10/03/2016 11:40 GMT+7

Thông điệp quá rõ ràng của ông Vương Nghị

DANH ĐỨC
DANH ĐỨC

TT - Những lấn chiếm, xây dựng, lập sân bay, điều máy bay, tên lửa, rađa... cũng như xua đuổi bằng bạo lực với tàu bè các nước láng giềng của Trung Quốc không hề là những minh thị cho những tuyên bố hữu nghị.

Theo Đài phát thanh quốc tế Trung Quốc, trong họp báo nhân kỳ họp thứ 4 Quốc hội Trung Quốc khóa 12, Bộ trưởng ngoại giao Vương Nghị lên lớp: 

“Trung Quốc không phải là Mỹ, Trung Quốc sẽ không và cũng không thể trở thành một nước Mỹ khác. Trung Quốc không có ý định thay thế hoặc lãnh đạo ai. Đề nghị các bạn Mỹ học tập và lĩnh hội hơn nữa truyền thống văn hóa lịch sử có bề dày 5.000 năm của Trung Quốc, đừng động một tí là phán đoán Trung Quốc bằng tư duy của Mỹ”.

Cũng theo đài này, “ông Vương Nghị cho biết hiện nay quan hệ Trung Quốc - ASEAN đang đứng trên khởi điểm mới, Trung Quốc sẽ tiếp tục thực tiễn quan niệm ngoại giao với các nước xung quanh “thân, thành, huệ, dung” do Chủ tịch Tập Cận Bình đề xuất, kiến tạo cộng đồng cùng chung vận mệnh Trung Quốc - ASEAN gắn bó hơn”.

Có thể nghĩ gì về phát biểu của ông Vương Nghị?

Đầu tiên là về các khuyến cáo của ông Vương Nghị với người Mỹ. Việc “tiếp thu”, nhất là việc “lĩnh hội văn hóa lịch sử 5.000 năm của Trung Quốc”, như thế nào là việc của người Mỹ, nhưng người Việt đã trải qua rất nhiều kinh nghiệm và đã có sẵn một thái độ tiếp thu trong lịch sử:

(1) Nói đến lịch sử Trung Quốc cũng là nói đến lịch sử Việt Nam, một lịch sử chống ngoại xâm từ khởi thủy cho đến tận ngày nay, trong đó có cả một ngàn năm bị Trung Quốc đô hộ. Điều này sử Trung Quốc cũng có chép không sót chi tiết nào, từ cái cột đồng Mã Viện đến các cuộc tấn chiếm Hoàng Sa năm 1974, Gạc Ma năm 1988 và cuộc chiến tranh năm 1979. Thành ra, không thể không đặt dấu hỏi đối với quả quyết của ông Vương Nghị là “Trung Quốc không có ý định thay thế hoặc lãnh đạo ai”.

(2) Về bốn chữ “thân” (thân thiện), “thành” (chân thành), “huệ” (cùng có lợi), “dung” (bao dung độ lượng) đã được đúc kết tại “hội nghị tọa đàm về công tác ngoại giao láng giềng” lần đầu tiên được tổ chức vào tháng 

10-2013, mà nay ông Vương Nghị nhắc lại và cụ thể hóa sách lược đó bằng mệnh đề “Kiến tạo cộng đồng cùng chung vận mệnh Trung Quốc - ASEAN gắn bó hơn”.

Có cần thiết không một chữ “dung” nếu như quan hệ được luôn tâm niệm là bình đẳng, không phân biệt “nước lớn” hay “nước nhỏ”? Phải chăng mặc cảm tự tôn, nay đã là “nước lớn”, đã thôi thúc đề ra “con đường ngoại giao nước lớn đặc sắc Trung Quốc” (từ ngữ của ông Vương Nghị), với thái độ “bề trên khoan dung” bề dưới?

Đến đây không thể không suy nghĩ từ góc độ ASEAN. Mười nước ASEAN, đã chính thức là một cộng đồng chung từ ngày 31-12-2015, cũng mới chỉ bắt đầu làm quen với việc “chung tầm nhìn” như được kê trong khẩu hiệu của ASEAN là “Một tầm nhìn, một bản sắc, một cộng đồng”.

Một minh chứng rõ ràng nhất là tuyên bố của chủ tịch Hội nghị hẹp các bộ trưởng ngoại giao ASEAN ở Vientiane (Lào) hôm 27-2 vừa qua, cũng cho thấy 10 nước ASEAN đâu đã đạt chung tầm nhìn hoàn toàn: “Về vấn đề Biển Đông, các bộ trưởng... ghi nhận các quan ngại được một số bộ trưởng bày tỏ...”.

Vấn đề không chỉ ở ngôn từ mà còn rành rành thể hiện qua hành động. Những lấn chiếm, xây dựng, lập sân bay, điều máy bay, tên lửa, rađa... cũng như những xua đuổi bằng bạo lực với tàu bè các nước láng giềng không hề là những minh thị cho những tuyên bố hữu nghị.

Đó là cách họ thực hiện nhiệm vụ bảo vệ “quyền chủ quyền” như trong kế hoạch 5 năm vừa được người đứng đầu Chính phủ Trung Quốc báo cáo trước quốc hội hôm 5-3!

DANH ĐỨC
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên