24/01/2009 06:40 GMT+7

Cắm cờ Việt Nam ở Nam Cực

HÀM CHÂU
HÀM CHÂU

TTXuân - Tiến sĩ Nguyễn Trọng Hiền - nhà nghiên cứu của Cơ quan Hàng không - vũ trụ Mỹ (NASA) - đã ba lần đến châu Nam Cực khảo sát. Trong lần thứ hai, tháng 9-1994 anh đã cắm lá cờ đỏ sao vàng tại châu Nam Cực, gần trục quay của Trái đất.

nDLmI97K.jpgPhóng to
Tiến sĩ Nguyễn Trọng Hiền đứng trước hàng quốc kỳ ở Nam Cực, trong đó có quốc kỳ Việt Nam do anh cắm - Ảnh: Robert Lutes

Nguyễn Trọng Hiền sinh năm 1963 tại Đà Nẵng. Sau khi tốt nghiệp THPT, anh sang Mỹ định cư khi vừa tròn 18 tuổi. Vượt qua những khó khăn của rào cản ngôn ngữ, là học sinh giỏi toán - lý, anh mạnh dạn thi vào khoa vật lý Đại học Berkeley.

Luôn hướng về quê hương

"Nam Cực vắng lặng kinh người! Có những ngày chan chứa muộn phiền, tôi giải khuây bằng cách nghĩ về cái kính viễn vọng mà tôi và anh em trong nước hứa cùng nhau thiết lập”

Tốt nghiệp cử nhân tại Ber keley, Nguyễn Trọng Hiền không ngần ngại tiếp tục đăng ký làm luận án tiến sĩ tại Đại học Princeton. Lĩnh vực chuyên sâu mà anh theo đuổi là bức xạ phông vũ trụ (cosmic background radiation). Trong mấy năm học sau tiến sĩ (post-doctorate), anh hoàn thành một số công trình về thiên văn học và vật lý thiên văn tại Đại học Chicago, cũng là một đại học nổi tiếng tại Mỹ.

Luôn vươn tới những đỉnh cao học thuật, mới đây tiến sĩ Hiền trở thành nhà nghiên cứu của phòng thí nghiệm sức đẩy phản lực thuộc NASA, đồng thời là giảng viên thỉnh giảng về vật lý tại Viện Công nghệ California. Công trình mới nhất của anh là về hệ thống detector xạ nhiệt kế, một trong ba thiết bị đặt tại trạm khảo sát vũ trụ Herschel. Đây là trạm nghiên cứu không gian nằm trong chương trình hợp tác giữa NASA và ESA (Cơ quan Không gian châu Âu) vừa được phóng lên quỹ đạo mùa thu năm 2008.

Mặc dù làm việc tại Mỹ, tiến sĩ Hiền luôn gắn bó với quê hương. Anh nhiều lần về Hà Nội và TP.HCM dự các cuộc Gặp gỡ Việt Nam về vật lý hạt và vật lý thiên văn do GS Nguyễn Văn Hiệu và GS Trần Thanh Vân tổ chức. Anh nhiệt tình hợp tác với các nhà thiên văn học trong nước để thiết lập một kính viễn vọng hiện đại ở Việt Nam.

Tôi gặp tiến sĩ Hiền tại Gặp gỡ Việt Nam lần thứ nhất ở Hà Nội tháng 12-1993. Đến cuộc gặp, anh giới thiệu với mọi người những kết quả thu được trong chuyến đầu tiên anh tham gia khảo sát 10 tuần ở châu Nam Cực năm đó. Bản báo cáo gây được sự chú ý đặc biệt của các nhà khoa học cũng như giới báo chí.

Tiếng vọng từ Nam Cực

EbVUdkD7.jpgPhóng to
Tiến sĩ Nguyễn Trọng Hiền bên hàng bia tiến sĩ trong - Văn Miếu (Hà Nội)- Ảnh: Crec Criffin

Sau khi bảo vệ thành công luận án tiến sĩ tại Đại học Princeton, anh quay lại châu Nam Cực lần thứ hai vào năm 1994 và ở lại đó gần một năm. Đó là một năm đáng nhớ với chàng trai 31 tuổi.

Vào tháng 7-1994, sao chổi Shoemaker Levy đâm vào sao Mộc. Từ ngày 16-7, các cột lửa liên tiếp bốc cao hàng nghìn kilômet. Hàng loạt mảnh sao chổi to như trái núi khổng lồ va mạnh vào bề mặt sao Mộc, tạo ra một số cái hố với đường kính bằng đường kính Trái đất. Không phải đài thiên văn nào cũng quan sát được sự kiện triệu năm có một đó. Thế nhưng, một người Việt Nam đã nhìn thấy nó từ đầu chí cuối. Đó là Nguyễn Trọng Hiền. Anh là người lãnh đạo khoa học Trạm Amundsen-Scott ở Nam Cực, nơi có 27 nhà khoa học và chuyên viên kỹ thuật Mỹ làm việc.

Trong những ngày ấy, tiến sĩ Hiền đã làm một điều tự hào cho Việt Nam. Tháng 9-1994, anh tự tay khâu một lá cờ đỏ sao vàng rộng 4m2, rồi tự mình cắm quốc kỳ Việt Nam giữa băng tuyết tại Cục Chào đón ở châu Nam Cực, bên cạnh quốc kỳ Mỹ, Nga, Anh, Đức, Pháp, Nhật, Úc, New Zealand, Chile, Argentina, Nam Phi… Đây là lần đầu tiên lá cờ đỏ sao vàng phấp phới bay tại đây. Một cảm xúc khó tả trong anh.

Thám hiểm trong sáu tháng đêm đen

RmwyI0g9.jpgPhóng to
Tiến sĩ Nguyễn Trọng Hiền cùng các nhà khoa học Mỹ đến Nam Cực năm 1994 - Ảnh: Tiến sĩ Nguyễn Trọng Hiền cung cấp

Lần đó, Nguyễn Trọng Hiền và những người cùng đi lên một chiếc máy bay của US Air Force, rời thành phố Christchurch (New Zealand). Do nhiệt độ quá thấp ảnh hưởng đến các bộ phận cơ khí, dầu máy và cũng do sự biệt lập của châu Nam Cực, các hãng hàng không dân dụng chưa dám phiêu lưu đưa đón khách đi đến vùng này.

Sau gần tám giờ bay, anh thấy hiện ra vịnh Ross, rồi thấp thoáng “đường băng” sân bay bằng nước đá xanh. Máy bay có lắp ski trượt trên nước đá. Đây rồi “thị trấn” McMurdo, cửa khẩu lớn nhất băng lục, nằm gần điểm cực, đầu trục quay của Trái đất. Mùa hè, “dân số” của “thị trấn” này lên tới vài nghìn người: những nhà khoa học, kỹ thuật Mỹ và những sĩ quan, binh lính cũng của Mỹ lo việc chuyên chở. McMurdo có phòng thí nghiệm tiên tiến, từ đây có thể gọi điện thoại đến mọi nơi.

Với kính viễn vọng siêu cao tần, tiến sĩ Hiền truy tìm các ngôi sao mờ, còn gọi là những “chú lùn trắng” (white dwarf) và “chú lùn nâu” (brown dwarf). “Lùn” bởi lẽ những thiên thể ấy có đường kính xấp xỉ đường kính Trái đất. Chúng vốn là những “mặt trời” to đùng nhưng do đã dùng hết chất đốt nên giờ đây trở nên nhỏ bé, mờ nhạt. Khảo sát chúng là một phần thiết yếu trong chương trình tìm lời giải đáp cho vật chất tối (dark matter) mà anh đang nghiên cứu. Anh cũng đo bức xạ phông vũ trụ tại đây.

Trong một bức thư từ McMurdo, anh kể: “Mỗi buổi sáng, tôi thức dậy rất sớm. Gọi là buổi sáng nhưng thật ra trời vẫn tối mịt, bởi vì về mùa đông, sáu tháng liền là đêm! Vào nhà ăn, nướng một lát bánh mì, uống ly nước lạnh rồi mang găng tay, mũ, áo ấm đi ra trạm quan sát. Sáng nào cũng vậy thôi. Đường đi trong đêm tối như bưng, dài chừng 1km. Có hôm tôi rọi đèn pin. Có hôm cứ nhằm thẳng ngọn đèn của trạm quan sát mà đi, bước thấp bước cao trên mặt tuyết gồ ghề. Đôi giày đi tuyết bó chặt hai bàn chân, vướng víu.

Hôm nào gió to, tuyết bay mù mịt, tầm nhìn không quá 5m. Tôi cứ lần bước theo sợi dây cáp nối liền Vòm mùa đông - nơi chúng tôi ở - đến trạm quan sát. Gió tuyết táp vào mặt rát bỏng. Nhiều hôm liền lạnh -73oC. Những hôm gió lớn, rét tới -100oC. Riết rồi cũng quen! Chướng ngại về môi trường, thời tiết chỉ còn là mấy con số để nhìn mà tắc lưỡi. Có khi suốt đoạn đường, tôi chẳng nghĩ ngợi gì. Nhưng cũng có lúc tôi dừng lại, đưa mắt nhìn quanh, khâm phục nét hùng vĩ huyền bí của tự nhiên. Nam Cực vắng lặng kinh người! Có những ngày chan chứa muộn phiền, tôi giải khuây bằng cách nghĩ về cái kính viễn vọng mà tôi và anh em trong nước hứa cùng nhau thiết lập”.

Tháng 8-2006, trong dịp về Hà Nội tham dự Gặp gỡ Việt Nam lần thứ sáu, anh Hiền kể với tôi về lần thứ ba anh đến châu Nam Cực vào năm 2004, và cho xem nhiều bức ảnh về chuyến đi lần thứ hai và lần thứ ba. Trong lần gặp gỡ đó, anh tỏ ý muốn viết một vài bài về đại tướng Võ Nguyên Giáp để gửi đăng trên các báo Mỹ. Anh đi tìm nhiều tài liệu, rồi khi trở về Mỹ anh cho biết sẽ viết một cuốn sách về tướng Giáp thay vì chỉ là một bài báo. Và tôi hiểu vì sao một người sống ở Mỹ như anh lại tự mình cắm cờ đỏ sao vàng tại châu Nam Cực.

HÀM CHÂU
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên