13/03/2017 13:35 GMT+7

Bóng ma cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung 

HOÀNG DUY LONG
HOÀNG DUY LONG

TTO - Những đe dọa bóng gió về đòn trả đũa thương mại với Trung Quốc đã phát đi từ khi ông Donald Trump bước lên vũ đài chính trị. Nhưng khả năng cuộc chiến thật sự không phải là quá cao.

Ảnh minh họa cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung Quốc - Ảnh: Reuters

Trung Quốc đã chính thức lên tiếng cảnh báo về một cuộc chiến thương mại có thể có giữa nước này và “nước Mỹ trên hết” của Tổng thống Mỹ Donald Trump.

Một mặt khẳng định vị thế nước lớn của mình theo kiểu: khi chiến tranh xảy ra, tôi bươu đầu thì anh cũng mẻ trán; một mặt Bắc Kinh cũng để ngỏ con đường đối thoại kiểu hai bên cùng thắng.

Ra tay trước

Tân Bộ trưởng Thương mại Trung Quốc Chung Sơn, nhân kỳ họp quốc hội đang diễn ra ở Bắc Kinh, đã tuyên bố với nước Mỹ thông qua một cuộc nói chuyện với giới truyền thông hôm 11-3: “Một cuộc chiến thương mại sẽ không có lợi cho cả hai nước hoặc người dân của cả hai nước. Bạn có thể nói là nó chẳng đem lại lợi thế nào cả.

Nhiều người bạn Mỹ và phương Tây nghĩ rằng Trung Quốc không thể sống mà không có Mỹ, nhưng điều đó chỉ đúng phân nửa. Mỹ cũng không thể sống mà không có Trung Quốc”.

“Nguy cơ của bất kỳ động thái bảo hộ thương mại nào từ Mỹ cũng sẽ kích thích những nước khác trả đũa. Việc này kết thúc bằng chuyện tăng trưởng và thương mại của các bên cùng giảm

Lynn Reaser (nhà kinh tế thuộc ĐH Point Loma Nazarene ở California, Mỹ)

Vị lãnh đạo mới của Bộ Thương mại Trung Quốc dùng số liệu để giải thích thêm rằng trong 10 năm qua, tăng trưởng xuất khẩu của Mỹ sang Trung Quốc đã vượt qua tăng trưởng xuất khẩu của Trung Quốc sang Mỹ.

Theo ông, xuất khẩu từ Mỹ sang Trung Quốc tăng trung bình 11% mỗi năm trong một thập niên qua, trong khi xuất khẩu của Trung Quốc đi Mỹ chỉ tăng 6,6% trong cùng giai đoạn.

Trung Quốc còn là nhà nhập khẩu chính các sản phẩm như đậu nành, xe hơi và máy bay từ Mỹ. “Điều này cho thấy Trung Quốc và Mỹ rất quan trọng với nhau” - bộ trưởng thương mại Trung Quốc kết luận.

Ông Chung nói rằng ông mong muốn gặp người đồng nhiệm Wilbur Ross của Mỹ - người mà ông tranh thủ ca ngợi: “Tôi biết ông Ross là một doanh nhân nổi tiếng và là một nhà đàm phán giàu kinh nghiệm, một người xuất sắc. Tôi sẵn sàng làm việc với những người xuất sắc bởi những người xuất sắc biết tính kế lâu dài và có tư duy chiến lược”.

Dĩ nhiên ông Chung đang chờ câu trả lời từ phía chính quyền của ông Trump vốn từng tuyên bố ưu tiên sẽ giải quyết những vấn đề trong giao thương với Trung Quốc, Canada và Mexico, thậm chí gần đây còn tuyên bố có thể bất chấp phán quyết của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) mà Washington xem là can thiệp chủ quyền của Mỹ.

Đòn dằn mặt kiểu Trump

Phải nói rằng về mặt số liệu, từ khi Trung Quốc gia nhập WTO năm 2001, thâm hụt thương mại của Mỹ với Trung Quốc đã tăng từ khoảng 50 tỉ USD lên hơn 365 tỉ vào năm 2015.

Nếu như Tổng thống Bill Clinton từng tỏ ra rất lạc quan về những lợi ích của chuyện Trung Quốc gia nhập sân chơi theo luật của thương mại toàn cầu, thì một số chuyên gia cho rằng việc đó đã khiến 57.000 doanh nghiệp biến mất tại Mỹ, dĩ nhiên gắn với nó là công ăn việc làm.

Thế nhưng ông Pascal Lamy, cựu tổng giám đốc của WTO, từng giải thích như sau: “Nếu chỉ kết tội Trung Quốc là nguyên nhân chính của những thiệt hại cho công nghiệp tại Mỹ thì cũng oan quá.

Ta cần phải thấy rằng Mỹ bị thâm hụt thương mại với toàn bộ khu vực châu Á từ hơn 30 năm qua. Trong nền kinh tế thị trường, Trung Quốc đơn giản là chỉ lợi dụng thế mạnh về nhân công rẻ để trở thành công xưởng toàn cầu”.

Trong khi đó, ông Jean-Marc Siroën, giáo sư kinh tế của Trường Paris Dauphine (Pháp), giải thích thẳng thắn: “Vấn đề chính của Mỹ là sống quá khả năng của mình từ 40 năm qua. Chỉ đến khi nào thâm hụt ngân sách của Mỹ giảm đi và khi người dân Mỹ biết sống tiết kiệm hơn, vấn đề thâm hụt thương mại sẽ cải thiện ngay”.

Cũng có chuyên gia nhận định lạc quan hơn, như cách mà bộ trưởng thương mại Trung Quốc gợi ý: cùng nhau đàm phán.

Bà Chen Fengying, thuộc Viện Quan hệ quốc tế đương đại của Trung Quốc, phân tích: vị tổng thống mới của Mỹ, vốn là một doanh nhân tỉ phú, rất thích chơi trò dọa nạt đối thủ trước khi bước vào đàm phán để lấy lợi thế về tâm lý.

Bà cho rằng khi nền kinh tế Trung Quốc càng lớn mạnh và tiến dần đến việc đe dọa vị trí siêu cường kinh tế của Mỹ, thì các tranh chấp thương mại giữa Washington và Bắc Kinh sẽ càng thường xuyên hơn.

Vị chuyên gia Trung Quốc cho rằng khi hai bên biết tôn trọng nguyên tắc “cân bằng thiệt hơn” thì chắc chắn không có cuộc chiến thương mại thực thụ.

HOÀNG DUY LONG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên