17/11/2015 09:36 GMT+7

Sau khủng bố ở Paris, cuộc sống vẫn diễn ra bình thường

PHƯƠNG THÙY (Từ Brussels)
PHƯƠNG THÙY (Từ Brussels)

TT - Bỉ cũng là một tâm điểm của cuộc điều tra liên quan cuộc khủng bố khủng khiếp tại Paris khi có những người Bỉ tham gia trực tiếp hoặc gián tiếp vào việc này. Người Việt ở đây đang nghĩ gì?

Người dân mua bán sáng 15-11 ở khu chợ thuộc quận Molenbeek, nơi cảnh sát đã bắt giữ những nghi can khủng bố tại Paris - Ảnh: Reuters
Người dân mua bán sáng 15-11 ở khu chợ thuộc quận Molenbeek, nơi cảnh sát đã bắt giữ những nghi can khủng bố tại Paris - Ảnh: Reuters

“Ở đâu cũng có mối nguy hiểm cả. Nếu mình cứ lo sợ thì sẽ không có cuộc sống bình an.

Chị Ngọc Diệp (người Việt sinh sống ở Bỉ 15 năm)

Cách Paris 320km về phía bắc, thủ đô Brussels vẫn nhộn nhịp như lệ thường với nhiều người ra ngoài mua sắm, ăn uống ở khu vực trung tâm vào cuối tuần. Chỉ có khác là cảnh sát và xe tuần xuất hiện dày đặc hơn ở các điểm công cộng, những con đường lớn, trạm chờ xe buýt, metro…

Theo điều tra gần đây, một số kẻ khủng bố ở Paris từng sống ở Brussels, nơi chúng mua súng và xe hơi chuẩn bị cho cuộc tấn công. Thế nhưng, có lẽ với tâm lý “nơi nguy hiểm nhất là nơi an toàn nhất” nên nhiều người Việt Nam và người dân địa phương Bỉ cũng chẳng mảy may lo lắng.

“Nếu những kẻ khủng bố chọn Brussels là nơi trú ẩn thì có lẽ Brussels là nơi an toàn nhất châu Âu”, một sinh viên tên Tuấn bình luận trong nhóm mạng xã hội dành cho sinh viên Việt Nam tại Brussels.

Có lẽ cùng suy nghĩ đó, chị Ngọc Diệp, hiện sống ở Bỉ 15 năm, chủ nhật vừa rồi đã dắt các con đi sinh hoạt hội trại ở quận Molenbeek, nơi ba nghi phạm có liên quan đến cuộc khủng bố Paris vừa bị bắt.

Chị cho biết các con trai chị còn thích thú khi gặp nhiều cảnh sát trên tàu điện ngầm. Khi đến nơi, nhiều phụ huynh khác cũng dắt con đến chơi, mọi người đều rất vô tư, không lo lắng gì cả.

“Ở đâu cũng có mối nguy hiểm cả. Nếu mình cứ lo sợ thì sẽ không có cuộc sống bình an”, chị chia sẻ.

Tuy nhiên, chị vẫn bày tỏ lòng cảm thông với các nạn nhân bị nạn. “Ngày mai (16-11), tôi cùng các đồng nghiệp ở cơ quan sẽ dành vài phút tưởng niệm các nạn nhân vụ khủng bố ở Paris”, chị Diệp cho biết.

Còn Hoàng Thiện, du học sinh ngành kinh tế, cho biết anh và bạn bè cùng trường vẫn hẹn hò nhau đi chơi ở trung tâm Brussels dù đã biết về thông tin khủng bố.

Lo lắng nhất có lẽ là những người lớn tuổi như bố mẹ anh. Khi biết anh muốn mua vé về Việt Nam dịp tết, bố mẹ anh hỏi: “Con sẽ không bay từ Paris đấy chứ?”.

Anh cho rằng tâm lý mọi người thường lo lắng khi điều xấu xảy ra ở cự ly gần. “Ở Libăng cùng ngày cũng có vụ đánh bom làm khoảng 80 người thiệt mạng, thế nhưng báo đài châu Âu lại ít nhắc đến. Có lẽ vì Paris gần và là một biểu tượng của châu Âu nên mọi người bị ám ảnh bởi vụ khủng bố này nhiều hơn”, anh chia sẻ.

Khi được hỏi về mong mỏi với chính quyền để giảm khủng bố, Thiện cho biết: “Tôi hi vọng chính quyền các nước châu Âu sẽ thiết lập một cơ quan tình báo nhằm ngăn chặn nguy cơ khủng bố. Tuy nhiên, bảo đảm an ninh sao cho không xâm nhập vào thông tin cá nhân như vụ Cơ quan An ninh quốc gia (NSA) ở Mỹ vẫn còn là bài toán nan giải đối với các nhà chức trách”.

 

PHƯƠNG THÙY (Từ Brussels)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên