21/08/2011 08:10 GMT+7

Người Việt ở Yokohama

PHẠM THỊ THU THỦY
PHẠM THỊ THU THỦY

TT - Đứng chung với những cái tên “khủng” trong làng nghệ thuật đương đại thế giới và Nhật Bản như Yoko Ono, Damien Hirst, Araki Nobuyoshi..., tại Yokohama Triennale 2011 - một trong những sự kiện mỹ thuật đương đại lớn hàng đầu ở Nhật và châu Á - có duy nhất một nghệ sĩ đến từ TP.HCM (Việt Nam): Jun Nguyễn Hatsushiba.

sCvWslQz.jpgPhóng to
223 bông hoa anh đào được tạo ra bằng máy định vị GPS theo bước chân của những người tham gia cuộc chạy “Cho hạnh phúc và sự bình yên trở lại”
ODhLAFBF.jpgPhóng to
Jun Nguyễn chạy trên những con đường đổ nát sau thảm họa ở Sendai
kPk9nXVc.jpgPhóng to
Chạy ở TP.HCM...
af1IzDvN.jpgPhóng to
...Và chạy trên những đường phố nước Nhật

Cha người Việt, mẹ người Nhật - đấy là lý do của cái tên nửa Việt, nửa Nhật. Sinh ra tại Nhật, lớn lên tại Mỹ, lấy vợ (Việt Nam), sinh con và làm nghệ thuật tại TP.HCM, Jun Nguyễn từng thú nhận: “Tôi không phải một người Việt Nam 100%. Khi tôi sang Nhật, người Nhật bảo tôi không phải người Nhật. Tôi qua Mỹ, không ai nói tôi người Mỹ. Còn ở TP.HCM, nếu tôi không nói thì mọi người tưởng tôi là người Việt, nhưng tôi mà nói thì người ta biết ngay, tiếng Việt của tôi còn dở quá. Trước đây tôi từng có mong muốn trở thành người của nơi tôi đến, sang Nhật để muốn thành người Nhật 100%, sang Mỹ muốn thành người Mỹ 100%, đến khi về Việt Nam cũng vậy, bởi vì tôi muốn hiểu được cuộc sống như chính những người ở đó đang sống. Giờ tôi biết là tôi không thể... Tôi sẽ không bao giờ trở thành một người Việt 100%. Nhưng tôi không còn băn khoăn về điều này nữa. Điều ấy không ngăn cản tôi làm nghệ thuật cũng như không thể ngăn cản tôi hiểu đời sống Việt Nam...”.

Còn với giới nghệ thuật đương đại thế giới, Jun Nguyễn đến từ Việt Nam, nhưng là nghệ sĩ Việt Nam với những tác phẩm nghệ thuật có sức ảnh hưởng ở tầm quốc tế. Năm 2003, Jun Nguyễn Hatsushiba cùng Lê Quang Đỉnh (một nghệ sĩ gốc Việt khác ở TP.HCM) trở thành hai nghệ sĩ gốc Việt đầu tiên được mời tham dự Venice Biennale lần 50, triển lãm mỹ thuật quốc tế lâu đời nhất thế giới và cũng là một trong những sự kiện quan trọng nhất của giới mỹ thuật toàn cầu.

Ngoài bốn tác phẩm video art mang tới Venice Biennale lúc ấy, Jun Nguyễn còn mang theo một lá cờ đỏ sao vàng, treo nó trước cửa vào gian trưng bày tác phẩm của anh. Năm nay tại Yokohama Triennale 2011, Jun Nguyễn không cần mang theo lá cờ nào cả. Trong tờ gấp chính thức giới thiệu triển lãm, lá cờ đỏ sao vàng và hai chữ Việt Nam được gắn trang trọng với tên tác phẩm của anh - Breathing is free: Japan, hopes & recovery 1.789km (tạm dịch: Thở là tự do: nước Nhật, những hi vọng và sự hồi phục, 1.789km). Tác phẩm video art là một dự án mang tên Japan hopes & recovery, lần đầu tiên ra mắt tại Yokohama Triennale 2011 đã khiến nhiều người xem cảm động rơi nước mắt.

Ngày 11-3-2011, trận động đất và cơn sóng thần lịch sử xảy ra ở thành phố Sendai, miền đông bắc Nhật Bản. Ngày 15-3, ở TP.HCM, Jun Nguyễn bắt đầu dự án “Chạy vì nước Nhật”. 20 tuần sau thảm họa nói trên, từ những bước chạy đầu tiên của Jun Nguyễn, dự án đã lôi cuốn được 173 người tham gia, trong đó có 20 người Việt Nam, 153 người Nhật.

Video clip ghi lại những hình ảnh trên đường, nơi họ chạy qua: những đường phố, những con hẻm ở TP.HCM trong nhịp sống lao động thường ngày; những con phố đổ nát, hoang tàn ở Sendai sau thảm họa... - tất cả đều là những hình ảnh của sự sống và con người trên cùng một mặt đất. Họ sử dụng máy định vị GPS đánh dấu đường chạy trên bản đồ để tạo nên những bông hoa anh đào. 223 bông hoa anh đào được tạo ra trên bản đồ theo bước chân và quãng đường 1.789km của những người đã “Chạy vì nước Nhật”, làm thành một cây sakura tuyệt đẹp trong “chương cuối” khá bất ngờ và tràn ngập xúc cảm của tác phẩm.

“Tháng ba là mùa xuân, cũng là mùa hoa anh đào ở Nhật. Mùa xuân năm nay thảm họa động đất và sóng thần đã cướp đi mùa hoa anh đào của người dân ở thành phố Sendai. Với tác phẩm này, chúng tôi muốn mang hoa anh đào đến cho những người dân Nhật không được thấy hoa anh đào mùa xuân này. Câu hỏi thôi thúc tôi khi bắt tay vào dự án là: Tôi có thể làm gì? Cái tôi muốn làm là mọi người có thể làm một điều gì đó, ở bất cứ đâu, cho hạnh phúc và sự bình yên trở lại” - Jun Nguyễn tâm sự về tác phẩm của mình.

Rất đông người Nhật đã đứng lặng trước tác phẩm của Jun Nguyễn. Một phụ nữ Nhật Bản, khi biết anh là tác giả của video art này, chờ tới khi Jun Nguyễn kết thúc trả lời phỏng vấn một tờ báo Nhật để tới tận nơi gập người nói lời cảm ơn anh.

Vượt qua sự thối rữa

Diễn ra chỉ không đầy năm tháng sau thảm họa Sendai ở chính thành phố mà 88 năm trước cũng từng bị phá hủy bởi trận động đất Kanto kinh hoàng, triển lãm nghệ thuật quốc tế Yokohama Triennale 2011 (tại thành phố biển Yokohama từ ngày 6-8 đến 6-11-2011) mang theo một thông điệp thời sự và đầy thách thức: Thời khắc kỳ diệu của chúng ta: Chúng ta có thể hiểu bao nhiêu về thế giới? (Our magic hour: How much of the world we can know?). Hiển hiện hoặc ẩn hiện trong mỗi tác phẩm của 78 nghệ sĩ đến từ khắp nơi trên thế giới là sự mong manh, sự hoang mang, sự dò hỏi về thế giới và con người.

Có một sự trùng hợp thú vị. Ngay trước cửa Bảo tàng Nghệ thuật Yokohama, một trong hai điểm chính diễn ra cuộc triển lãm, là tác phẩm sắp đặt của nghệ sĩ Shimabuku (Nhật Bản) sinh năm 1969, hiện sống và làm việc tại Berlin (Đức), đặt trước người xem một câu hỏi: Can we make ham? (tạm dịch: Chúng ta có thể làm thịt xông khói?). Liệu có thể làm thịt xông khói ở Yokohama trong những ngày hè nóng nực và ẩm thấp như thế này (ai đã tới Nhật Bản mùa hè, tháng 7 và 8, sẽ hiểu được cái nóng và ẩm ghê gớm ở đây như thế nào)? Với cái nóng và ẩm này, tảng thịt tươi sẽ nhanh chóng chuyển sang trạng thái thối rữa. Nhưng một tảng thịt muốn trở thành thịt xông khói phải vượt qua quá trình thối rữa ấy.

Trong thảm họa động đất và sóng thần ở Nhật Bản vừa qua, chúng ta, cả thế giới và tương lai của chúng ta, có thể vượt qua sự đổ nát và xây dựng lại giống như món thịt hun khói vượt qua sự thối rữa để trở thành một món ăn ngon? Chúng ta có thể làm được điều đó không? - Đấy là câu hỏi của Shimabuku. Còn ở tòa nhà BankART Studio NYK, không gian triển lãm thứ hai của Yokohama Triennale 2011, Jun Nguyễn đã có câu trả lời của anh: Hãy làm một điều gì đó có thể... Shimabuku có thể làm thịt xông khói giữa cái nóng ẩm điên người của Yokohama những ngày tháng 8.

Và Jun Nguyễn cùng những người bạn của anh ở hai đất nước Việt Nam - Nhật Bản thì đã làm một cây hoa anh đào tuyệt đẹp nở hoa cũng giữa những ngày tháng 8. Thật sự là một thời khắc kỳ diệu, đúng như chủ đề của cuộc triển lãm.

PHẠM THỊ THU THỦY
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên