28/03/2017 11:05 GMT+7

Tổng thống Obama và những lần vượt mặt Quốc hội

Tiến sĩ TERRY F. BUSS
Tiến sĩ TERRY F. BUSS

TTO - Thủ đô Washington đã thay đổi theo chiều hướng xấu đi đáng kể trong vài thập kỷ qua. Hậu quả là tình trạng tắc nghẽn chính sách hoành hành chưa từng có.

U.S. President Barack Obama waves to the audience after signing the Affordable Care Act, dubbed Obamacare, the comprehensive healthcare reform legislation during a ceremony in the East Room of the White House in Washington, U.S., March 23, 2010. REUTERS/Jason Reed/File Photo
Tổng thống Barack Obama ký đạo luật Obamacare, tại Phòng chái Tây ở Nhà Trắng ngày 23-3-2010 - Ảnh: Reuters

Trong quá khứ, các đảng phái ít nhiều chia sẻ một số giá trị chung, các thành viên Quốc hội đa phần là trung lập.

Những năm gần đây, Quốc hội Mỹ phân chia rõ rệt với hiện tượng các thành viên dịch chuyển sang cực tả hay cực hữu, phần giữa hòa hoãn là một lỗ trống hoác.

Điều này có thể thấy trong cuộc bầu cử 2016, ứng viên Dân chủ Hillary Clinton ban đầu tranh cử với quan điểm thiên tả, nhưng nhanh chóng bị lôi kéo sang cực tả bởi đối thủ Bernie Sander.

Dân chủ chơi kiểu Cộng hòa

Bên phía Cộng hòa, các thành viên bảo thủ bất mãn với nghị trình hòa hoãn, “chính phủ lớn” và thuế cao tập hợp lại lập ra “Đảng Trà” năm 2009 để ngăn không cho ông Obama thông qua Đạo luật Chăm sóc Sức khỏe Vừa túi tiền (tức Obamacare).

Họ thất bại nhưng kiếm đủ số phiếu để giành lại Hạ viện từ đảng Dân chủ, làm tê liệt “Quốc hội Obama”. Đảng Trà thường xuyên chặn các dự luật họ không thích và trở thành một lực lượng đóng góp đáng kể cho tình trạng tắc nghẽn chính sách.

Thất bại của bà Clinton trong cuộc đua Tổng thống năm ngoái, mất mát trong các cuộc bầu cử địa phương, liên bang và Quốc hội đã thúc đẩy đảng Dân chủ áp dụng phương pháp Đảng Trà của riêng họ để chống lại phe Cộng hòa.

Tắc nghẽn chính sách sẽ càng tăng thêm, lần này đi kèm là các cuộc nổi loạn, tuần hành phản đối, tẩy chay và bất tuân dân sự.

Ví dụ, một vài đảng viên Dân chủ đã chơi màn ngồi đình công 25 giờ trên sàn nhà ở Hạ viện - một hành động trái quy định và chưa từng xảy ra. Rồi một phong trào gọi là “Phản kháng” hạ quyết tâm sẽ "khiến nước Mỹ trở nên bất tuân (chứ không vĩ đại)"…

Người dân Mỹ xuống đường ủng hộ Obamacare tại Washington ngày 25-6-2015 sau khi Tòa án Tối cao ngăn chặn chính sách này - Ảnh: Reuters
Người dân Mỹ xuống đường ủng hộ Obamacare tại Washington ngày 25-6-2015 sau khi Tòa án Tối cao ngăn chặn chính sách này - Ảnh: Reuters

Nước Mỹ chia rẽ hơn bao giờ hết

Tắc nghẽn chính sách (ở Quốc hội) là phản chiếu của sự chia rẽ trong đời sống chính trị, xã hội, văn hóa và kinh tế nước Mỹ. Không chỉ là người này không đồng ý với người kia, họ dường như thật sự ghét nhau.

Vào tháng 1-2017, một thăm dò của Gallup cho thấy chỉ 13% thành viên Cộng hòa đồng tình với bên Dân chủ, trong khi đó 83% thành viên Dân chủ không tán thành đảng Cộng hòa. Đây là những số liệu đáng báo động chưa từng có ở những thời kỳ trước.

Tình hình càng tệ hơn bởi có rất ít cơ hội để tước quyền đại biểu của các thành viên Quốc hội: 85-90% là “ghế an toàn”, tức họ sẽ ngồi đó hoài, tình trạng tắc nghẽn chính sách cũng vậy.

Trong thông điệp liên bang cuối cùng trước Quốc hội, ông Obama từng nói rằng một trong những tiếc nuối lớn nhất của ông là không thể hàn gắn sự chia rẽ vốn dẫn tới tắc nghẽn chính sách.

Tháng 1-2014, quá chán nản với sự bế tắc, ông Obama từng phát biểu một câu khá nổi tiếng: “Chúng ta sẽ không ngồi yên chờ các văn bản luật để mang lại cho người dân Mỹ sự giúp đỡ họ cần. Tôi có một cây viết và tôi có một cái điện thoại!”.

Câu trên mang hàm ý ông Obama có ý định vượt mặt Quốc hội chứ không chịu bó tay.

Nói là làm, ông Obama bắt đầu ban hành một số lượng sắc lệnh hành pháp nhiều chưa từng thấy (chẳng hạn như ân xá cho 1,7 triệu trẻ em nhập cư) rồi thách Quốc hội ngăn được ông.

Thay vì tìm kiếm sự ủng hộ của Thượng viện, ông Obama tự đặt bút ký và tham gia Thỏa thuận hạt nhân Iran, Hiệp định khí hậu Paris… vì ông biết hành động này khó bị lật lại.

Ông Obama còn ra lệnh cho các cơ quan liên bang ban hành một số lượng kỷ lục các quy định mà không cần văn bản luật. Và cuối cùng, ông Obama chọn cách phớt lờ, không thực thi những thứ mà ông không đồng ý như Đạo luật Bảo vệ hôn nhân.

Giải pháp Obama có hiệu quả trong ngắn hạn, nhưng chính vì ông thất bại trong việc tìm kiếm sự ủng hộ từ Quốc hội, nhiều nỗ lực của ông giờ đây lần lượt bị Tổng thống Donald Trump lật lại, làm cho tơi tả.

Không kém phần quan trọng là chuyện những lần "vượt mặt Quốc hội" của ông Obama lắm khi lại rơi vào tay Tòa án Tối cao và cuối cùng bị vô hiệu hóa.

Bộ Tư pháp thời ông Obama chỉ thắng 45% số vụ kiện, trong khi ở các đời Tổng thống trước tỉ lệ là 60-70%.

Tổng thống Obama vẫy tay chào mọi người sau khi ký Obamacare tại Nhà Trắng ngày 23-3-2010 - Ảnh: Reuters
Tổng thống Obama vẫy tay chào mọi người sau khi ký Obamacare tại Nhà Trắng ngày 23-3-2010 - Ảnh: Reuters

Ai có lỗi?

Các ông nghị không chịu làm việc trong Quốc hội đáng bị lên án tối đa nhưng ông Obama cũng phải chịu phần lỗi.

Khi bắt đầu nhậm chức, ông Obama có rất ít kinh nghiệm lập pháp, lãnh đạo hoặc thành tựu. Những kinh nghiệm ông ấy có thì ông ấy không thích.

Vậy nên, ông Obama tạo điều kiện cho dàn lãnh đạo Quốc hội đấu đá nhau để thông qua các đề xuất chính sách của ông. Cách tiếp cận đó không bao giờ có hiệu quả trong một môi trường phân cực như vậy.

Ông Obama ngoài ra còn ghét Quốc hội đến mức ông từ chối gặp các thủ lĩnh Cộng hòa trong hơn 2 năm. Thậm chí các đồng nghiệp Dân chủ của ông phải than phiền về sự xa cách này.

Chính sách Obamacare thể hiện rõ sự thất bại. Obamacare là chương trình bảo hiểm sức khỏe trị giá 1.000 tỉ USD ban hành năm 2010.

Đạo luật này dài 20.000 trang, được biên soạn trong bí mật bởi các đảng viên Dân chủ và hầu như không có bàn tay Cộng hòa trong đó.

Nó bí mật đến nỗi bà chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi - người quyền lực thứ hai trong Quốc hội Mỹ, tuyên bố “họ sẽ phải thông qua Obamacare để biết được bên trong nó có gì”(!). Không ai đọc được bản dự luật đó. Tất cả thành viên Cộng hòa ở lưỡng viện bỏ phiếu chống lại Obamacare.

Năm 2012, ông Obama để mất quyền kiểm soát Hạ viện vào tay đảng Cộng hòa vì Obamacare. Ông cũng mất luôn Thượng viện năm 2016 một phần vì Obamacare. Rồi bây giờ Obamacare đang đứng trước nguy cơ bị thay thế.

Vấn đề nằm ở chỗ nước Mỹ thiếu các nhà lãnh đạo sẵn sàng thỏa hiệp, xây dựng tính đồng thuận xung quanh nghị trình của mình. Cần phải có các đảng phái đặt đất nước lên trên chính trị, phe nhóm và công cuộc tái tranh cử. Cần phải có một cử tri đoàn tận tụy, nắm rõ thông tin để giám sát trách nhiệm của các chính trị gia. Một tinh thần của sự lễ độ cần phải trở lại chính trường Mỹ.

Nói tóm lại, nước Mỹ cần quay lại khoảng thời gian bình lặng trước đây. Làm sao để thực hiện? Ai mà biết được, có lẽ sự bình yên chưa bao giờ tồn tại.

M. TRUNG chuyển ngữ

Tiến sĩ TERRY F. BUSS
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên