16/07/2017 12:09 GMT+7

Hai ngày ở Pháp, Tổng thống Trump thay đổi nhận thức về châu Âu

DANH ĐỨC
DANH ĐỨC

TTO - Tường thuật chuyến công du Pháp 2 ngày của Tổng thống Mỹ Donald Trump, nhật báo Anh The Independent ngày 14-7 chạy tít thâm thúy: “Dân Paris mong rằng chuyến thăm nhân ngày kỷ niệm phá ngục Bastille có thể 'giáo dục' Donald Trump về châu Âu”.

Tổng thống Mỹ Donald Trump (trái) và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron tham dự buổi lễ diễu binh ngày 14-7 trên đại lộ Champs-Élysées, Paris                             - Ảnh: Reuters
Tổng thống Mỹ Donald Trump (trái) và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron tham dự buổi lễ diễu binh ngày 14-7 trên đại lộ Champs-Élysées ở Paris - Ảnh: Reuters

Cũng lạ là một tờ báo nghiêm chỉnh hàng đầu của đất nước mà từ một năm qua đã chọn ra khỏi cộng đồng châu Âu lại đưa một tít “duy châu Âu” như thế!

Lạ lùng là nhận xét “dân Paris mong...” của tờ báo này lại không được dẫn chứng bằng bất cứ số liệu khảo sát nào.

Càng lạ lùng là trong số 8 người dân được trích phát biểu trong bài không một ai là dân Paris và rằng trong số 8 người đó có 2 du khách Mỹ đến từ bang Arkansas, 2 người từ bang Hawaii.

Những người này nói rằng họ hi vọng ông Macron có thể “giáo dục” được người đồng cấp của mình về châu Âu...

Có thể tờ báo Anh đã muốn mượn “dân Paris” để “thay lời muốn nói”.

Trong thực tế, nếu theo dõi cuộc diễu binh sáng 14-7 từ đầu đến cuối hay lễ tiếp ông ở điện Invalides hôm 13-7, sẽ có thể nhận thấy những thực tế mới mà ông Donald Trump vừa nhận ra.

Một nhận chân về sự “khác biệt văn hóa”! Độ lớn hay vĩ đại của một dân tộc không chỉ là sự bề thế hiện tại, mà còn cả trong bề dày lịch sử cùng vốn liếng di sản văn hóa của dân tộc đó.

Ông Macron “cảm ơn Hoa Kỳ vì sự chọn lựa tham chiến cách đây 100 năm, vào năm 1917”. Tất nhiên không đợi ông Macron nhắc, ông Trump mới nhớ đến sự kiện đó.

Trong họp báo chiều hôm trước, ông Trump đã phát biểu: “Hàng vạn người Mỹ đã hiến sinh mạng trong cuộc chiến đấu can trường và đầy khó khăn đó. Những người Pháp và người Mỹ yêu nước đã chiến đấu bên nhau, đã đổ máu và đã cùng chết trong cuộc chiến vì đất nước chúng ta và các nền văn minh của chúng ta”.

Thế nhưng ký ức đến từ một bài phát biểu soạn sẵn khác với ký ức cảm nhận khi nhìn thấy những hiện vật xưa cùng hình ảnh xa xưa, và lá cờ “sao và sọc” khổng lồ được trân trọng chào ở cuối cuộc diễu binh là những cảm nhận hoàn toàn khác.

Nhất là khi những chiếc máy bay F-16 và F-22 của không quân Mỹ ngày hôm nay cũng như số 145 quân nhân Mỹ cùng tham gia diễu binh, thì những cảm nhận đó biến thành những thôi thúc định nghĩa lại khẩu hiệu “Nước Mỹ trên hết”!

100 năm qua, nước Mỹ mà ông Trump nay thừa kế đã làm gì, đứng ở đâu trên trường thế giới, từ nay sẽ như thế nào, làm gì để tiếp tục “Nước Mỹ trên hết”. Những cảnh camera ghi lại hình ảnh ông Trump quay qua chia sẻ sự thích thú, mãn nguyện, trầm trồ với ông Macron hay với phu nhân Melania Trump phản ánh những tâm trạng mới được đánh thức.

Nếu so với hôm 25-5, bên lề thượng đỉnh NATO, khi ông Macron mời “miệng” ông Trump sang dự diễu binh, ông Trump còn chưa buồn trả lời, mãi đến ngày 27-6 mới tỏ vẻ đồng ý qua dự, thì rõ ràng sự hiện diện của ông Trump đã cho thấy ông Macron đã đánh một nước bài “sáng”.

Cuộc diễu binh “tân cổ giao duyên” với sự góp mặt của một số quân nhân châu Âu đang theo học tại một số trường quân sự hàng đầu của Pháp, cũng như số vũ khí, khí tài của quân đội chủ nhà là một câu trả lời có sẵn cho bất cứ ai cứ cho rằng châu Âu sẽ không đứng vững trên đôi chân của mình.

Cảnh ông Trump mấy lần kiên nhẫn ngồi hoặc đứng chờ tổng thống nước chủ nhà chủ sự một số nghi thức, thậm chí bị tướng tổng trấn thủ đô Paris lờ tịt không chào sau khi đã bắt tay lâu lắc ông Macron. Mãi sau khi bị gọi giật trở lại, viên tướng mới quay lại bắt tay chào ông Trump.

Một nhận thức mới vô cùng về hai cực siêu nhỏ và siêu lớn, như theo cách nói của nhà triết học Pascal từ thế kỷ 17. Hai ngày đủ để thức giấc.

Cuộc diễu binh trên bộ bắt đầu với cảnh một chiếc xe tăng còn sót từ Thế chiến thứ nhất chạy song song với một chiếc xe tăng của năm 2017, cùng cảnh các binh sĩ Mỹ ngày nay tái hiện các “sammies” (tên gọi các binh sĩ của chú Sam chiến đấu tại Pháp trong Thế chiến thứ nhất) trên đại lộ Champs Élysées và kết thúc với màn chào quốc kỳ hai nước.
DANH ĐỨC
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên