Tôi dạy karate-do ở Việt Nam

FRANK GERKE 17/04/2011 17:04 GMT+7

TTCT - LTS: Nhiều bạn đọc đã biết đến Frank Gerke qua tên Việt là Trịnh Công Long (do chính nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đặt cho anh) - tác giả nhiều bài viết trên báo, tạp chí - trong đó có TTCT. Frank Gerke - Trịnh Công Long còn là một võ sư đệ tam đẳng karate-do từng dạy võ cho các môn sinh trẻ ở nhiều nơi tại VN và hiện đang hướng dẫn võ thuật cho thiếu nhi tại quận 2, quận 7 (TP.HCM).

Bài viết này được anh viết bằng tiếng Việt vì Frank Gerke thông thạo cả nói và viết tiếng Việt.

Phóng to
Frank Gerke và các võ sinh nhỏ tuổi tại võ đường karate-do thuộc Trung tâm TDTT quận 7, TP.HCM - Ảnh: Hoàng Thạch Vân

1.Tôi học võ karate-do từ năm 13 tuổi và đã gắn bó đời mình với võ thuật kể từ đó. Những năm tuổi thiếu niên và thanh niên ở Đức, đi đến đâu và bất kỳ lúc nào tôi cũng mang theo một bộ đồ võ vì biết chắc nơi mình đến sẽ có võ đường để có thể xin tập trong thời gian ở đó - chủ yếu tại Đức và các nước châu Âu.

Năm 1988, lần đầu tiên tôi sang châu Á khi theo học Trung văn tại Trường đại học Trung văn ở Hong Kong. Dĩ nhiên bộ đồ võ vẫn theo tôi. Ngay sau đó, tôi tìm đến võ đường SKI Hong Kong, tập luyện dưới sự chỉ dạy của thầy William Wong - tám đẳng, đệ tử của thầy Hirokazu Kanazawa - 10 đẳng, huấn luyện viên trưởng của Liên đoàn Shotokan karate-do quốc tế, một huyền thoại của làng võ thuật thế giới. Cùng năm đó tôi được tuyển vào đội tuyển Hong Kong sang Nhật Bản tham gia Giải vô địch thế giới tại Utsunomiya-shi.

Vài năm sau tôi về lại Đức, lấy bằng thạc sĩ ở Đại học Bonn. Năm 1993, tôi xin được học bổng sang VN thực hiện một công trình nghiên cứu tiếng Việt và văn học VN nhằm soạn luận án tiến sĩ. Đây là lần thứ hai tôi sang châu Á, cũng như lần trước tôi mang theo võ phục vì đọc được trên báo chí ở VN cũng có phong trào tập karate-do khá mạnh.

Tại TP.HCM, tôi tìm được một võ đường karate-do ở Câu lạc bộ Bến Nghé (nay không còn nữa). Tôi vẫn nhớ ban đầu người ta hơi ngạc nhiên khi thấy một người nước ngoài bước vào võ đường nhưng khi biết mục đích của tôi, họ hoan nghênh rất nhiệt tình, lại mời tôi tham gia các lớp huấn luyện karate-do.

Thú thật tôi đã gặp không ít khó khăn khi dạy võ tại Câu lạc bộ Bến Nghé vì mới sang VN và trình độ tiếng Việt còn rất thấp. Có khi tôi hô lui thì võ sinh lại tiến, tôi kêu sang bên phải họ lại sang bên trái! Tôi không rõ có phải phát âm tiếng Việt của mình thời ấy tồi tệ đến thế hay bởi võ sinh chưa phân biệt được bên phải và bên trái. May mắn là võ karate-do còn có thuật ngữ riêng bằng tiếng Nhật để chỉ các đòn thế khác nhau. Và thường thì võ sinh hiểu được những thuật ngữ đó.

Phóng to

Frank Gerke dạy võ cho thiếu nhi Đắk Lắk (1997) - Ảnh do nhân vật cung cấp

2. Sau năm đầu tiên ở VN, tôi lại trở về Đức trước khi tiếp tục sang đất nước này với tư cách một chuyên gia triển khai các dự án hợp tác phát triển song phương Đức - Việt ở địa bàn tỉnh Đắk Lắk. Các sinh hoạt phong trào ở Tây nguyên lúc đó còn thiếu nhiều nên tôi nảy ý định sẽ mở một võ đường riêng để đóng góp phần nào cho phong trào. Sở Thể dục thể thao Đắk Lắk đồng ý ngay và cho tôi mở một lò dạy võ tại nhà văn hóa tỉnh.

Có võ đường riêng, lại có mối quan hệ rất tốt với các thầy ở Nhật nên năm 1998 tôi mời được thầy Manabu Murakami - sáu đẳng, hai lần vô địch thế giới - sang VN mở lớp tập huấn cho tất cả võ đường karate-do của tỉnh Đắk Lắk. Ngày tập huấn đầu tiên, cả thầy và tôi đều giật mình. Dù lớp tập huấn được tổ chức ở nhà thi đấu rất rộng nhưng vẫn hết chỗ đứng: có đến mấy trăm võ sinh từ cấp đai trắng đến đai đen chen chúc trong nhà thi đấu, nếu xếp hàng chặt chẽ cũng chỉ lui tới được một hai bước là hết cỡ!

Thế mới biết người VN yêu chuộng võ thuật như thế nào. Tình yêu này tôi còn nhận thấy ở khắp các võ đường karate-do khác, nơi tôi hướng dẫn các võ sinh trẻ tuổi, cả với các em nhỏ đang học tiểu học.

Năm sau tôi mời được thầy Murakami lần nữa. Lần này chúng tôi không chỉ tổ chức tập huấn ở vùng sâu vùng xa, mà còn mở lớp ngay tại TP.HCM với sự giúp đỡ của thầy Nguyễn Văn Ái để càng nhiều võ sinh cũng như thầy dạy karate-do có dịp học tập với thầy người Nhật.

3. Sau khi về Đức một vài năm để bảo vệ luận án tiến sĩ đã “treo” hơi lâu, năm 2006 tôi trở lại xứ sở con rồng cháu tiên. Thời gian đầu tôi sống và làm việc ở Hà Nội, đi tập và dạy võ ở võ đường trên đường Trịnh Hoài Đức rồi chuyển công tác vào TP.HCM. Ban đầu tôi tham gia hoạt động võ thuật tại Trung tâm Thể dục thể thao quận Bình Thạnh.

Sau khi chuyển nhà sang quận 7, hiện tôi đang dạy tại võ đường thuộc Trung tâm Thể dục thể thao quận 7 do võ sư Võ Đoàn Ân, tam đẳng, phụ trách. Võ sư Ân còn mời tôi dạy võ ở Nhà thiếu nhi quận 2. Hai chúng tôi cùng nhau đứng lớp karatedo ở hai quận mỗi buổi chiều từ thứ hai đến thứ bảy.

Hiện có hai phương pháp dạy karate-do, một là cách dạy truyền thống theo bài bản từ thấp đến cao, cách thứ hai là tập huấn cho võ sinh tham gia các giải vô địch khác nhau. Cả hai cách đều được coi trọng ở VN nói chung, ở TP.HCM nói riêng. Riêng karate-do ở TP.HCM, theo tôi, có các võ sư hết sức tâm huyết với bộ môn võ thuật này.

Trước hết là thầy Nguyễn Văn Ái, bảy đẳng, một lão võ sư đã dành cả đời mình cho sự phát triển karate-do tại VN. Kế đến là các thầy Đoàn Công Tiến, sáu đẳng; Nguyễn Thanh Nhàn, bốn đẳng; Vũ Việt Bảo, bốn đẳng và nhiều anh em khác ở Liên đoàn Karate-do TP.HCM.

Gắn bó với karate-do VN nhiều năm nên hiện tôi bắt đầu tham gia các hoạt động của liên đoàn và theo đề nghị của thầy Nguyễn Văn Ái, tôi đang tìm cách mời thầy Hirokazu Kanazawa sang VN lần nữa (năm 1995 thầy từng sang VN) để mở lớp bồi dưỡng kiến thức chuyên môn ở mức độ cao và sâu sắc nhất.

Phóng to
Frank Gerke và huyền thoại võ thuật Hirokazu Kanazawa tại Hong Kong năm 1988 - Ảnh do nhân vật cung cấp

Frank Gerke (Trịnh Công Long)

- Sinh năm 1965, đệ tam đẳng karate-do, thành viên Liên đoàn Shotokan karate-do quốc tế (SKIF).

- Huấn luyện viên SKIF, trọng tài SKIF, giám khảo SKIF.

- Từng học các thầy Hirokazu Kanazawa, Manabu Murakami, William Wong, Jonathan Kwok.

- Từng vô địch ở cả hai nội dung kumite (thi đấu) và kata (bài quyền) các giải vô địch bang Bremen, Hamburg, giải vô địch các bang vùng Bắc Đức...

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận