01/09/2008 21:35 GMT+7

Câu chuyện chiếc gỏi cuốn

QUẾ VIÊN
QUẾ VIÊN

TT - Khi nói chuyện với người Đan Mạch về VN, tôi không khỏi ngạc nhiên khi nhận thấy điều gây ấn tượng mạnh cho nhiều người chính là ẩm thực VN, nhất là món gỏi cuốn.

ih1Vtty7.jpgPhóng to
Món gỏi cuốn trên báo Politiken. Ở Đan Mạch, gỏi cuốn được yêu thích hơn chả giò vì không có dầu mỡ
TT - Khi nói chuyện với người Đan Mạch về VN, tôi không khỏi ngạc nhiên khi nhận thấy điều gây ấn tượng mạnh cho nhiều người chính là ẩm thực VN, nhất là món gỏi cuốn.

Gỏi cuốn hiện không chỉ có mặt trong tất cả nhà hàng Việt tại đây mà còn có trên thực đơn của các nhà hàng Hoa, Thái. Nhiều người Đan Mạch còn cho là nếu có một món ăn xuất xứ từ Đông Nam Á đủ khả năng cạnh tranh với sushi của Nhật thì chính là gỏi cuốn, vì vừa ngon miệng, đủ chất dinh dưỡng và vitamine mà lại không làm người ăn phát phì. Hai ông bà hàng xóm nhà tôi, Kirsten và Poul Buch, cũng vì quá thích gỏi cuốn mà quyết định đi du lịch VN để tìm hiểu thêm về ẩm thực Việt.

“Cuốn mùa hè” và “cuốn mùa xuân”

Trong danh sách top tám nhà hàng thuộc nhóm giá cả phải chăng tại Copenhagen, do Thời báo Berlingske bình chọn hằng tuần, luôn có hai nhà hàng thuần Việt là Saigon quán và Hanoi, lại thêm Spicylicious có đủ cả món Việt, Hoa, Thái. Các nhà hàng Lá Lúa, Lê Lê, Kim cũng được nhiều người Đan Mạch ưa chuộng. Một vài nơi có món đặc sản như Saigon quán có bò xào lăn, chè thập cẩm, chả cá Thăng Long; Lê Lê có gỏi đu đủ, còn lại na ná như nhau: phở, phở bò viên, miến gà, bánh xèo, chả giò, gỏi cuốn...

Đầu năm 2008, trên nhật báo Politiken của Đan Mạch xuất hiện một từ mới “sommerruller” - cuốn mùa hè, tức gỏi cuốn - trước đây vẫn được gọi là chả giò tươi. Không biết tên này có gốc gác từ đâu nhưng thật phù hợp với những chiếc cuốn trắng trong, ánh lên màu xanh của lá hẹ, màu đỏ của tôm luộc, màu trắng của bún, trông vừa ngon vừa mát mắt, lại còn khiến người ta liên tưởng tới người anh em foraarsruller (cuốn mùa xuân), tức chả giò.

Khoảng mười năm trở lại đây, khi các chứng béo phì, cao huyết áp, tim mạch... trở thành nỗi ám ảnh của nhiều người dân Bắc Âu thì việc ăn uống trở nên quan trọng hơn bao giờ hết. Nhiều người Đan Mạch đã chọn giải pháp ăn món Á để giữ gìn sức khỏe thay vì ăn kiêng hay nhịn ăn.

Trào lưu này đã mở đường cho ẩm thực Việt nhanh chóng tìm được vị trí khả dĩ tương xứng với nền văn hóa ẩm thực phong phú của chúng ta, tuy được biết đến tại đây muộn hơn các món của người Hoa, Thái, Ấn Độ. Món ăn Việt có nhiều ưu thế vì không béo như món ăn người Hoa hay Indonesia, không cay như món Thái, không cao giá như món Nhật, dễ hợp khẩu vị hơn món Ấn Độ mà lại chứa nhiều tinh bột và rau xanh - hai chất các chuyên gia dinh dưỡng luôn khuyên dùng.

Nếu phở hay bún mọc được xem là đặc sản của các nhà hàng Việt chính cống thì hầu như nhà hàng Á nào cũng có chả giò và gỏi cuốn. Cuốn chả giò Việt trong nhà hàng Hoa hay Thái giống chả giò Tiều nhiều hơn, bánh tráng dày, nhân không có cua, củ sắn được thay bằng giá và cà rốt. Riêng gỏi cuốn rất đa dạng khiến nhiều người Đan Mạch tưởng hễ cứ cuốn trong bánh tráng là thành gỏi cuốn. Trang ẩm thực của Thời báo Berlingske tháng 5-2008 còn hướng dẫn cách làm gỏi cuốn VN với cà rốt cắt khúc và măng tây nguyên cọng, chấm nước mắm giấm!

Gỏi cuốn và sushi kit

QjBk4aHW.jpgPhóng to
Ông Nguyễn Hưng Long, chủ nhà hàng kiêm bếp trưởng Saigon quán -Ảnh: Scanpix
Tại các nước phương Tây hiện nay người ta dễ dàng nhận ra sự thoái trào của bánh mì hamburger - bị xem là nguyên nhân dẫn tới bệnh tim mạch, và sự lên ngôi của sushi. Cũng như cô mèo Kitty và mèo máy Đôrêmon, món sushi đã góp phần tích cực trong việc quảng bá hình ảnh mới của nước Nhật cùng xóa đi những ký ức không hay về quân phiệt Nhật trước đây.

Tuy nhiên, sự phổ biến của sushi cũng dẫn đến nguy cơ món ăn này bị thay đổi cho phù hợp khẩu vị địa phương và ngẫu hứng của người thực hiện. Trước tình trạng này, người Nhật đã nhanh chóng xuất khẩu những bộ sushi kit, gồm những vật liệu cần thiết để làm sushi như mành cuốn, đũa tre, bánh rong biển, gạo Nhật, gừng, nước tương, wasabi... kèm theo tập sách chỉ dẫn cặn kẽ với hình ảnh minh họa để ai cũng có thể làm được sushi đúng kiểu.

Đối với chúng ta, có lẽ cũng không phải quá sớm để gìn giữ hương vị truyền thống của chả giò, gỏi cuốn tại nước ngoài trước khi xuất hiện quá nhiều “dị bản”. Các hãng lữ hành quốc tế có thể đưa vào các brochure quảng cáo bài giới thiệu về nghệ thuật ẩm thực Việt, cách chế biến các món được nhiều người nước ngoài ưa chuộng như chả giò, gỏi cuốn, gỏi gà bắp cải, bò bảy món... Nguyên liệu không phải là vấn đề vì hầu như đều có bán trong các cửa hàng thực phẩm châu Á, trừ một vài món thật đặc biệt như tương Bắc chẳng hạn.

Thiết nghĩ đó cũng là một cách để quảng bá văn hóa VN, đồng thời khẳng định nguồn gốc Việt của các món ăn quốc hồn quốc túy. Chẳng hạn, theo tôi được biết ở Hà Lan chả giò là một món ăn nhanh (fastfood) rất được ưa chuộng nhưng ít người bản xứ biết xuất xứ của nó, không chỉ vì hình thức quá khác với cuốn chả giò truyền thống ở VN mà tại Hà Lan chả giò được gọi bằng tên tiếng Indonesia là lumpiah; còn bánh phồng tôm thường bị xem là “đặc sản Trung Quốc” vì các nhà hàng Hoa tại phương Tây luôn dọn bánh phồng tôm làm món khai vị!

QUẾ VIÊN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên