13/12/2007 15:38 GMT+7

Cứ tự nhiên mà vượt hết mọi thời

NHÀ THƠ TRẦN NHUẬN MINH(Hạ Long - Những lời đánh giá và ngợi ca - Ban quản lý Vịnh Hạ Long 12 - 2001)
NHÀ THƠ TRẦN NHUẬN MINH(Hạ Long - Những lời đánh giá và ngợi ca - Ban quản lý Vịnh Hạ Long 12 - 2001)

17 giờ 17 ngày 14/12/1994, Vịnh Hạ Long được UNESCO công nhận là Di sản thế giới, với số phiếu tuyệt đối 100% của 19 nước thành viên Hội đồng, được bầu ra từ hàng trăm nước tham gia ký vào công ước quốc tế về bảo vệ di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới.

zp9aYRB1.jpgPhóng to
17 giờ 17 ngày 14/12/1994, Vịnh Hạ Long được UNESCO công nhận là Di sản thế giới, với số phiếu tuyệt đối 100% của 19 nước thành viên Hội đồng, được bầu ra từ hàng trăm nước tham gia ký vào công ước quốc tế về bảo vệ di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới.

19 nước đó là: Braxin, Côlômbia. Đức, Inđônêxia, Ý, Libăng, Mỹ, Mêhicô, Nhật, Nigiêria, Oman, Pháp, Philippin, Pêru, Sip, Trung Quốc, Thái Lan, Tây Ban Nha và Xênêgan.

Sự kiện có ý nghĩa to lớn đó diễn ra ở phiên họp hằng năm lần thứ 18 của Hội đồng Di sản thế giới, tại khách sạn du lịch nổi tiếng La Meridien của thành phố Phù Kẹt, cực nam Thái Lan. Đấy là lúc Vịnh Hạ Long bước lên xe hoa, đội vương miện toàn cầu.

Còn chính Vịnh Hạ Long lúc đó thì sao? Hoàng hôn đã buông xuống, ngập biển, ngập núi, ngập trời, một hoàng hôn màu tím biếc, mà ta chỉ thấy trong tâm hồn của những mối tình dang dở…

Vịnh Hạ Long âm thầm giấu đi vẻ đẹp lộng lẫy và bí hiểm của mình trong nỗi buồn cô quạnh và âm u của nước mây. Những đốm lửa chài như thắp sáng ở đâu đó trong nền trời và những ngôi sao cuối mùa long lanh, lại như bùng cháy ở trên mặt sóng.

Dịp ấy, hàng ngàn người từ bốn phương đã kéo về, nồng nhiệt đón chào và tôn vinh Vịnh Hạ Long, từ nay chính thức trở thành một bộ phận không thể tách rời của những giá trị vĩnh cửu toàn nhân loại.

Dửng dưng với tiếng hò reo và những lá phướn xanh đỏ phấp phới bay ngang trời thành phố, Vịnh Hạ Long vẫn điềm nhiên thế thôi, đẹp một cách lạnh lùng, như một người đàn bà quý phái đã có chồng, vừa coi thường đám mày râu, lại ra sức quyến rũ họ, bỏ bùa mê cho họ, bằng sự từng trải lịch lãm và sự kênh kiệu đắm say của mình, làm họ mê mệt và thảng thốt.

Không hiểu sao trong nỗi xao động khôn cùng và đơn phương ấy, tự nhiên và trước hết, tôi nghĩ đến các nhà thơ, những người đã phải lòng Vịnh Hạ Long bằng một mối tình suông, vừa mộng mị vừa tuyệt vọng.

Ai như Quách Mạt Nhược đã phải thốt lên: “So với những cảnh này (cảnh đẹp của Vịnh Hạ Long) thơ có cũng như không”.

Ấy là nhà thơ lớn Trung Quốc nói dỗi vậy thôi, chứ thơ vẫn có đấy. Nếu không, làm sao tôi nhớ được những câư này: “Ta ngả chào vừng non nước Hạ Long”, câu thơ rất nhiều hào quang ấy là của Xuân Diệu. “Mưa xuân tươi tốt cả cây buồm”, câu thơ rất nhiều khí trời ấy là của Huy Cận. “Trời tháng sáu cười từng bể bạc”, câu thơ rất hào sảng và cũng rất giàu có ấy là của Chế Lan Viên.

Và ai nữa? Nữ thi hào Hồ Xuân Hương đã đến đây năm 1814 và cuối năm 1815 đã khoác tấm áo choàng cô dâu muộn mằn trên bờ Vịnh Hạ Long trẻ trung này. Bà đã ở đây “Hăm bảy tháng trời đà mấy chốc”.

Năm 1818, chồng bà, ông Tham hiệp trấn Quảng Yên là Trần Phúc Hiến đã bị bắt vì tội nhận tiền hối lộ và sau khi được ân xá của vua Gia Long nhà Nguyễn, vẫn phải chịu án tự xử. Ông đã tự chết ở Cửa Ông năm 1819, cũng bên bờ Vịnh Hạ Long tươi vui và xinh đẹp này.

Bà đã viết gì? “Ngọc động vân phong tam bách lục. Bất tri thùy thị Thủy tinh cung” (Băm sáu phòng mây cùng động ngọc. Đâu nào là cái Thủy tinh cung). Giêsuma, lạy Nhà thơ, 36 phòng mây và động ngọc của Vịnh Hạ Lòng thì em chưa qua hết, chứ cái thủy tinh cung thì em cũng đã biết rồi. Ai nữa? Chúa An đô vương Trịnh Cương, một võ tướng, bỗng thành thi sĩ khi ông đến Vịnh Hạ Long.

Ông thấy “Núi non như vẽ, bể lặng sóng trong”, và viết lên một câu thơ rất đẹp còn khắc vào vách núi đá “Xuân quang điệp kiến lạn hoa yên” (khói sương bay trong ánh sáng mùa xuân). Tròn một năm sau, khi viết câu thơ này, ông đã mất ở Kinh thành Thăng Long, 1/1730. Trước ông, Lê Thánh Tông, hoàng đế nhà Lê, nhà văn hóa và nhà thơ lớn của dân tộc, đã đề thơ vào vách núi Truyền Đăng 3/1468.

Do sự kiện văn học này mà núi Truyền Đăng được nhân dân đổi tên là núi Bài Thơ, và ngày 29/3 hằng năm trở thành ngày truyền thống của thi ca Quảng Ninh. Từ đó (29/3/1988) trong 365 ngày của một năm, có 1 ngày Quảng Ninh dành riêng cho thơ để tôn vinh những giá trị của thơ vì Tổ quốc, dân tộc và chủ nghĩa xã hội. Ngày đó quần tụ bạn bè thơ của cả nước. “Cự tẩm uông dương, triều bách xuyên” (Nhận nước trăm sóng, cuộn đầy).

Ngọn sóng thơ ấy có một nguồn sông từ đại thi hào Nguyễn Trãi “Thiên khôi địa thiết phó kỳ quan” (Kỳ quan đất dựng giữa trời cao), một nguồn sông nữa xa hơn, từ Trần Thánh Tông, hoàng đế thứ hai của triều Trần, nhà thơ, vị anh hùng giải phóng dân tộc, nhà thông thái kiệt xuất của nước Đại Việt thế kỷ thứ 13. Ông đã ngủ một đêm trong ánh sáng trăng của Vịnh Hạ Long. “Hốt nhiên giai đắc thú.

Bạn tượng sinh hào đoan” (Bỗng nhiên được thú lạ – Ngọn bút nảy muôn hình). Thì ra, chính là các nhà thơ, chứ không phải ai khác, đã đăng ký Vịnh Hạ Long vào danh mục Di sản thế giới của tâm hồn con người từ 700 năm trước. Bạn thấy chăng? Biết bao nhà thơ, với các màu da và giọng nói, từ khắp các châu lục, đã đặt chân đến đây và mỗi người đã để lại một chút hồn mình làm thành màu mây, sắc gió, hương trời, để ngàn năm mặt nước Vịnh vẫn còn gợn sóng dịu dàng và biếc tím một màu hư ảo.

Hãy chỉ kể một người chị Mireible Gancel, nhà thơ Pháp. Với sự tinh vi và nhạy cảm hiếm có của thi sĩ, chị nhận ra bàn tay của gió nổi, của triều sinh, của muối ngấm đã tạc nặn lên những nội tâm phong cảnh: “Đầy ly lỳ và rất mộng mơ của một mối tình hẹn ước. Mà xưa nay chưa có bao giờ”. Chúng ta đã sống cùng mối tình hẹn ước độc nhất vô nhị ấy trong thăm thẳm thời gian.

Phải chăng, đấy là cái linh diệu lạ lùng của Vịnh Hạ Long đã nhập vào tâm hồn và trí tuệ ngài tiến sỹ Jêm Tâuxen, Giám đốc di sản thiên nhiên thế giới, để ông viết một văn bản khoa học, có tên khô khan và Bản xác định tóm tắt, trình trong phiên họp của Hội đồng, với sức thuyết phục thế nào, mà chỉ có 33 phút đã thống nhất tuyệt đối mọi chính kiến và đức tin của 19 nước, về một giá trị còn chìm khuất của loài người, trong đó có câu thơ: “Những núi đá vơi nhô lên từ mặt nước của Vịnh Hạ Long là cảnh độc đáo của tự nhiên, với một sự tuyệt mỹ của thiên nhiên ưu đãi”.

Câu ấy đã có lần hiện lên bằng chữ trắng lớn, trên nền xanh biếc của tấm panô cực to, chiếm hết một phiến tường rộng và cao, của Cung Văn hóa hữu nghị Việt- Nhật, nơi diễn ra rất trọng thể lễ đón nhận bằng DI SẢN THẾ GIỚI trao cho Vịnh Hạ Long, do Tỉnh ủy, UBND tỉnh Quảng Ninh tổ chức.

Trên bản đồ Vịnh Hạ Long, đường ranh giới khoanh vùng và bảo vệ Di sản thế giới, tạo thành một tam giác khổng lờ, mà ba đỉnh là: Đảo Cống Tây ở phía đông, hồ Ba Hầm ở phía nam và hang Đầu Gỗ ở phía tây, rộng chừng 300 km vuông, nơi có nhiều cảnh quan và hang động đẹp nhất, đẹp đến mê hồn, phong phú, đa dạng, kỳ lạ, muôn màu muôn vẻ, hài hòa, độc đáo, đã từ lâu chinh phục cả những du khách khó tính và từng trải nhất, những cái tên thành địa chỉ lưu niệm, bay trong các phong thư đến hầu khắp các quốc gia trên thế giới: hang Đầu Gỗ, động Thiên Cung, hang Trống, động Tiên Nữ, động Tiên Ông, hồ Ba Hầm, vũng Ba Quả Đào, hòn Đại Bàng, hòn Mặt Quỷ, hòn Đũa, núi Bài Thơ…

Phần đệm bao gồm khoảng mặt trước Vịnh và ven bờ, cách đường ranh giới từ 5 đến 7 km, tổng cộng khoảng 800 km vuông, trong số 1.500 km vuông Vịnh Hạ Long được Chính phủ Việt Nam xác định và bảo vệ theo pháp luật.

Những hình hài do đá vôi tạo thành, giống những con vật khổng lồ, khiến ta nghĩ rằng chúng đã sổng ra từ thuở hồng hoang, tụ về đây làm thành một bãi thú rừng ngổn ngang, quẫy đạp ở giữa biển; những vòm cây nhỏ xinh, bám cheo leo vào vách đá núi dựng đứng, còn vương đâu đó trên mặt lá, hương vị thuở lập địa khai thiên; những hang động lung linh huyền ảo như vốn có từ ngày nằm trong các chuyện cổ…

Mỗi cảnh quan và hang động đều lưu giữ một huyền thoại để tồn tại và nuôi dưỡng, vừa thiêng liêng, giản dị, vừa cay đắng, ngọt ngào, do những dân chài sáng tạo ra trong quá trình chém sóng, nuốt gió, vật lộn với dông bão, trong bóng sẫm huyền bí của các ngọn núi ngả xuống mặt nước biển.

Khi Vịnh Hạ Long được khẳng định là có giá trị ngoại hạng của toàn cầu, và việc bảo vệ nó, vì lợi ích của toàn nhân loại, nhân danh toàn nhân loại, câu chuyện sau đây có thể đã thành huyền thoại chăng? Chuyện rằng: cha con nhà khi đưa thuyền ra Vịnh đánh cá nhưng thực chất là phá trộm đá, để bán cho những nhà đang xây móng cao tầng ở ven bờ. Khi chiếc búa của Nêrô – kẻ đốt thành La Mã xưa – bổ xuống, đảo đá toác ra, và cha con y trợn trừng mắt hốt hoảng:

Từ các thớ đá chảy ròng ròng một vết máu đỏ, tươi và nóng như máu người. Do những ám ảnh về thần linh, ông già ngã xuống bất tỉnh, còn gã con thì quỳ xuống để nhìn vết máu chảy trên đá xem hư thực thế nào. Cuối cùng, không tin vào mắt mình, gã phải đưa ngón tay miết vào vết đỏ rồi chấm lên môi xem có vị mặn không. Bất giác quay lại, gã rùng mình nhìn thấy một vết máu cũng đỏ và nóng như thế, ứa ra từ mép ông già tội nghiệp. Lần này thì gã không cần phải nếm…

Hạ Long là Cái Đẹp. Mọi Cái Đẹp đều không có chỗ tận cùng. Bảo vệ Cái Đẹp cũng phải như vậy.

NHÀ THƠ TRẦN NHUẬN MINH(Hạ Long - Những lời đánh giá và ngợi ca - Ban quản lý Vịnh Hạ Long 12 - 2001)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên