiều chương trình âm nhạc, khán giả vẫn thích thú thưởng thức âm thanh từ những nhạc cụ cơ mà nhạc cụ điện tử không thể thay thế được”.



Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận