31/12/2007 07:11 GMT+7

Chợ của người Việt ở Mỹ

Theo PHẠM THÀNH CHÂUDoanh nhân Sài Gòn Cuối tuần
Theo PHẠM THÀNH CHÂUDoanh nhân Sài Gòn Cuối tuần

Ở miền đông bắc Hoa Kỳ, nơi gia đình tôi đang cư ngụ, người Việt không đông (cả bang Virginia và các bang lân cận chỉ có khoảng 40.000 người Việt sinh sống) cùng nhiều người gốc Á khác như Hàn Quốc, Trung Hoa, Thái Lan, Philippines, Campuchia, Lào...

Từ “chợ” để chỉ một tiệm tạp hóa (ví dụ chợ Đông Nam Á, chợ Phước Hòa là những tiệm bán vừa thực phẩm khô, đồ hộp, thịt, cá, rau, mắm, nhang đèn, chén bát... và cả vé số, thẻ điện thoại nữa), cũng để chỉ cả một thương xá gồm hàng trăm gian hàng, mỗi gian kinh doanh một ngành hàng riêng như vàng, thuốc tây, thuốc bắc, tiệm bán và cho thuê băng nhạc, CD, DVD, dịch vụ giấy tờ, hôn thú, bảo lãnh thân nhân, chuyển tiền...

Chợ Việt ở đông bắc Hoa Kỳ

udnVpC8z.jpgPhóng to

Chợ Eden của người Việt

Trước năm 1975, người Việt ở Mỹ rất ít. Chỉ có một số nhỏ du học sinh và đôi bà lấy chồng là quân nhân Mỹ, sống rải rác khắp nơi. Thời đó, ai kiếm được một chai nước mắm nhỏ, vài trái ớt là rối rít mời bạn đến ăn cơm. Ai chịu khó đến tiệm Tàu, mua thực phẩm về chế biến thành “bún bò Huế” hay “phở Bắc” thì coi như có đại tiệc.

Sau năm 1975, người Việt đến Mỹ ngày càng đông. Giai đoạn đầu bà con mình chỉ đến các khu phố Tàu mua thực phẩm, sau đó mới lấy hàng về mở tiệm tạp hóa gần và tiện nên rất đông khách. Vùng tôi ở có tiệm Mê Kông làm ăn rất khá, từ một mở rộng ra thành nhiều tiệm. Mấy năm sau, người Tàu Chợ Lớn xuất hiện.

Người Tàu giỏi buôn bán, lại rành tiếng Việt nên lần lần chiếm hết khách của các tiệm tạp hóa Việt. Người Tàu rất khôn khéo trong giao tế, giá cả chỉ thấp hơn tiệm người Việt vài xu, mà phụ nữ Việt lại tính toán hơn thua từng xu (họ chịu tốn năm ba đô tiền xăng để đi mua rẻ hơn vài đô!). Người Tàu cũng giỏi mở tiệm ăn, nhà hàng. Hiện nay, những nhà hàng lớn vùng Đông Bắc Hoa Kỳ đều do người Tàu Chợ Lớn làm chủ. Tuy không lớn như Soái Kình Lâm, Bát Đạt... ở Sài Gòn, nhưng cứ mỗi tối thứ Bảy, Chủ nhật, họ tổ chức tiệc cưới cho người Việt, bỏ túi khoảng chục nghìn USD rất dễ dàng.

Người Việt đến Mỹ ngày càng đông thì nhu cầu ăn uống, vui chơi, dịch vụ càng gia tăng. Các bang Virginia, Maryland và thủ đô Washington DC... chỉ có một chợ duy nhất do người Việt buôn bán là Eden. Chủ chợ là người Do Thái. Trước kia, chợ vắng hoe. Hàng trăm cửa hàng mà chỉ lèo tèo mấy tiệm của người Mỹ mở cửa.

Sau này, khi người Việt đến, họ thuê cửa hàng để làm dịch vụ chuyển quà về Việt Nam, làm giấy tờ bảo lãnh, mở tiệm phở, tiệm bún bò Huế, bán cơm “chỉ” (ai muốn mua món ăn nào thì chỉ cho người ta bỏ vào lon, vào hộp đem về), bán băng nhạc, sách báo. Thương xá ế ẩm ấy bỗng trở nên sầm uất. Cả trăm gian hàng rực rỡ, náo nhiệt khách hàng. Thế là chủ đất cứ từ từ lên giá thuê. Đến nay, mỗi bộ vuông (mỗi cạnh cỡ một gang tay) giá từ 50 đến 60 USD/tháng. Tính ra, một tiệm ăn lớn (không phải nhà hàng, chỉ cỡ một tiệm phở lớn ở Việt Nam), mỗi tháng phải trả tiền mướn chỗ vài chục ngàn USD. Có một tiệm chạp phô của người Tàu Chợ Lớn, trong khu chợ Eden (Virginia) vừa dẹp tiệm và không chịu nổi tiền thuê mỗi tháng đến 36.000 USD.

Có những thương nhân người Việt buôn bán không đủ trả tiền mướn tiệm nhưng vẫn cố chịu trận, cho đến khi phải bán nhà mà trả nợ mới chịu âm thầm dẹp tiệm. Tuy nhiên, cũng có nhiều tiệm vắng hoe mà vẫn mở cửa năm này qua năm khác, người ta đồn rằng thuê cửa tiệm là phương tiện hợp pháp hóa USD từ Việt Nam chuyển qua!?

Giá cả tại chợ

Trước kia, những mặt hàng thực phẩm khô như bánh tráng, bún khô, phở khô hoặc hải sản khô, kể cả tôm cá đông lạnh lúc đầu dán nhãn hiệu Thái Lan (Product of Thailand), nhưng sau này đều để nhãn hiệu Việt Nam. Bánh tráng mỏng, một xấp (khoảng vài mươi cái để trong hộp nhựa) có giá 1,25 USD, một gói bánh phồng tôm 200g giá 0,85 USD. Áo quần, giày dép Việt Nam tràn ngập các cửa hàng của người Mỹ.

Có một loại hàng chỉ Việt Nam sản xuất, rất được người lớn tuổi chiếu cố là các loại trà dược thảo do Công ty Hùng Phát ở quận Tân Bình sản xuất. Giá cả như sau: Trà Hà thủ ô 50g (25 túi nhỏ) giá 1,79 USD, trà tim sen linh chi 40g (20 túi nhỏ) giá 2,45 USD.

Sản phẩm văn hóa - nghệ thuật cũng được giá. Đĩa DVD nhập từ Việt Nam, ví dụ “Mekong ký sự” hoặc “Ký sự hỏa xa” có giá 6 USD, đĩa ca nhạc từ Việt Nam gửi sang giá khoảng 5 USD. Những DVD đó nếu sao chép lại ở California thì giá rất bèo: năm chiếc 10 USD. Người Việt lớn tuổi thích xem DVD về du lịch, về sinh hoạt ở các tỉnh, các thành phố, các món ăn, thắng cảnh, địa danh... Sách từ Việt Nam phát hành sang, nếu in giá 40 ngàn đồng thì tiệm sách ở Mỹ dán giá 12 USD đè lên.

BUDopp9E.jpgPhóng to

Các gian hàng trong chợ

Thực phẩm ở các tiệm Mỹ như các loại thịt, cá, rau quả đều tươi và rất an toàn. Hàng hết hạn là họ vất sọt rác (sợ bị kiện), nhưng người Việt và người Tàu thì cứ để bán hoài! Thịt gà, trứng gà rất rẻ (gà nguyên con, giá 0,79 USD một pound (450g) khoảng 12 ngàn đồng, thịt ba rọi khoảng 2 USD nửa ký, thịt bò khoảng 3 USD nửa ký. Thịt gà công nghiệp ăn rất chán, người Việt đa số mua về hầm lấy nước xúp, còn xác thì bỏ, mua “gà đi bộ” (nuôi thả đi trong sân) mắc một chút mới để nấu món ăn.

Ở Mỹ hiếm khi được ăn cá tươi vì tất cả đều được đông lạnh, khi bày bán người ta còn phủ lên một lớp nước đá. Cá rô phi đông lạnh có giá 0,99 USD một pound (45g), cá rô phi nhốt trong một hồ nước nhỏ, còn bơi lội thì giá những 4,29 USD một pound (45 gr), tôm càng hoặc lươn còn sống có giá 9,99 USD một pound, cua Canada còn sống 12,99 USD một pound. Rau tươi còn mắc hơn thịt cá. Một bó mồng tơi hoặc rau dền, nấu được nồi canh giá vài đô. Tiệm thực phẩm Á Đông (chỉ bán cho người Việt, người Tàu) thứ gì cũng có. Mắm ruốc, mắm tôm, mắm cà, khô thiều, khô sặc, khô nai, khô mực... đủ hết và đều từ Việt Nam qua.

Người Việt và người Tàu chỉ giỏi buôn bán “cò con”, việc quản lý đều là người trong gia đình, đủ sống qua ngày. Trong vòng vài ba năm gần đây, bỗng xuất hiện những công ty thực phẩm của người Hàn. Họ mở những cửa tiệm khổng lồ, như Super Mart, LA Mart... có mặt tiền rộng vài trăm mét, bên trong rộng cỡ chợ An Đông, chỉ chuyên bán thực phẩm như rau quả, thịt cá, trái cây, đồ hộp với giá khá rẻ nên các tiệm thực phẩm của người Tàu Chợ Lớn trong bán kính vài cây số phải dẹp tiệm, các nơi xa hơn cũng chỉ “sống qua ngày, chờ qua đời”. Tình hình chợ búa ở vùng Đông Bắc Hoa Kỳ như vậy, các nơi khác như California hoặc Texas rất nhiều người Việt nên các công ty Hàn không dễ gì xâm nhập và đè bẹp được đối thủ “già đời”.

Chuyện… ngoài chợ

Người Việt rất khoái ăn rau muống nên trồng trong vườn để “tự túc tự cấp” và còn đem ra tiệm thực phẩm bán. Càng về sau, thấy bán được mà cũng dễ trồng, họ lấn ra ao hồ, nơi đất công, cấy rau xuống, chờ ít lâu ra thu hoạch, đem ra chợ, kiếm tí tiền còm. Bang Texas là nơi rau muống được “cấy trồng” nhiều nhất. Chúng phát triển nhanh đến độ không kịp cắt bán, cứ chỗ nào có nước là có rau muống. Ao hồ, sông rạch... đầy đặc rau muống đến độ thuyền bè chẳng thể nào chạy được. Vậy là chính quyền phải ra tay diệt sạch rau muống và cấm không được trồng rau muống ở bất cứ đâu, cũng không được bày bán rau muống.

Từ đó rau muống hầu như biến mất trên xứ Mỹ. Đó cũng là lý do, các ông bà Việt kiều về Việt Nam vô nhà hàng cứ kêu rau muống xào tỏi, khi lên máy bay, có vị đem theo trong hành lý một gói hạt giống rau muống đem về Mỹ chia cho bạn bè để trồng lén lút, thỉnh thoảng cắt vô luộc chấm nước mắm ớt tỏi dầm trứng vịt luộc, bao nhiêu cơm cũng hết!

Tết năm rồi (2007), ở California có lệnh bánh chưng chỉ được bày bán trong vòng bốn giờ sau khi ra lò. Người mình có nhiều cách tránh né chuyện luật pháp, chẳng hạn cứ thay cái nhãn ghi ngày giờ hết hạn là xong. Nhưng nếu có tố cáo đó là bánh cũ thì cơ quan An toàn thực phẩm (HCA) sẽ đến kiểm tra và lúc đó mới phiền. Họ đã phạt là… toi!

Mở một điểm buôn bán ở Mỹ không phải dễ vì phải thỏa mãn rất nhiều điều kiện (tiêu chuẩn, giấy tờ, thời gian) và khó nhất là buôn bán thực phẩm. Ở Texas, có mấy bà Việt Nam trồng được quả bí, rau dền, mồng tơi, ớt... buổi sáng rủ nhau đem ra sân nhà thờ ngồi bán. Lúc đầu chỉ có vài ba người, sau càng đông vui. Thấy thế, chính quyền ra lệnh cấm. Không hiểu mấy ông bà trong Ban đại diện cộng đồng người Việt can thiệp cách nào mà các bà sau đó được tiếp tục “buôn thúng bán bưng”. Nghe nói các vị đó bảo rằng đó là “truyền thống”, mà người Mỹ thì rất thích “truyền thống”, những tập tục, sản phẩm nào xưa và lạ là họ “OK” ngay.

Các bà được thể, lập “chợ chồm hổm” ngay bên lề đường. Nhưng sao các bà phải vất vả đến thế? Vì nghèo khổ hay sao? Con cái đâu mà không nuôi mẹ? Xin thưa, con cháu đứa nào cũng khá cả, mỗi ngày chúng biếu mẹ vài chục USD ăn trầu là dư sức. Các bà không có nhu cầu tiền bạc, nhưng ra công trồng trọt, thu hoạch, đem ra đường bán chỉ để đỡ nhớ quê hương. Đồng tiền bán bó rau, gói ớt, trái bầu, trái bí... có chút công sức, chút mồ hôi của các bà. Đó là niềm vui. Các bà chắt bóp, dành dụm từng đồng để gửi về bạn bè, bà con còn ở bên quê nhà. Chẳng bao nhiêu đâu nhưng đó là cái tình, cái tâm sự, cái hồn của các bà gửi về quê hương, chòm xóm...

Theo PHẠM THÀNH CHÂUDoanh nhân Sài Gòn Cuối tuần
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên