09/09/2011 04:15 GMT+7

Giải thưởng sách Hay: Được trao là vinh dự

LAM ĐIỀN
LAM ĐIỀN

TT - Sáng 8-9, lễ trao giải Sách hay được tổ chức tại TP.HCM đánh dấu sự ra đời của một giải thưởng dành cho sách do những người dân mê sách và các chuyên gia, nhân sĩ trí thức cùng chọn.

Giải thưởng Sách hay: khắt khe làm nên danh giá

qzWzrrQP.jpgPhóng to
Dịch giả Phạm Anh Tuấn (bìa phải) phát biểu và nhận giải Sách hay trao cho quyển Dân chủ và giáo dục của John Dewey - Ảnh: L.Điền

Rất nhiều người trong giới trí thức thuộc nhiều lĩnh vực và công chúng quan tâm đã đến với buổi lễ trao giải trang trọng và đầy cảm xúc dành cho sách. Đây là ý tưởng của dự án văn hóa - giáo dục Sách hay (sachhay.com) từ năm 2007 nhưng sau bốn năm mới tiến hành.

Lần đầu tiên, những người dự giải được chứng kiến tên một quyển sách đoạt giải thuộc lĩnh vực nào sẽ được xướng lên bằng một vị đại diện ban xét tuyển thuộc lĩnh vực đó. Vị này công bố một bản tường trình, thuật lại quá trình tuyển chọn từ vòng đề cử đến sơ khảo, đến chung khảo để đi đến quyết định trao giải. Người xét tuyển cũng chính là chuyên gia đầu ngành nhiều lĩnh vực trong thực tế hoạt động: Bùi Văn Nam Sơn - sách nghiên cứu, Giản Tư Trung - sách lẽ sống, Quách Thu Nguyệt - văn học thiếu nhi, Phạm Chi Lan - sách kinh tế, Bùi Văn - sách quản trị... Dù có thể chưa làm hài lòng tất cả người đọc, với cách ấy, mỗi giải thưởng là cả một quá trình cân nhắc, chắt lọc, tranh biện nhiều khi gay gắt đến mức nhà nghiên cứu Bùi Văn Nam Sơn đã ví von quá trình này là một sự “chọn lọc đau đớn”.

Bởi yêu cầu của giải là mỗi quyển sách được chọn phải có sự đồng thuận của 100% số thành viên ban tuyển chọn, nên có nhiều vị là thành viên các ban xét tuyển đã bày tỏ sự tiếc nuối khi đây đó có quyển này quyển kia thoạt đầu khi đề cử cứ ngỡ sẽ đoạt giải nhưng đến chung khảo lại không được chọn. Tuy nhiên, điểm chung nhất đáng quý là sự đồng thuận của thành viên ban xét tuyển trên mỗi quyển sách được chọn. Cách làm việc nghiêm túc đến mức khắt khe như vậy ít nhiều tạo nên sự khâm phục trong cộng đồng tác giả, dịch giả được trao giải - mà nhiều vị trong số đó hoàn toàn bất ngờ khi nghe thông báo, bởi giải thưởng hoạt động độc lập, căn cứ trên các tác phẩm xuất bản tại VN từ năm 1975 đến nay mà xét giải. Điều này cũng chính là cảm hứng của giải thưởng và của buổi lễ trao giải. Như trường hợp quyển Nỗi buồn chiến tranh của Bảo Ninh và quyển Nghệ nhân và Margarita của Mikhail Bulgakov do Đoàn Tử Huyến dịch được chọn trao giải văn học, TS Huỳnh Như Phương đã phát biểu đầy cảm xúc, với tất cả tâm huyết về số phận của hai tác phẩm này cũng như sự tác động của nó đến cộng đồng độc giả và giới phê bình.

Trong diễn từ của mình, nhà văn Bảo Ninh nhắc lại một chặng đường: “Tôi hiểu rằng cuốn Nỗi buồn chiến tranh chỉ có thể được xuất bản nhờ Đổi mới, mà cụ thể là nhờ Nhà xuất bản Hội Nhà Văn của thời kỳ đó. Bản thảo cuốn sách được rà soát chặt chẽ từng chữ nhưng đã được trọng thị in ra đầy đủ từng chữ, và được nhà xuất bản kiên định bảo vệ, dù đấy là tiểu thuyết đầu tay của một người viết chưa ai biết tới”. Một tác phẩm đã trải nhiều nỗi thăng trầm, nhưng sau tất cả những buồn vui đó, hôm nay nhìn lại, tác giả nhìn nhận: “Đây vẫn thật sự là một tác phẩm văn học VN có số phận vô cùng may mắn, bởi đã được sinh ra trong thời Đổi mới của văn học nước nhà”.

Điều gì tạo cảm hứng cho những người xét giải và cảm xúc nơi những người nhận giải? Nhà văn Nguyên Ngọc cho rằng “giải thưởng Sách hay được kỳ vọng sẽ đóng vai trò như một “màng lọc tri thức” giúp công chúng có thêm kênh để tiếp cận những tri thức và chuẩn mực giá trị tiến bộ của VN và thế giới”. Với ý định tốt đẹp đó, ông nói thêm rằng giải thưởng Sách hay cần được mọi người yêu mến, và sự đồng thuận cao giữa những thành viên trong hội đồng tuyển chọn cũng quan trọng như sự đồng thuận giữa người tổ chức giải và người nhận giải. Điều này chỉ có thể có được khi một giải thưởng hướng đến những người được trao như những người đang làm vinh dự thêm cho giải. Người tổ chức giải phải thấy mình đang có phần vinh dự đó khi được trao giải cho những người xứng đáng.

“Chúng tôi sung sướng được trao”, xướng tên tác phẩm, “giám khảo” Huỳnh Như Phương nói vậy. Lên nhận giải, nhiều tác giả cũng bày tỏ niềm vui, sự hãnh diện của người được nhận... Vinh dự như thế đã đến từ hai phía.

Kết quả giải Sách hay

1- Sách lẽ sống

* Khuyến học, Fukuzawa Yukichi, Phạm Hữu Lợi dịch.

2- Sách giáo dục

* Sách viết: Phương pháp nghiên cứu khoa học giáo dục và tâm lý, Dương Thiệu Tống.

* Sách dịch: Dân chủ và giáo dục, John Dewey, Phạm Anh Tuấn dịch.

3- Sách nghiên cứu

* Sách dịch: Nền dân trị Mỹ, Alexis de Tocqueville, Phạm Toàn dịch.

4- Sách kinh tế

* Sách viết: Tư duy kinh tế VN 1975-1989, Đặng Phong.

5- Sách quản trị

* Sách viết: Công ty: vốn, quản lý & tranh chấp, Nguyễn Ngọc Bích và Nguyễn Đình Cung.

* Sách dịch: Bộ ba cuốn: Chiến lược cạnh tranh, Lợi thế cạnh tranh và Lợi thế cạnh tranh quốc gia, Michael Porter, nhóm dịch giả DT Books.

6- Sách văn học thiếu nhi

* Sách viết: Vừa nhắm mắt vừa mở cửa sổ, Nguyễn Ngọc Thuần.

* Sách dịch: Hoàng tử bé, Antoine de Saint-Exupéry, Bùi Giáng dịch.

7- Sách văn học

* Sách viết: Nỗi buồn chiến tranh, Bảo Ninh.

* Sách dịch: Nghệ nhân và Margarita, Mikhail Bulgakov, Đoàn Tử Huyến dịch.

LAM ĐIỀN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên