05/12/2013 06:11 GMT+7

Sài Gòn vào hội sách cuối năm

LAM ĐIỀN
LAM ĐIỀN

TT - Cánh thanh niên trong nhóm sách Sài Gòn vậy mà không nhanh bằng nhà sử học Tạ Chí Đại Trường. Ông vừa từ Mỹ về VN thăm nhà, nghe tin có hội sách giảm giá cuối năm đã đi xe buýt đến 92 Lê Thánh Tôn từ rất sớm.

vEtlzwZs.jpgPhóng to
Nhiều bạn trẻ tham gia góc sách “Hẹn hò giấu mặt” - Ảnh: L.Điền

Và còn rất nhiều sinh viên, học sinh hay tin có hội sách do Nhã Nam phối hợp với 20 đơn vị xuất bản sách tổ chức (từ ngày 4 đến 8-12) đã đến đông nghịt các sạp hàng ngay từ buổi sáng khai hội.

Ngồi uống nước ở bên lề hội sách, nhà sử học Tạ Chí Đại Trường cho biết ông vốn là người mua sách giảm giá triền miên từ Mỹ đến VN. Hôm nay ông tìm thấy quyển hồ sơ về nạn đói năm 1945, và quyển Ngàn năm áo mũ của Trần Quang Đức. Ông còn khoe với nhóm thanh niên tuổi con cháu rằng mình có mua một quyển truyện của... Nguyễn Nhật Ánh. Số là ông thấy hội sách này bày bán rất nhiều sách của Nguyễn Nhật Ánh, nên hỏi một anh bạn trong ngành sách rằng nếu muốn đọc Nguyễn Nhật Ánh thì nên đọc quyển nào? Anh này tiện tay giới thiệu quyển Tôi là Bêtô, cả nhóm thanh niên ồ lên: cụ Trường... teen quá!

Hội sách cuối năm gần như đã trở thành một “điểm hẹn với sách” của người Sài Gòn. Mấy năm trước, nhà sách Hà Nội định kỳ mở hội cuối năm ở Cung văn hóa Lao động cũng được rất nhiều bạn đọc đến ủng hộ. Hai năm nay Nhã Nam đứng ra huy động nguồn sách từ gần 20 đơn vị vừa tư nhân vừa nhà nước để mở hội. Thông tin giảm giá sâu đến 50%, có cả sách đồng giá 5.000 đồng, 10.000 đồng... được truyền đi trên fanpage (Facebook) của Nhã Nam từ trước đó năm ngày đã nhận được hơn 1.000 lượt comment cho biết sẽ đến hội, và hơn 4.000 lượt like bày tỏ sự yêu thích đối với sự kiện này.

KgIMZv0G.jpgPhóng to
Nhà sử học Tạ Chí Đại Trường và quyển Tôi là Bêtô vừa mua tại hội sách - Ảnh: L.Điền

Một sáng tạo của hội sách lần này là Nhã Nam đã kỳ công bố trí góc sách “Hẹn hò giấu mặt” với hình thức bày bán các sách được gói kín, ngoài bìa bao đề một dòng chữ mô tả vắn tắt nội dung, và bạn đọc sẽ chọn mua bằng... linh cảm. Cách này vừa tạo cảm giác tò mò trước một bản sách, vừa có chút may rủi khi đọc đoán nội dung từ dòng mô tả vắn tắt kia. “Em mua sách ở nhiều hội chợ, chưa gặp hình thức này bao giờ, cách này thấy hay hay, những ai yêu quý sách sẽ có cảm giác như mình được dịp gửi niềm tin vào sách ngay cả trước khi biết đó là quyển sách nào” - Thành Tâm, sinh viên năm 3 Đại học Hoa Sen, nói. Tâm cho biết mình vẫn thường tranh thủ những hội sách giảm giá thế này mua nhiều để dành đọc dần.

Nhiều bạn đọc còn bất ngờ khi phát hiện có cả khu vực bày bán sách cũ từ thời bao cấp. Có cả những sách học thuật trước năm 1975 như: Từ điển Hán Việt của Ðào Duy Anh; Việt Nam từ điển của Hội Khai Trí Tiến Ðức, bản Mặc Lâm in lại năm 1968; Hán Việt tân từ điển của Hoàng Thúc Trâm, Hoa Tiên in năm 1974.

Trong dòng người đến hội mỗi lúc một đông, có một chị Việt kiều nhà ở quận 2. Chị cho biết đã chọn mua được nhiều sách, và đang có ý định đem một ít sách cũ ở nhà ra bán lại, xem như... giao lưu cùng hội sách giảm giá vậy. Đó cũng là một tình huống phát sinh theo kiểu rất... Sài Gòn, và người ta có đủ hi vọng để những lần sau nữa hội sách Nhã Nam còn có nhiều nội dung thú vị, đủ để định vị trong bạn đọc một dịp đến với sách vào mỗi cuối năm.

LAM ĐIỀN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên