16/01/2015 10:52 GMT+7

​Rớt hạng là lo

DANH ĐỨC
DANH ĐỨC

TT - Bài diễn văn của Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long tại hội nghị “Sự liêm chính trong công vụ” hôm 13-1 không hề là những lời sáo rỗng, nói cho lấy có ở một đất nước luôn mạnh tay với hối lộ, tham nhũng.

Doanh nhân Singapore Ding Si Yang (giữa) từng ra tòa giữa năm 2013 vì tội liên quan hối lộ, tham nhũng - Ảnh: AFP
Doanh nhân Singapore Ding Si Yang (giữa) từng ra tòa giữa năm 2013 vì tội liên quan hối lộ, tham nhũng - Ảnh: AFP

Ở một đất nước mà bộ máy công chức làm việc đầy tinh thần trách nhiệm thì những quở trách của thủ tướng họ Lý quả là rát mặt: “Chúng ta theo dõi rất sát sao các xếp hạng quốc tế đánh giá chúng ta về nạn tham nhũng, về tính công khai, về phẩm chất của chính phủ. Năm này qua năm khác. Chúng ta báo cáo lại với dân chúng. Năm nay, chúng ta đã tuột hai hạng trên bảng cảm nhận tham nhũng của Tổ chức Minh bạch quốc tế, từ hạng 5 xuống hạng 7”.

Để thật sự chống tham nhũng, trước hết giới lãnh đạo cần phải lĩnh xướng, tiếp tục lĩnh xướng từ trên xuống dưới và hành động thật liêm chính
Thủ tướng Singapore LÝ HIỂN LONG

Việc bị tuột mất hai hạng đủ để khiến Nhà nước Singapore tìm cách tự soi mình chứ không tìm cách thoái thác, bác bỏ hay đổ thừa... Ông Lý cũng nhìn nhận rằng “tham nhũng là một vấn đề ở rất nhiều nước”, như ở Mỹ, Trung Quốc, Đông Nam Á. Theo ông, tham nhũng như một nạn dịch, một chứng ung thư, thậm chí là hiển nhiên đối với nhà đầu tư, với bất cứ ai muốn làm ăn.

Nhìn nhận sự thể chung như thế không để tự bào chữa hay tự an ủi mà để tự buộc mình phải tạo ra sự khác biệt, và theo ông, “trước hết giới lãnh đạo cần phải lĩnh xướng, tiếp tục lĩnh xướng từ trên xuống dưới và hành động thật liêm chính”.

Ông bảo hồi mới dựng nước, ở Singapore cũng tham nhũng, song “Đảng Nhân dân hành động (PAP) đã khởi sự như thế... Chúng ta đã tự đặt mình vào trong luật pháp của đất nước. Không hề có bộ luật khác nào cho đảng viên hay cho công chức - tất cả đều cùng chung luật pháp Singapore. Khi phát hiện điều gì sai trái, chúng ta không ngần ngại ra tay. Thỉnh thoảng, gặp phải bộ trưởng gây rắc rối, chính phủ ra tay”.

Ngày xưa đã là thế, bây giờ cũng thế: “Khi có người lạc lối, phải kéo họ trở lại, đặt họ ngay thẳng trở lại, và nếu cần thiết, báo cáo và hình phạt phải tiếp theo”.

Ngày nay càng phải hơn xưa: “Liêm chính không chỉ là một giá trị của bộ máy công vụ... mà là bất kể một tổ chức công hay một tổ chức tư nhân hay một tổ chức công tư. Các hội đồng (nhân dân) địa phương cũng chung các tiêu chuẩn thanh liêm và lương thiện như vậy”. Chi tiết sau cùng này không xa lạ với những nước mà các nghị viên hội đồng có quyền can thiệp...

Thủ tướng Lý nhắc lại khế ước xã hội giữa dân chúng và nhà nước: “Do lẽ quý vị đang có những trách nhiệm quan trọng đến như thế mà công chúng buộc phải có thể tin tưởng quý vị. Tin tưởng quý vị về điều gì? Tin tưởng rằng quý vị không làm gì để thu lợi cá nhân mà vì lợi ích quốc gia. Tin tưởng rằng quý vị có thể và sẽ làm tròn công việc của quý vị. Một khi công chúng tin tưởng quý vị rồi, quý vị có nhiệm vụ và trách nhiệm cố gắng hết mình để bảo tồn niềm tin của công chúng”.

Đến đây, ông nhắc nhở vai trò của mỗi công chức: “Quyết định gì cũng tác động đến cuộc sống của nhiều người. Hoạch định chính sách sẽ tác động hàng loạt cuộc sống cùng lúc. Còn thực thi chính sách, đối diện với từng người dân thì tác động đến người ấy. Vấn đề càng đặt ra lớn lao với những công chức nào đang quản lý các dự án trị giá hàng tỉ đôla: công chúng buộc phải tin rằng các công chức ấy đang hành động một cách sòng phẳng và khách quan trong mọi giao dịch với bất cứ ai, không ác ý mà cũng chẳng thiên vị ai”.

Cuối cùng ông yêu cầu tăng cường hiệu quả cơ quan bài trừ tham nhũng bằng cách tận dụng tối đa xử lý các dữ liệu đã được tin học hóa, kiểm tra thường xuyên để phát hiện các sai trái và đưa ra trước pháp luật.

Đó là một nhiệm vụ khả thi trong một xã hội mà mọi chi trả, thanh toán đều qua ngân hàng, mọi chuyển nhượng, mua sắm đều được trước bạ bởi một hệ thống tin học, nên chẳng cần tự kê khai tài sản hay không cũng đương nhiên lòi ra.

Đây chẳng phải là một đặc sắc riêng gì của Singapore, mà các nước phát triển đều cũng như thế, và cùng chung những đạo luật công bố tài sản, không việc gì phải giấu giếm. Bởi thế mới có chuyện một “sếp” cục trưởng kỹ thuật của cơ quan bài trừ tham nhũng Singapore xộ khám vì tội thụt két. Vụ việc bị lộ ra vì những khoản tiền rút ra từ ngân hàng đem nướng tại casino ở Singapore!

Ở những nước ấy, không thể khơi khơi mua xe đắt tiền cho con chứ đừng nói là sắm các căn hộ triệu đô! Tin học hóa đồng nghĩa với tập trung dữ liệu và công khai những gì cần công khai.

DANH ĐỨC
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên