27/07/2009 07:00 GMT+7

Jesus

JOSTEIN GAARDER
JOSTEIN GAARDER

TTO - Chắc em vẫn đang nghe tôi đấy chứ, Sophie? Các từ quan trọng là “Messiah”, “Con của Chúa”, và “Vương Quốc của Chúa”. Đầu tiên, tất cả các từ đó được hiểu theo nghĩa chính trị.

zqNgGZ3W.jpgPhóng to

Thời Jesus, có nhiều người tưởng tượng rằng sẽ có một “Messiah” mới theo nghĩa một nhà lãnh đạo về chính trị, quân sự, và tôn giáo thuộc tầm cỡ vua David. Do vậy, vị “cứu tinh” này được coi là một người mang sứ mệnh của dân tộc, người sẽ chấm dứt sự thống khổ của người Do Thái dưới ách thống trị của La Mã.

Nhưng cũng có nhiều người khác có tầm nhìn xa hơn. Do từ hai trăm năm trước đã có những nhà tiên tri tin rằng vị “Messiah” hứa hẹn sẽ là cứu tinh cho toàn thế giới. Người sẽ không chỉ giải phóng dân Israel khỏi ách ngoại bang, mà còn cứu cả nhân loại khỏi tội lỗi - mà quan trọng là khỏi cái chết. Niềm mong mỏi sự “cứu rỗi” theo nghĩa chuộc tội đã được lan rộng khắp thế giới Hy-La.

Rồi Jesus của Nazareth xuất hiện. Ông không chỉ là người duy nhất đã từng đứng lên nhận mình là vị “Messiah” được hứa hẹn. Jesus còn dùng các từ “Con của Chúa”, “Vương Quốc của Chúa” và “chuộc tội”. Khi làm như vậy, ông đã giữ được mối liên hệ với các lời tiên tri cổ.

Ông đến Jerusalem và để đám đông tôn xưng mình là vị cứu tinh, và như vậy đã thực hiện đúng nghi lễ của các vị vua xưa trong “lễ đăng quang”. Ông cũng tự cho phép mình được mọi người xức dầu thánh. “Thời điểm đã chín muồi,” ông nói, và “Vương Quốc của Chúa đã trong tầm tay”.

Nhưng đây mới là điểm quan trọng: Jesus phân biệt mình với các “messiah” khác bằng cách tuyên bố rõ ràng rằng ông không phải người chống đối về chính trị hay quân sự. Sứ mệnh của ông vĩ đại hơn nhiều. Ông thuyết giáo về sự cứu rỗi và lòng khoan dung của Chúa Trời với mọi người. Với những người gặp trên đường, ông nói “Nhân danh Người, tội lỗi của con đã được tha thứ”.

Kiểu “xá tội” này chưa từng được nghe thấy. Và tệ hơn nữa, ông gọi Chúa Trời là “Cha” (Abba). Điều này hoàn toàn chưa hề có tiền lệ trong cộng đồng Do Thái. Do vậy, chẳng bao lâu sau đã nổi lên một làn sóng phản đối từ các vị tư tế.

Vậy tình hình là như thế này: ở thời Jesus, rất nhiều người đang chờ mong một vị Messiah, người sẽ tái thiết Vương Quốc của Chúa với rất nhiều trống kèn (nói cách khác, với máu lửa và đao kiếm). Thành ngữ “Vương Quốc của Chúa” hẳn đã là chủ đề được lặp đi lặp lại trong các bài thuyết giáo của Jesus - nhưng với nghĩa rộng hơn nhiều. Jesus nói rằng “Vương Quốc của Chúa” đó là tình yêu với hàng xóm, lòng trắc ẩn đối với kẻ yếu và người nghèo, và sự bao dung đối với những người đã phạm sai lầm.

Đây là một bước chuyển đột ngột trong ý nghĩa của một thành ngữ cổ xưa đã từ lâu mang âm hưởng chiến tranh. Trong khi mọi người đang mong đợi một nhà lãnh đạo quân sự, người sẽ nhanh chóng tuyên bố thành lập Vương Quốc của Chúa, thì Jesus lại mặc áo gai và đi dép cỏ tiến đến bảo họ rằng Vương Quốc của Chúa - hay bản “giao ước mới” - là “yêu hàng xóm như yêu chính bản thân mình”. Chưa hết, Sophie à, ông còn nói rằng ta phải yêu kẻ thù. Khi bị chúng tát, ta không được trả đũa; mà thậm chí còn phải giơ má kia ra. Và chúng ta phải tha thứ - không phải bảy lần mà bảy mươi lần bảy.

Chính Jesus đã thể hiện rằng mình không đứng trên cao hơn mọi người, ông nói chuyện với gái điếm, những kẻ cho vay nặng lãi xấu xa, và những người mưu toan đảo chính. Ông còn đi xa hơn, ông nói rằng một kẻ vô dụng đã tiêu xài toàn bộ gia tài cha để lại - hay một viên chức biển lậu tiền công quỹ - đều trở nên chính trực trước mặt Chúa khi anh ta hối cải và cầu xin sự tha thứ, lòng nhân từ của Chúa thật lớn lao.

Nhưng khoan đã - ông ta còn đi một bước xa hơn: Jesus nói rằng trong mắt của Chúa Trời, những kẻ tội lỗi đó còn chính trực và xứng đáng với sự tha thứ của Chúa hơn là những tín đồ Phari không một vết nhơ luôn chạy quanh trưng diện đức hạnh của mình.

Jesus chỉ ra rằng không ai xứng đáng với lòng nhân từ của Chúa Trời. Chúng ta không thể tự chuộc lỗi (như nhiều người Hy Lạp đã tin tưởng). Những yêu cầu luân lý nghiêm khắc mà Jesus đặt ra trong Bài Giảng Trên Núi không chỉ để giảng giải ý muốn của Chúa Trời, mà còn để nói rằng không có người nào đủ chính trực trong mắt Chúa. Lòng nhân từ của Chúa Trời là vô biên, nhưng chúng ta phải hướng về phía Chúa và cầu xin sự tha thứ của ngài.

Để thày giáo môn tôn giáo của em dạy kỹ hơn về Jesus và những giáo huấn của ông. Công việc của ông thày của em sẽ không đơn giản chút nào. Tôi hy vọng ông ấy sẽ thành công trong việc cho em thấy con người của Jesus đặc biệt đến mức nào. Ông đã sử dụng ngôn ngữ thời đó một cách thật tuyệt vời để đem đến cho những lời kêu gọi chiến tranh cổ xưa một nội dung hoàn toàn mới và rộng hơn. Cũng không có gì ngạc nhiên rằng ông đã kết thúc đời mình trên cây Thập tự. Xu hướng cấp tiến của ông về sự chuộc lỗi đã mâu thuẫn với quá nhiều lợi ích và thế lực nên ông đã phải bị loại trừ.

Khi nói về Socrates, ta đã thấy việc kêu gọi lý tính của mọi người có thể nguy hiểm đến mức nào. Với Jesus, ta thấy mức độ nguy hiểm của việc đòi hỏi tình bằng hữu vô điều kiện và sự bao dung vô điều kiện. Ngay trong thế giới ngày nay, ta có thể thấy các quyền lực mạnh có thể tan rã khi đối mặt với các đòi hỏi đơn giản về hòa bình, tình yêu, lương thực cho người nghèo, và ân xá cho kẻ thù của quốc gia.

Em có thể nhớ lại Plato đã tức giận như thế nào khi con người chính trực nhất của Athens bị tước bỏ cuộc sống. Theo giáo lý Ki Tô giáo, Jesus là con người chính trực duy nhất từng có trên đời. Vậy mà ông đã bị xử tử. Tín đồ Ki Tô giáo nói rằng ông đã hy sinh vì nhân loại, và thường gọi đó là “Khổ Nạn” của Chúa Ki Tô. Jesus là “kẻ tôi tớ đau khổ”, người mang tội lỗi của cả nhân loại để chúng ta có thể được “chuộc lỗi” và cứu thoát khỏi sự giận dữ của Chúa Trời.

JOSTEIN GAARDER
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên