24/05/2014 15:50 GMT+7

Có một làng Vũ Đại ở Ba Lan

LAM ĐIỀN
LAM ĐIỀN

TTO - Một bạn đọc trung niên đứng dậy: "Chắc anh cũng từng mua hàng của tôi, anh Quân à". Một người trẻ hơn nói: "Em sang Đông Âu năm 1992, cũng đi buôn"… Không gian của buổi ra mắt sách Tuyết hoang vì thế mà hóa thành đặc biệt.

rh2RjDeR.jpgPhóng to
Tác giả Trần Quốc Quân trả lời nhiều câu hỏi của bạn đọc - Ảnh: L.Điền
jM04H2Ko.jpgPhóng to
Nhà văn Nguyễn Thị Minh Ngọc đặt câu hỏi với tác giả Trần Quốc Quân - Ảnh: L.Điền

Không những thế, ngay cả việc Trần Quốc Quân - một doanh nhân - ra quyển sách đầu tay bề thế dày đến 730 trang đã là đặc biệt. Tập sách lại là câu chuyện xuyên suốt đời sống cộng đồng người Việt tại Ba Lan trong 10 năm, từ năm 1988 đến 1998, mà nói một cách hình tượng ngắn gọn theo tác giả là "y như cái làng Vũ Đại của Nam Cao đã được con dân nước Việt đem sang cạnh dòng sông Wisla của Ba Lan".

Tập sách gây được chú ý một phần cũng do được chuyển thể từ một dạng hồi ký có tên Em ơi Ba Lan được tác giả viết nhiều kỳ trên Facebook trước đây, thu hút rất nhiều người đọc.

Đến dự buổi ra mắt sách tại Thư viện Khoa học tổng hợp TP.HCM sáng 24-5 ngoài bạn bè cùng trang lứa tác giả còn có những bạn đọc thế hệ sau - những người thậm chí ra đời sau khi Liên Xô và Đông Âu tan rã. Nay nghe nói có một quyển tiểu thuyết đồ sộ được viết bởi chính người đã chứng kiến thời kỳ chuyển đổi thể chế chính trị ở Ba Lan, đã từ một nghiên cứu sinh Việt Nam trở thành một người đi buôn để “cứu nhà” như cách nói của du học sinh Việt Nam thời đó, nên đến dự để nghe thêm, hỏi thêm nhiều chuyện bên lề nhưng là người thực việc thực.

Như nhà văn Nguyễn Thị Minh Ngọc tự nhận mình với tác giả quen nhau trên Facebook, chị đã theo dõi suốt bộ hồi ký Em ơi Ba Lan, và có mặt tại buổi ra mắt tập tiểu thuyết này, mối quan tâm của chị là tiểu thuyết Tuyết hoang đã khác như thế nào so với hồi ký, và những bóng hồng xung quanh tác giả cũng như vai trò của người vợ trong đời sống và trong công việc viết văn.

Có bạn đọc còn đứng lên kể vanh vách những “chiến dịch quần bò”, nhưng pha đánh hàng từ Nga, Ukraine sang Ba Lan khiến cho tác giả cũng hào hứng nhắc lại những chuyến buôn hàng máy tính từ Ba Lan sang Nga và “giật” về Ba Lan rất nhiều vàng từ đầu thập niên 1990…

Và người bạn thân của tác giả - Đỗ Hương - thì đặt một câu hỏi: "Sau những thăng trầm xứ người như thế, giờ đã là một doanh nhân, anh có nghĩ mình sẽ về lại Việt Nam sinh sống không?". Câu hỏi hóa ra làm cho tác giả thoáng một chút trầm ngâm, và Trần Quốc Quân tâm sự: "Tôi có một hoài bão là đến một lúc nào đó, tôi sẽ trở về chết trên mảnh đất này".

Rồi cũng xoay lại chuyện viết văn, nhà báo Trọng Thanh cho rằng có vẻ tình cảm đầu tư cho tác phẩm này của Trần Quốc Quân còn nhiều hơn cả cho công việc kinh doanh, và trong tác phẩm có một chương tác giả đã đổi vai - thay đổi lối xưng hô - một cách mà không phải giới "amateur" có thể làm được.

Nhưng lời tự nhận của tác giả mới thật đáng chia sẻ: Xuất thân tại làng Đại Hoàng quê hương của Nam Cao, lại có dây mơ rễ má họ hàng với nhà văn hiện thực phê phán ấy, Trần Quốc Quân có sẵn “máu mê” việc viết lách, đúng hơn là ông bị ám ảnh các nhân vật Chí Phèo, giáo Thứ, Bá Kiến… nên khi đối diện với thực tế cộng đồng người Việt tha hương, ông viết… ngon lành.

Thực ra với Tuyết hoang, ông cho biết đã dành hơn 20 tháng, với kỷ luật mỗi ngày ngồi viết đúng 5 giờ. Thoạt đầu rất vất vả để chuyển từ hồi ký sang tiểu thuyết, rồi nhờ một người bạn góp ý cách xây dựng, bố cục cốt truyện, nhấn mạnh điểm nào và lược bớt chi tiết nào… Trong Tuyết hoang có những đoạn xem như là tự truyện của tác giả.

Lý giải về cái tên Tuyết hoang, Trần Quốc Quân cho rằng tuyết là hình tượng quen thuộc khi mọi người nói đến Liên Xô và Đông Âu. Còn hoang là sự hoang dại và hoang dã khi các nước Đông Âu chuyển đổi thể chế, khi ấy một xã hội vừa bừa bãi, hoang sơ, thiếu trật tự, mà cộng đồng người Việt sinh sống trên cái nền xã hội chưa trật tự như thế lại càng hoang dại, hoang dã hơn.

Nhưng có lẽ cao hơn tất cả, điều được nhiều người chia sẻ với tác giả và Tuyết hoang là Trần Quốc Quân đã viết rất thật lòng.

Qua chuỗi thời gian sống cùng cộng đồng người Việt ở Ba Lan và Đông Âu, ông nhìn thấy và rất tin tưởng vào tinh thần đoàn kết của người Việt trước họa ngoại xâm. Tại buổi ra mắt sách, ông khẳng định lại niềm tin này, nó được nhen nhóm từ thực tế những va chạm của “làng Vũ Đại ở Ba Lan” - cộng đồng người Việt tận trời Âu năm xưa cho đến hôm nay.

LAM ĐIỀN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    Tuy\u1ebft hoang v\u00ec th\u1ebf m\u00e0 h\u00f3a th\u00e0nh \u0111\u1eb7c bi\u1ec7t." />