14/11/2009 05:40 GMT+7

Nữ chuyên gia tài năng của Tập đoàn Texas Instruments (Mỹ)

TRUNG KIÊN
TRUNG KIÊN

TT - Trong lịch sử 79 năm hoạt động của Tập đoàn Texas Instruments (Mỹ), tập đoàn hàng đầu thế giới về thiết kế bộ nhớ máy tính và sản xuất thiết bị bán dẫn silicon, có năm người được bầu làm senior fellow - vị trí chuyên gia xuất sắc nhất, tương đương với phó chủ tịch tập đoàn. Chị Lê Duy Loan là phụ nữ duy nhất và cũng là người trẻ tuổi nhất (36 tuổi) khi được bầu vào vị trí này.

Tài trí Việt

Nữ chuyên gia tài năng của Tập đoàn Texas Instruments (Mỹ)

TT - Trong lịch sử 79 năm hoạt động của Tập đoàn Texas Instruments (Mỹ), tập đoàn hàng đầu thế giới về thiết kế bộ nhớ máy tính và sản xuất thiết bị bán dẫn silicon, có năm người được bầu làm senior fellow - vị trí chuyên gia xuất sắc nhất, tương đương với phó chủ tịch tập đoàn. Chị Lê Duy Loan là phụ nữ duy nhất và cũng là người trẻ tuổi nhất (36 tuổi) khi được bầu vào vị trí này.

Ở tuổi 43, nữ thạc sĩ Lê Duy Loan được giới công nghệ thông tin tôn vinh là “tài năng học thuật” vì có nhiều sáng chế trong lĩnh vực xử lý tín hiệu số DSP và analog.

ImageView.aspx?ThumbnailID=375068

Thạc sĩ Lê Duy Loan (trái) hướng dẫn sinh viên khoa công nghệ (ĐH Cần Thơ) khai thác tính năng vượt trội của bộ vi điều khiển MSP 430 tặng khoa vào ngày 4-11 - Ảnh: TRUNG KIÊN

Năm 2002, người phụ nữ mảnh mai này cùng bạn bè thành lập Tổ chức Sunflower Mission, một tổ chức từ thiện phi chính phủ, đến nay đã thu hút 200 thành viên, đóng góp xây dựng trên 100 phòng học tại các huyện vùng sâu của các tỉnh Kiên Giang, An Giang, Đồng Tháp, Bến Tre, Phú Yên. Tâm huyết của chị là giúp thế hệ trẻ VN vươn lên bằng tri thức.

Cuộc đời phấn đấu của chị là những câu chuyện đầy hấp dẫn.

Học hành: “Tôi đến Mỹ lúc 12 tuổi, tiếng Anh một chữ bẻ đôi không biết, lại thiếu chỗ dựa của người cha vì cha tôi ở lại Sài Gòn. Khi chia tay, cha tôi có dặn: dù bất kỳ hoàn cảnh nào, dù khó khăn đến đâu con cũng phải ráng học, phải làm cho người ngoại quốc kính trọng mình”. Tôi đã nỗ lực học tập và vượt qua biết bao khó khăn. Nhờ năng khiếu vượt trội về toán, tôi được học nhảy ba cấp lớp.

Năm 16 tuổi tôi đã tốt nghiệp trung học hạng tối ưu. Ba năm sau tôi tốt nghiệp hạng xuất sắc ngành kỹ sư điện tại Đại học Texas và khởi nghiệp với vị trí kỹ sư thiết kế thanh DRAM tại Tập đoàn Texas Instruments. Hiện nay, nhiều người làm việc dưới quyền tôi đều có học vị tiến sĩ. Ý tôi muốn nói với các bạn là dù ở bất kỳ nơi đâu, người có tài và có tâm đều được trọng dụng”.

Học và làm: “Ở đâu cũng vậy, nhà trường chỉ dạy những kiến thức cơ bản, quyết định sự thành công là chính bản thân của từng người. Theo tôi, nếu người có tài mà đặt mục tiêu làm việc để có tiền bạc, quyền cao chức trọng thì cuộc sống dễ rơi vào trạng thái căng thẳng, dễ buông xuôi nếu chẳng may gặp thất bại.

Kinh nghiệm của tôi là làm việc bằng lòng đam mê, “nhất nghệ tinh, nhất thân vinh”, sự đam mê nghề nghiệp đã giúp tôi vượt qua biết bao khó khăn, giúp tôi thành công một cách tự nhiên và bền vững”.

Cuộc sống gia đình: “Một ngày tôi ngủ nhiều nhất chỉ khoảng bốn giờ. Tôi không có thời gian làm việc nhà nhưng luôn về nhà trước lúc hai con đi ngủ (vợ chồng chị có hai con trai 16 tuổi và 6 tuổi). Với trái tim của người mẹ, tôi chỉ chơi đùa với con chừng mươi phút là đã nắm bắt được tâm tư, tình cảm của chúng. Tôi dạy con tính tự lập của người phương Tây và đạo lý nhân, lễ, nghĩa, trí, tín của người phương Đông.

Cả hai con tôi đều thạo tiếng Việt, bữa ăn gia đình tôi đều dùng món ăn của người Việt. Khi Quý Dân, con trai đầu, được 12 tuổi, tôi đã cho con theo đoàn Việt kiều về quê hương làm từ thiện. Đây là lần đầu tiên con tôi về VN mà không có cha mẹ theo cùng.

Khi trở về Mỹ, con kể: “Ở VN, nhiều bạn bằng tuổi con cơm ăn chưa đủ no mà học thật giỏi. Con sẽ ráng học thật giỏi để làm có nhiều tiền mang về nước giúp người nghèo”. Nghe con nói, vợ chồng tôi mừng đến chảy nước mắt vì chúng tôi đã giáo dục con cái được tình yêu dân tộc”.

Ước nguyện cho quê hương: “Tập đoàn Texas Instruments rất thực tế, họ đang có chương trình hợp tác giáo dục và thương mại mở rộng thị trường thiết bị tự động hóa sang các nước Đông Nam Á. Theo đó, tôi thực hiện dự án Bringing Technology Back Vietnam (mang công nghệ trở về VN).

Để đón đầu dự án phải tạo điều kiện thúc đẩy sinh viên nước mình giỏi tiếng Anh, học tập trên các tài liệu bằng tiếng Anh thì mới hi vọng đuổi kịp các nước có nền công nghệ phát triển như Ấn Độ, Hàn Quốc”.

TRUNG KIÊN

TRUNG KIÊN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên