04/02/2015 10:48 GMT+7

​Bộ ba Hi Lạp, EU và Nga

DANH ĐỨC
DANH ĐỨC

TT - Thứ năm tuần qua, một lần nữa Hi Lạp lên tiếng phản đối việc Liên minh châu Âu (EU) trừng phạt Nga.

Dòng chữ chống Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) tại thủ đô Athens của Hi Lạp - Ảnh: Reuters
Dòng chữ chống Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) tại thủ đô Athens của Hi Lạp - Ảnh: Reuters

Kết quả cuối cùng là sẽ không có biện pháp trừng phạt mới thêm với Nga và gói trừng phạt hiện nay sẽ chỉ kéo dài tới tháng 9 thay vì đến cuối năm 2015! Ngay hôm sau, Bộ trưởng Tài chính Nga Anton Siluanov đáp lời lại trên truyền hình Mỹ CNBC rằng Nga sẽ xem xét cứu nợ Hi Lạp nếu Hi Lạp yêu cầu.

Điều đó có vẻ đã giúp làm bàn đạp để Hi Lạp “mặc cả” với EU, dù hôm qua Thủ tướng Hi Lạp Alexis Tsipras nhanh chóng bác bỏ chuyện nhờ đến Nga. Trên Thông tấn xã Hi Lạp Athens News Agency hôm 1-2, tân Ngoại trưởng Nikos Kotzias phát biểu ngay rằng EU cần ngưng các bước “nóng sốt” chống Nga, suy nghĩ lại một cách lâu dài xem mình muốn làm gì với Nga, làm sao ổn định tình hình khu vực để có hành động tương thích.

Ông cũng quả quyết Hi Lạp đoàn kết với “xã hội Ukraine” (chớ không với chính quyền Kiev) và Hi Lạp muốn kiến tạo hòa bình cho Ukraine, đồng thời giảng hòa Nga với EU.

Ông nhấn mạnh: “Hi Lạp không thể nghiêng về phe nào, cũng không từ bỏ các quan hệ lịch sử với Nga”. Ông đoan chắc: “Ngay cả những đối tác của chúng tôi, những người không muốn cắt đứt với Nga, cũng đã nhìn chúng tôi một cách đồng cảm, một số còn ẩn sau chúng tôi”.

Có thể hiểu ý sau cùng này của ngoại trưởng Hi Lạp qua nội dung cuộc họp báo chung giữa hai bộ trưởng tài chính Hi Lạp và Pháp là Yanis Varoufakis và Michel Sapin tại Paris tối chủ nhật. Pháp là địa chỉ đến đầu tiên của ông này kể từ khi nhậm chức hôm thứ ba tuần rồi do lẽ trong khối EU, Pháp là nước tỏ ra thông cảm với Hi Lạp, chứ không gay gắt như Đức (chủ nợ chính) và dẫu sao cũng đang muốn là bạn hàng nghiêm chỉnh giao hàng cho Nga (hai tàu đổ bộ, chở trực thăng lớp Mistral)!

Ông đến Paris để phát đi thông điệp: Hi Lạp “như một con nghiện đang cần năm năm để cai nghiện”. Bộ trưởng Varoufakis nói thẳng cần một quãng thời gian và không gian để “thở”, cần khoan “nói năng” gì về gánh nợ của Hi Lạp tới cuối tháng 2 này.

Chính phủ mới của Hi Lạp muốn trình bày xong các kế hoạch cải cách trong góc độ nhân bản với dân chúng Hi Lạp hơn, một “khế ước xã hội” mới, rồi mới bắt đầu nói chuyện nợ với Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) vào cuối tháng 5 khi đáo hạn trái phiếu của ECB.

Bộ trưởng Tài chính Pháp Sapin cũng hòa giọng rằng Pháp sẵn sàng “đợi” tân Chính phủ Hi Lạp bài binh bố trận xong, miễn là Hi Lạp vẫn ở trong khu vực đồng euro, khôi phục được tăng trưởng (giảm 25% GDP trong năm ngoái) qua đầu tư của nước ngoài, tăng hiệu quả hành thu thuế vụ mà Pháp sẽ có thể cử chuyên gia thuế sang giúp.

Hi Lạp không đồng lòng trừng phạt Nga và gần gũi Nga hơn là điều dễ hiểu về mặt địa lý, từ đó dẫn đến quan hệ kinh tế Hi Lạp - Nga gắn bó hơn, và rồi trừng phạt kinh tế Nga cũng chính là trừng phạt kinh tế Hi Lạp.

Tháng 8 năm ngoái, khi Nga ra lệnh cấm nhập khẩu thực phẩm từ EU thì cũng là chấm dứt việc xuất khẩu nông sản Hi Lạp sang Nga. Cùng với việc giảm du khách Nga tới Hi Lạp vốn đang góp đến 16% GDP của Hi Lạp và đạt 1,34 tỉ euro năm 2013, hệ lụy của cấm vận đã “gặm” nhiều vào tổng kim ngạch thương mại Hi Lạp - Nga lên đến 5,7 tỉ euro năm 2013.

Các lệnh trừng phạt Nga cũng đã cản trở việc Tập đoàn khí đốt Nga Gazprom mua lại một phần Công ty khí đốt quốc doanh Depa của Hi Lạp với giá 900 triệu euro - một món tiền lớn mà các chính phủ châu Âu đều đang mong thu hút được từ các nhà đầu tư nước ngoài.

Coi như nguy cơ “cắt cầu” giữa Hi Lạp và EU đã qua đi... Ngay cả Tổng thống Mỹ Barack Obama cũng đã khuyên tránh tạo ra một khủng hoảng tan vỡ giữa EU - Hi Lạp. Chưa kể chuyến công du mấy ngày nay của các chính khách Hi Lạp có vẻ đang được lòng một số quốc gia.

Thế còn chuyện Hi Lạp giảng hòa EU với Nga? Sau gần một năm xung đột từ sau vụ bán đảo Crimea, bất chấp sức ép trừng phạt và nền kinh tế Nga có lung lay, việc tình hình cứ căng ở miền đông Ukraine phản ánh thái độ không suy suyển của ông Putin. Không lẽ cứ để tình hình leo thang? Phải có một lối ra thôi...

DANH ĐỨC
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên