Đô thị hóa giả tạo

VIỆT HÙNG GHI 12/12/2010 05:12 GMT+7

TTCT - Tại hội thảo “Đô thị ven biển VN với biến đổi khí hậu” do Viện Kiến trúc - Hội Kiến trúc sư VN tổ chức tuần qua tại Đà Nẵng, PGS.TS.KTS Trần Trọng Hanh (Trường ĐH Nguyễn Trãi Hà Nội), ủy viên thường vụ Hội Kiến trúc sư VN, cho rằng đô thị VN đang đối mặt với nguy cơ phát triển không bền vững.

TTCT trích đăng ý kiến của ông về “đô thị hóa giả tạo”.

Phóng to
Thiên tai tàn phá dữ dội ở các tỉnh miền Trung. Trong ảnh: đoạn kè đường ven biển Cửa Đại (Hội An, Quảng Nam) bị sóng biển gây sạt lở trong đợt lũ tháng 10-2009 - Ảnh: V.Hùng

Đô thị hóa “nóng”

Dân số đô thị VN từ 11,8 triệu người (năm 1986) tăng lên 25,3 triệu người (năm 2009) đưa tỉ lệ đô thị hóa cả nước từ 19% lên 29,6%. Mạng lưới đô thị VN không ngừng mở rộng trên 754 đô thị (năm 2009). Sự bùng nổ dân số và gia tăng nhanh chóng dân số đô thị, trong đó phần đáng kể là dân di cư từ nông thôn ra thành thị, tuy tạo ra triển vọng tăng trưởng kinh tế nhưng khoảng 70% dân số sống ở nông thôn đang rơi vào tình trạng khó khăn. Tỉ lệ hộ nghèo cả nước còn cao khoảng 14%.

Đô thị hóa “nóng”, bên cạnh những tích cực, đang mang lại những “căn bệnh đô thị” như: khai thác, sử dụng lãng phí tài nguyên chiến lược (đất, nước, rừng, khoáng sản) có nguy cơ cạn kiệt; hơn 50% số hộ đang sống trong điều kiện nhà ở không đạt tiêu chuẩn; thiếu cơ sở hạ tầng thiết yếu là giao thông, cấp nước, thoát nước, cấp điện, chiếu sáng, xử lý chất thải..., trong khi nguồn lực đáp ứng nhu cầu còn hạn chế; môi trường bị ô nhiễm nghiêm trọng, vệ sinh an toàn dân cư không được đảm bảo; thiên tai tàn phá dữ dội, đặc biệt là khu vực miền Trung, miền núi phía Bắc và vùng ven biển.

Một số địa phương cho rằng đô thị hóa là quá trình nông dân di cư vào đô thị, dân số đô thị gia tăng, quy mô đô thị mở rộng. Thật ra dân số tập trung chỉ là đặc trưng bên ngoài của đô thị hóa. Sự thay đổi phương thức sản xuất mới là động lực căn bản của đô thị hóa, còn sự thay đổi phương thức sinh hoạt là hệ quả của đô thị hóa. Xu hướng biến “tỉnh thành đô thị” đang phổ biến ở một số địa phương.

Xem nhẹ chất lượng đô thị

Đường lối đô thị hóa bị hiểu sai lệch. Năm 1998, Chính phủ đã xác định đường lối đô thị hóa của đất nước phải đảm bảo phát triển cân đối giữa các đô thị lớn, vừa và nhỏ, từng bước hình thành đô thị hợp lý trên địa bàn cả nước (QĐ số 10/1998/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ).

Nhưng khi nghiên cứu quy hoạch tổng thể xây dựng hệ thống đô thị trên địa bàn các tỉnh, chính quyền địa phương không quan tâm đến điều kiện của từng khu vực, nôn nóng muốn xây dựng hệ thống đô thị của địa phương mình vượt quá khả năng, dẫn đến đường lối đô thị chủ quan duy ý chí.

Việc phân loại, nâng cấp đô thị ở đa số các địa phương còn nặng về hình thức dẫn đến đảo ngược quan hệ nhân quả giữa đô thị hóa và phát triển kinh tế. Động lực cơ bản của đô thị hóa là công nghiệp hóa, còn đô thị hóa phải là kết quả của công nghiệp hóa và phát triển kinh tế. Tuy nhiên, nhiều địa phương đã xem nhẹ chất lượng đô thị, dùng mọi biện pháp kinh tế để tăng quy mô dân số đô thị, không coi trọng đến công nghiệp hóa và phát triển kinh tế. Điều tất yếu sẽ dẫn đến kiểu “đô thị hóa giả tạo”.

Việc phân loại, nâng cấp, hạ cấp, điều chỉnh địa giới hành chính đô thị vừa qua đã không dựa vào bản chất của đô thị là tỉ lệ phi nông nghiệp và các yếu tố cấu thành. Căn cứ các tiêu chí phân loại đô thị, nhiều địa phương đã tập trung đầu tư xây dựng đô thị cốt để đảm bảo các tiêu chuẩn đô thị về mặt số lượng, để nâng loại, nâng cấp nhưng không chú ý đến chất lượng. Điều này dẫn đến quá trình phát triển đô thị theo kiểu “quang cảnh”, cố tăng quy mô dân số và diện tích đất xây dựng đô thị.

Thế kỷ 20 là thế kỷ đô thị, thế kỷ mà nhân loại đang kế thừa những thành tựu to lớn về kiến trúc, phát triển đô thị của các thế kỷ trước. Trong bối cảnh đó, việc xây dựng và phát triển bền vững đô thị VN phải được Nhà nước xếp là một nhiệm vụ quan tâm nhất, để chỉ đạo áp dụng hiệu quả các đối sách chiến lược.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận