14/01/2008 11:46 GMT+7

Du lịch khám phá hang động trên Vịnh Hạ Long

Theo ĐẠI DƯƠNG - Báo Quảng Ninh
Theo ĐẠI DƯƠNG - Báo Quảng Ninh

Do cấu tạo bởi địa hình đá vôi nên Vịnh Hạ Long có khá nhiều đảo có hang động. Tuy không đẹp bằng động Phong Nha (Quảng Bình) nhưng một số hang động trên Vịnh Hạ Long cũng là những thắng cảnh có tiếng, từ lâu đã trở thành tuyến điểm trên hành trình tham quan Vịnh Hạ Long.

brTXHh3l.jpgPhóng to

Hang Đầu Gỗ thuộc quần thể vịnh Hạ Long. Ảnh: T.T.D

Một trong số các hang động nhắc đến đầu tiên đó là hang Đầu Gỗ. Hang nằm trên đảo cùng tên - đảo Đầu Gỗ, xưa còn có tên là đảo Canh Độc. Sách Đại Nam Nhất thống chí nhà Nguyễn có ghi: Hòn Canh Độc lưng đảo có động rộng rãi có thể chứa được vài ngàn người... Truyền thuyết kể rằng trong cuộc kháng chiến chống quân Nguyên Mông, Trần Hưng Đạo đã cho chuẩn bị nhiều cọc gỗ lim ở đây để cắm xuống lòng sông Bạch Đằng, vì thế mà hang có tên là hang Dấu Gỗ, lâu ngày dân gian gọi chệch đi thành Đầu Gỗ.

Cuốn Meivelle de Monde (Kỳ quan thế giới) của Pháp xuất bản năm 1938, phần giới thiệu các danh thắng nổi tiếng thế giới, đã mệnh danh hang Đầu Gỗ là “động của các kỳ quan” (nguyên văn: Grotto des meivellis). Đó là một nhận định hoàn toàn chính xác.

Hang Đầu Gỗ được chia làm ba ngăn chính: Ngăn phía ngoài có hình vòm cuốn tràn trề ánh sáng tự nhiên, trần hang là một bức “tranh sơn dầu” khổng lồ vẽ phong cảnh thiên nhiên hoang sơ. Qua khe cửa hẹp vào ngăn thứ hai, ánh sáng chiếu vào đây mờ ảo, những bức tranh mới lạ hiện lên long lanh, huyền bí. Những chùm hoa đá lúc ẩn, lúc hiện, những hình ảnh vừa quen, vừa lạ... tạo cho du khách vừa sợ sệt, vừa tò mò. Nhìn lên phía trên, trong ánh sáng mờ ảo, tưởng như bốn xung quanh là bức thành cổ, trên đó đang diễn ra một trận hỗn chiến kỳ lạ, tiếng voi ngựa gầm thét, tất cả đang trong tư thế xông lên, bỗng dưng bị hoá đá.

Năm 1917, vua Khải Định tới thăm hang Đầu Gỗ, ngỡ ngàng trước cảnh đẹp thần tiên của tạo hoá đã làm bài thơ ca ngợi cảnh đẹp của non nước Hạ Long, rồi truyền cho khắc bia đá. Hiện nay, tấm bia đá vẫn còn bên phải cửa động. Trong thời gian vừa qua, đã không dưới một lần hang Đầu Gỗ trở thành sân khấu hoà nhạc, tạo nên một hoạt động nghệ thuật độc đáo chưa từng có trên Vịnh Hạ Long.

Nằm ở trung tâm của di sản thế giới Vịnh Hạ Long, hang Sửng Sốt thuộc đảo Bồ Hòn. Người Pháp trước đây gọi tên đảo là Grotto les Suprices (động của những sửng sốt). Hang Sửng Sốt nằm ở trung tâm du lịch của Vịnh Hạ Long, trên tuyến hành trình: Bãi tắm Ti-tốp - hang Bồ Nâu - động Mê Cung - hang Luồn - hang Sửng Sốt, và đây cũng là nơi tập trung nhiều đảo đá có hình dáng đặc sắc không nơi nào có được.

zyF6pOkg.jpgPhóng to

Tàu đưa khách du lịch vào tham quan hang Sửng Sốt (Vịnh Hạ Long). Ảnh: Đỗ Giang

Đường lên hang Sửng Sốt luồn dưới những tán lá rừng, những bậc đá ghép cheo leo, tạo cho du khách như vừa có cái thú của người leo núi, vừa có cái háo hức như đang đi trên trời vậy.

Hang Sửng Sốt chia làm hai ngăn chính, trong đó ngăn thứ nhất giống như một nhà hát lớn rộng thênh thang. Trần hang được phủ lớp “thảm nhung” óng mượt với vô số “chùm đèn treo” bằng nhũ đá rực sáng long lanh, những tượng voi đá, hải cẩu, mâm xôi, hoa lá... Tất cả dường như đang chuyển động trong một thế giới huyền ảo như thực, như mơ.

Chưa hết ngỡ ngàng trước vẻ đẹp thần kỳ của tạo hóa, du khách bước vào ngăn thứ hai bằng một con đường nhỏ. Một luồng ánh sáng ùa vào rực rỡ, động mở ra một khung cảnh mới hoàn toàn khác lạ, ngăn động mênh mông có thể chứa được hàng ngàn người...

Tới đỉnh cao nhất của hang, bất ngờ một khu “vườn thượng uyển” mở ra trước mắt, có hồ nước trong vắt, phong cảnh sơn thủy hữu tình, muôn loài cây như si, vạn tuế, ngũ gia bì, phất du... đua nhau phát triển. Vào một ngày đẹp trời, du khách có thể nhìn thấy đàn khỉ kéo nhau tới đây tìm kiếm hoa quả, chúng đùa nhau làm náo động không gian.

Cùng nằm trên dãy đảo Bồ Hòn là hang Trinh Nữ. Người dân chài trước đây coi hang Trinh Nữ là ngôi nhà thân yêu của họ; những đôi trai gái yêu nhau lại coi đây như là biểu tượng, nơi thề nguyện tình yêu.

Người Pháp xưa gọi tên hang là Grotto le Virgin (động của người con gái). Truyền thuyết kể rằng: Xưa có một người con gái vạn chài xinh đẹp, nhà nghèo, gia đình cô phải đi ở cho một địa chủ trong vùng. Thấy cô gái xinh đẹp, hắn rắp tâm ép gia đình gả cô cho hắn làm vợ bé nhưng cô gái không chịu vì cô đã có người yêu, chàng trai đó đang ra khơi đánh cá để chuẩn bị cho ngày cưới của họ.

Không ép được cô, tên địa chủ đã đày cô ra đảo hoang. Cô gái đói lả, kiệt sức và trong một đêm mưa gió bão bùng, cô đã hóa thành đá. Biết tin, chàng trai mải miết bơi thuyền tìm cô. Giông tố ập đến khiến thuyền chàng vỡ nát, chàng dạt lên đảo hoang. Trong ánh chớp, chàng nhìn ra phía xa và nhận ra cô gái nhưng những lời chàng gọi đã bị gió mang đi. Chàng bèn lấy đá gõ vào vách núi để báo rằng chàng đã đến. Chàng gõ cho đến khi tay chảy máu đầm đìa, kiệt sức và hóa đá. Nơi chàng hóa đá nay chính là hang Trống hay còn gọi hang Con Trai, đối diện với hang Trinh Nữ.

Trong hang Trinh Nữ vẫn còn đó tượng cô gái hoá đá với mái tóc dài xoã vai, quay mặt về đất liền. Ở hang Trống là tượng chàng trai hoá đá đang quay mặt về phía hang Trinh Nữ, những tiếng gọi tha thiết cùng tiếng gõ vào vách đá của chàng vẫn văng vẳng đâu đây. Dấu tích của trận cuồng phong đêm đó vẫn còn đến ngày nay, đó là những đổ vỡ của đất đá ngổn ngang trong hang, tiếng gió gầm gào qua vách đá và những bọt sóng vẫn tung lên trắng xóa...

Bên cạnh những hang động với các câu chuyện đã trở thành huyền thoại, là điểm du lịch hấp dẫn như trên, một số hang động trên Vịnh Hạ Long còn từng là mái nhà cho người Việt cổ sinh sống cách ngày nay trên dưới 4.000 năm, như: Hang Soi Nhụ, hang Đông Trong, hang Hà Giắt, hang Tiên Ông... Đặc biệt là có những hang động còn tương đối nguyên sơ, rất có giá trị về nghiên cứu địa chất, quá trình hình thành hang động, giai đoạn biển tiến, biển lùi của Vịnh Hạ Long như hang Hanh, hang hồ Động Tiên...

Theo ĐẠI DƯƠNG - Báo Quảng Ninh
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên