02/11/2016 15:27 GMT+7

Bà Clinton hiểu biết vấn đề, ông Trump hay bị kích động

QUỲNH TRUNG thực hiện
QUỲNH TRUNG thực hiện

TTO - "Trong cuộc bầu cử này chúng ta thấy rõ hai ứng cử viên nói về cá nhân nhiều hơn là về chính sách, có lẽ là bị ảnh hưởng bởi ông Trump khi ông không biết nói về chính sách".

GS Nguyễn Mạnh Hùng - Ảnh: NVCC
GS Nguyễn Mạnh Hùng - Ảnh: NVCC

Đó là nhận định của ông Nguyễn Mạnh Hùng, giáo sư môn chính trị và quan hệ quốc tế của ĐH George Mason, cộng tác viên cấp cao của Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quan hệ quốc tế Hoa Kỳ (CSIS).

Trả lời câu hỏi của Tuổi Trẻ rằng ông sẽ bầu ai, ông Hùng nói: “Chưa bao giờ nước Mỹ có hai ứng cử viên tổng thống bị nhiều người phàn nàn như lần này. Cả bà Hillary Clinton và ông Donald Trump không bị chê cái này thì cũng bị chê cái kia. Dĩ nhiên giữa hai ứng cử viên, tôi sẽ dành lá phiếu cho người ít tệ hơn là bà Clinton, còn ông Trump thì không bao giờ”.

Ở Mỹ, nhiều cử tri bỏ phiếu dựa trên cảm tính chứ không phải dựa vào chính sách. Ví dụ như những người ghét ông Trump thì dồn phiếu cho bà Clinton và ngược lại. Đó cũng chính là mặt trái của dân chủ

* Ông nhận định gì về cục diện bầu cử Mỹ cho đến hiện nay?

- Qua ba cuộc tranh luận, tôi thấy cuộc tranh luận nào bà Clinton cũng thắng, chứng tỏ bà ấy hiểu biết vấn đề. Còn ông Trump, câu trả lời của ông ấy thường không có nội dung gì cả, ông ấy cứ lái sang chuyện khác. Quan trọng là ông ấy hay bị kích động, không có “thái độ thích ứng” để làm tổng thống.

Những cuộc thăm dò bầu cử đáng tin cậy thì chọn bà Clinton và không đáng tin cậy thì chọn ông Trump. Còn nhìn vào bản đồ bầu cử, con đường bà Clinton đi đến 270 phiếu đại cử tri (số phiếu tối thiểu để một ứng cử viên Mỹ đắc cử tổng thống) thì dễ dàng hơn ông Trump nhiều.

Theo tôi, nếu ông Trump không thắng được tại Florida (nắm 29 phiếu đại cử tri) thì ông ấy nắm chắc phần thua.

* Đâu là những điểm mạnh về chính sách của hai ứng cử viên, thưa ông?

- Những người bị thất nghiệp hay những phần tử yếu kém cạnh tranh trong một thế giới toàn cầu hóa, những tiếng nói bất mãn cao thì dành sự ủng hộ hăng say cho ông Trump vì ông ấy có những thông điệp rõ ràng để đại diện cho họ.

Về chính sách ngoại giao, bà Clinton chắc chắn giỏi hơn vì bà ấy từng kinh qua chức ngoại trưởng Hoa Kỳ dưới thời chính quyền Tổng thống Barack Obama cũng như là “cố vấn hậu phương” của chồng bà - cựu tổng thống Bill Clinton. Về chính sách nhập cư, bà ấy nhận được sự ủng hộ nhiều hơn.

Về tự do hóa thương mại, cả hai ứng cử viên đều chống Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP). Tuy nhiên, bà Clinton chống có điều kiện trong khi ông Trump quyết liệt chống không những TPP mà còn cả Hiệp định mậu dịch tự do Bắc Mỹ (NAFTA) vì không muốn người Mỹ mất việc vào tay lao động nước ngoài.

* Có ý kiến cho rằng nếu bà Clinton lên làm tổng thống cũng chỉ là chính sách kéo dài của ông Obama. Ông nghĩ sao?

- Trong lịch sử nước Mỹ, từng có tiền lệ người Cộng hòa làm tổng thống Mỹ ba nhiệm kỳ liên tiếp, chẳng hạn như tổng thống Ronald Reagan (1981-1989) được kế nhiệm bởi một người Cộng hòa khác là George H. W. Bush (1989-1993). Cho nên nếu bà Clinton lên làm tổng thống nghĩa là người của Đảng Dân chủ làm tổng thống ba nhiệm kỳ liên tiếp, cũng không phải là điều quá ngạc nhiên.

Ông Obama là một “chiến sĩ lưỡng lự”, còn bà Clinton thì có tính cách mạnh mẽ và quyết liệt hơn. Bà ấy chính là người đề xuất chính sách xoay trục về châu Á.

Về chính sách chăm sóc y tế, tôi cho rằng nếu đắc cử tổng thống, bà ấy sẽ tiếp tục Obamacare (chương trình bảo hiểm sức khỏe bắt buộc) nhưng sẽ điều chỉnh lại vì Obamacare vẫn đang có nhiều bất cập.

Về chính sách ngoại giao, bà Clinton mạnh mẽ hơn ông Obama. Khi Obama lên làm tổng thống, ông ấy thấy Mỹ bị nhiều người ghét quá nên đưa ra chính sách “reset the button” (cài đặt lại), chẳng hạn như bình thường hóa quan hệ ngoại giao với Cuba, bỏ cấm vận Iran... Nhưng lại thất bại trong việc “reset” quan hệ với Nga. Bà Clinton cũng ủng hộ chính sách này nhưng bà ấy cứng rắn hơn.

Tôi nghĩ nếu đắc cử tổng thống Mỹ, bà ấy sẽ quay lại ủng hộ TPP, hãy cho bà ấy một thời gian. Ngoài ra, bà ấy cũng thể hiện sự cam kết về vấn đề Biển Đông nhưng có một yếu tố chưa biết được chính là yếu tố “Duterte” - tổng thống Philippines.

* Ông nhận định gì về xu hướng bỏ phiếu của người Mỹ gốc Á và gốc Việt?

- Trước đây, người Mỹ gốc Việt có xu hướng bỏ phiếu cho phe Cộng hòa. Nhiều người Việt lớn tuổi muốn bỏ phiếu cho ông Trump vì họ rất ghét bà Clinton.

Nhưng thông tin mới đây cho thấy số người Mỹ gốc Á đang nghiêng về bà Clinton nhiều hơn ông Trump vì có sự tham dự bỏ phiếu của đám trẻ mới lớn lên ở Mỹ.

Người Mỹ gốc Việt cũng vậy, số người ủng hộ bà Clinton sẽ nhiều hơn ông Trump. Những người Việt Nam bên này kỳ vọng tổng thống mới tăng cường mối bang giao Việt - Mỹ.

QUỲNH TRUNG thực hiện
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên