26/11/2015 14:44 GMT+7

Thổ Nhĩ Kỳ có vi phạm luật giao tranh?

SƠN HÀ
SƠN HÀ

TTO - Sau vụ không quân Thổ Nhĩ Kỳ bắn rơi máy bay chiến đấu Nga gần biên giới Syria, rất nhiều chuyên gia quốc tế đặt vấn đề chính quyền Ankara có vi phạm luật giao tranh hay không.

Chiếc máy bay Nga bị Thổ Nhĩ Kỳ bắn rơi - Ảnh: Reuters

Trước phản ứng dữ dội của Nga, Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Ahmet Davutoglu khẳng định không quân nước này tuân thủ chính xác luật giao tranh khi bắn rơi máy bay Nga ở biên giới Thổ Nhĩ Kỳ - Syria.

Trên thực tế, Thổ Nhĩ Kỳ đã có một số thay đổi về luật giao tranh sau vụ quân đội Syria bắn rơi chiếc máy bay do thám F-4 của Thổ Nhĩ Kỳ ngày 22-6-2012.

Theo luật giao tranh mới, lực lượng vũ trang Thổ Nhĩ Kỳ “coi mọi phần tử từ Syria tiến vào Thổ Nhĩ Kỳ đều là mối đe dọa của kẻ thù và sẽ bị xử lý thích đáng”.

Quy định của Ankara khá rõ ràng, nếu máy bay nước ngoài bay vào vùng 20km tính từ không phận Thổ Nhĩ Kỳ thì quân đội nước này sẽ phát thông điệp cảnh báo.

Hành xử mạnh tay

Nếu máy bay tiến vào vùng cách không phận Thổ Nhĩ Kỳ 8km thì Ankara sẽ triển khai máy bay chiến đấu F-16 để chặn đầu và tiếp tục gửi thông điệp cảnh báo. Và nếu máy bay nước ngoài xâm phạm không phận Thổ Nhĩ Kỳ thì các chiến đấu cơ F-16 sẽ phóng tên lửa phá hủy nó.

Đây không phải lần đầu tiên Thổ Nhĩ Kỳ mạnh tay với máy bay nước ngoài xâm nhập không phận. Tháng trước, các chiến đấu cơ nước này cũng bắn hạ một chiếc máy bay không người lái khi nó xâm nhập không phận Thổ Nhĩ Kỳ từ Syria.

Các quan chức Mỹ cho rằng đây là máy bay không người lái của Nga nhưng Matxcơva phủ nhận thông tin này.

Trong tháng 10, máy bay chiến đấu Nga từ Syria đã hai lần xâm phạm không phận Thổ Nhĩ Kỳ. Matxcơva thừa nhận cáo buộc này, bao gồm vụ một chiếc máy bay SU-30 bay vào không phận Thổ Nhĩ Kỳ ngày 3-10. Khi đó cả Thổ Nhĩ Kỳ, Mỹ và NATO đều lên tiếng cảnh báo Nga.

Bộ Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ tuyên bố: “Nga sẽ phải chịu trách nhiệm đối với mọi vụ việc ngoài ý muốn có thể xảy ra trong tương lai”.

Mới đây Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Davutoglu khẳng định khi đó phía Nga thừa nhận vụ xâm phạm là “một sai sót” và cam kết “không tái phạm”. “Luật giao tranh của Thổ Nhĩ Kỳ là rất rõ ràng, áp dụng cho mọi máy bay dù là của Syria, Nga hay bất cứ đâu. Chúng tôi sẽ thực hiện những biện pháp cần thiết để đối phó với bất kỳ thứ gì xâm phạm biên giới Thổ Nhĩ Kỳ dù chỉ là một con chim” - ông Davutoglu cảnh báo khi đó.

Lẽ ra nên ép hạ cánh

Dù vậy, CBC News dẫn lời chuyên gia quân sự Canada Stéfanie von Hlatky nhận định Thổ Nhĩ Kỳ đã hành động quá đà. Tất nhiên mọi quốc gia thành viên NATO đều có luật giao tranh riêng, nhưng các quy định chung là khá tương đồng nhau.

Theo đó lẽ ra Thổ Nhĩ Kỳ nên nỗ lực mở kênh liên lạc từ mặt đất với máy bay Nga khi nó bay vào “vùng đệm”.

Trong trường hợp này, “vùng đệm” là khoảng trời trong lãnh thổ Syria, cách không phận Thổ Nhĩ Kỳ 8km. Chuyên gia von Hlatky cho biết nếu máy bay Nga không phản hồi thì lẽ ra Thổ Nhĩ Kỳ chỉ nên triển khai chiến đấu cơ chặn trên không và phát tín hiệu cảnh báo mà phi công Nga có thể nhận ra rõ ràng.

Nếu biện pháp đó cũng không hiệu quả thì lẽ ra máy bay chiến đấu Thổ Nhĩ Kỳ nên ép chiếc máy bay Nga hạ cánh thay vì bắn rơi nó.

Một vấn đề nghiêm trọng nữa là thông tin quân nổi dậy người Turkmen (người Syria gốc Thổ) bắn chết một phi công Nga khi anh ta nhảy dù khỏi chiếc máy bay cháy. Nếu điều đó thật sự xảy ra thì nó đã vi phạm luật Liên Hiệp Quốc quản lý các cuộc xung đột vũ trang.

“Hành động này sẽ dẫn đến những hậu quả chính trị nghiêm trọng” - chuyên gia von Hlatky cảnh báo. 

SƠN HÀ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên