03/03/2008 04:15 GMT+7

Vận động mọi người xây dựng nếp sống văn minh đô thị

QUANG KHẢI - CHÍ QUỐC
QUANG KHẢI - CHÍ QUỐC

TT - Trong khi các chế tài chưa đủ răn đe thì hình thức vận động, tuyên truyền được nhiều địa phương xem là giải pháp chính trong việc thực hiện nếp sống văn minh đô thị. Nhiều doanh nghiệp cho biết sẽ hưởng ứng việc xã hội hóa nhà vệ sinh, thùng rác công cộng nhưng yêu cầu chủ trương cần có "hình dáng" cụ thể hơn.

f1bNIj12.jpgPhóng to
Hai người đàn ông đang đứng tiểu vào đoạn hàng rào của Bệnh viện Từ Dũ vừa làm mới lại ngay sau tết (ảnh chụp sáng 2-3).
TT - Trong khi các chế tài chưa đủ răn đe thì hình thức vận động, tuyên truyền được nhiều địa phương xem là giải pháp chính trong việc thực hiện nếp sống văn minh đô thị. Nhiều doanh nghiệp cho biết sẽ hưởng ứng việc xã hội hóa nhà vệ sinh, thùng rác công cộng nhưng yêu cầu chủ trương cần có "hình dáng" cụ thể hơn.
Nghe đọc nội dung toàn bài:

Lực lượng mỏng

Bà Trần Thị Thu Vân - chủ tịch UBND Q.6, TP.HCM - nhìn nhận thời gian qua lực lượng của Phòng tài nguyên - môi trường quận chủ yếu chỉ kiểm tra giám sát tình hình xây dựng, môi trường của các doanh nghiệp, ít chú ý đến các hành vi vứt rác, tiểu tiện không đúng nơi qui định. Việc xử lý cũng chỉ áp dụng hình thức cảnh cáo, nhắc nhở... vì đa số trường hợp vi phạm là dân nghèo, nhập cư. Riêng người dân thì hầu hết có ý thức giữ gìn vệ sinh nhưng chỉ trong phạm vi nhà mình, chưa quan tâm đến khu vực xung quanh, tổ dân phố, khu phố... Theo bà Vân, việc triển khai thực hiện nếp sống văn minh đô thị chưa đạt hiệu quả có nguyên nhân chủ yếu là ý thức người dân còn kém, không đủ lực lượng kiểm tra xử lý, chế tài.

Phó chủ tịch UBND quận Gò Vấp Phạm Thị Thanh Tú cho biết quận có bốn điểm nóng về môi trường: rạch Bà Miên (phường 15, 16, 17), dọc cống hộp khu căn cứ 26 (phường 5, 6, 7, 17), khu giáo xứ Bến Hải (phường 5), dọc đường sắt gần cầu Hang Trong - Hang Ngoài. Tất cả các điểm này khi có lực lượng túc trực thì vệ sinh được đảm bảo, lực lượng rút đi là đâu lại vào đấy. "Quận đang lên kế hoạch dọn vệ sinh, cắm thêm biển báo. Trước đây, các trường hợp vi phạm chủ yếu được nhắc nhở nhưng sắp tới quận sẽ xử lý kiên quyết" - bà Tú nói.

Điệp khúc thiếu lực lượng kiểm tra xử lý cũng là nguyên nhân mà các địa phương khác cho rằng triển khai thực hiện nếp sống văn minh đô thị thời gian qua chưa hiệu quả. Tuy nhiên, nhiều người cho rằng ngay cả một số cán bộ phụ trách về môi trường các quận huyện, phường xã cũng đều xem nhẹ công tác kiểm tra xử lý, thậm chí làm ngơ. Bà Lê Thị Kim Dung, chủ tịch UBND quận 4, cho biết: "Nhiều cán bộ được giao phụ trách về môi trường tại các phường hình như chưa thích công việc này. Một số phường tổ chức vận động theo kiểu phong trào, hình thức...".

Tăng cường tuyên truyền và xử phạt

Theo bà Vân, trong năm 2008 sẽ cương quyết hơn đối với các hành vi vi phạm về môi trường. Việc này được triển khai cụ thể cho các khu phố, tổ dân phố cùng thực hiện. Trước mắt, trong tháng ba, quận 6 sẽ sắp xếp lại trật tự lòng lề đường, đồng thời phân loại cho những tuyến nào được sử dụng lề đường (kẻ vạch sơn diện tích được sử dụng), khu vực nào cấm. Quận 6 cũng sẽ thành lập đội thu gom rác thừa. Công việc của đội này là kiểm tra tại các tuyến đường, khu phố, tổ dân phố. Nếu phát hiện những trường hợp vi phạm sẽ vào nhà nhắc nhở, hướng dẫn các hộ dân. Nếu quá trình tái kiểm tra tiếp tục phát hiện sẽ tiến hành xử phạt. "Những trường hợp này chúng tôi sẽ cho quay phim, chụp hình làm bằng chứng" - bà Vân nói.

Ông Lê Trọng Hiếu - chủ tịch UBND Q.11 - nói bên cạnh việc tuyên truyền nhắc nhở, quận đã yêu cầu các phường siết chặt vấn đề xử phạt vi phạm. Theo ông Hiếu, hiện lực lượng kiểm tra xử lý vi phạm trong lĩnh vực an toàn giao thông và vệ sinh môi trường tương đối ổn, lực lượng thanh tra xây dựng quận cũng đang được củng cố. Còn việc xử lý hành vi xả rác chủ yếu do UBND các phường tổ chức thực hiện.

Theo bà Lê Thị Kim Dung, trong năm 2008 quận 4 sẽ yêu cầu các cơ quan hành chính phải thực hiện nghiêm chỉnh nếp sống văn minh. Sau đó chọn triển khai thí điểm mô hình đường phố không rác, khu phố văn minh.

Doanh nghiệp sẵn sàng tham gia

Theo chỉ đạo của Phó chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thị Thu Hà về việc triển khai xã hội hóa nhà vệ sinh công cộng, khuyến khích những người có đất, có điều kiện tham gia đầu tư. Ngay sau khi có ý kiến chỉ đạo này, nhiều doanh nghiệp đã hoan nghênh và cho rằng cần có thêm chủ trương xã hội hóa thùng rác công cộng.

Ông Trương Quang Mẫn - phó tổng giám đốc thường trực Công ty cổ phần Mai Linh - cho biết mặc dù là đơn vị vận tải nhưng công ty sẽ sẵn sàng cùng TP thực hiện chủ trương này. Tuy nhiên ông Mẫn vẫn còn băn khoăn về việc kiểm tra, phát hiện và biện pháp chế tài khi chủ trương được hiện thực hóa. "Nếu người ta không sử dụng thì có làm nhà vệ sinh, thùng rác công cộng cũng không có tác dụng" - ông Mẫn góp ý.

Ông Đỗ Thành Tích, giám đốc Công ty chống thấm Intoc (Q.11), cũng cho rằng chính sách xã hội hóa là một chủ trương đúng. Theo ông Tích, trước khi đầu tư vào lĩnh vực này, các doanh nghiệp cần phải biết được hưởng gì, hiệu quả khi thực hiện và hình thức đầu tư ra sao… Ông Tích kiến nghị Sở Tài nguyên - môi trường và các cơ quan liên quan cần sớm đưa ra "bộ sườn" về một số yêu cầu để doanh nghiệp góp ý.

Về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Phước - phó giám đốc Sở Tài nguyên - môi trường TP, cho biết sắp tới liên sở Tài nguyên - môi trường, Văn hóa thông tin và Kế hoạch - đầu tư sẽ bàn bạc và tham mưu nội dung chính sách xã hội hóa cho UBND TP. Trong đó có vấn đề đặt logo doanh nghiệp trên nhà vệ sinh, trên thùng rác, kích thước và việc đặt các phương tiện này ở đâu... sẽ được liên ngành bàn tính cụ thể sao cho phù hợp và đảm bảo quyền lợi của cả hai phía Nhà nước và doanh nghiệp. Ông Phước còn cho hay khu vực trung tâm TP sẽ được ưu tiên đặt thùng rác, nhà vệ sinh công cộng trước. Hiện các quận 1, 3 đều đã được đặt trên 100 thùng rác, quận 5 và 10 đang triển khai việc này bằng kinh phí nhà nước.

BV Từ Dũ "bó tay" với nạn tiểu tiện bừa bãi

Anh Nguyễn Văn Lợi, nhân viên bảo vệ Bệnh viện Từ Dũ, cho biết sau tết bệnh viện vừa phải làm mới lại đoạn hàng rào dài cả chục mét và năm nào cũng phải làm lại vì bị mục nát... do nước tiểu. Đoạn hàng rào này nằm ở góc đường Cống Quỳnh - Nguyễn Thị Minh Khai (Q.1) đã rất "nổi tiếng" do mỗi ngày có cả trăm lượt người đến... phóng uế. Trước đây, bệnh viện đã xây một con mương sát tường rào và cho xả nước để mùi hôi thối bớt xông vào nhưng nay con mương cũng bị mục nát, bây giờ một hai ngày anh em bảo vệ phải xịt nước rửa. Điều đáng nói, cách đó vài mét có một nhà vệ sinh công cộng và bệnh viện cho vào đi vệ sinh miễn phí nhưng nhiều người, nhất là những người chạy xe ôm và taxi, vẫn thích phóng uế ngoài đường!

N.C.T.

QUANG KHẢI - CHÍ QUỐC
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên