24/03/2014 10:28 GMT+7

Sáu phụ nữ Việt lọt vào tay kẻ buôn người

QUỲNH TRUNG
QUỲNH TRUNG

TT - Nhờ loạt bài điều tra của nhà báo địa phương Anas Aremeyaw Anas, cảnh sát Ghana đã giải cứu sáu phụ nữ Việt bị hai người Trung Quốc ép bán dâm.

Tuổi Trẻ đã liên lạc với nhà báo Anas và được ông cho phép sử dụng tư liệu và hình ảnh từ loạt bài điều tra dài bốn kỳ mà ông kỳ công thực hiện trong hơn năm tháng.

peAUNkXt.jpg
Cảnh sát Ghana bố ráp nhà nghỉ Jang Mi ở Takoradi - Ảnh: nhà báo a.anas cung cấp

Sau khi nghe lời hứa hẹn sẽ được giới thiệu công việc lương cao ở Mỹ và Na Uy từ một phụ nữ đồng hương, sáu phụ nữ Việt Nam tuổi từ 29-38 đồng ý rời bỏ quê nhà để đến miền đất hứa.

Nhưng thay vì đặt chân đến châu Âu và châu Mỹ, những phụ nữ này được đưa đến Ghana ở Tây Phi xa xôi và bị những chủ chứa người Trung Quốc ép buộc phải bán dâm cho đàn ông nhiều quốc tịch trong tình cảnh vô cùng tồi tệ.

Sa bẫy

Nhà báo địa phương Jeffrey De - Graft Johnson của tờ Daily Guide, tờ báo được yêu thích nhất ở Ghana, hôm 21-3 có mặt tại phiên tòa xét xử hai kẻ buôn người quốc tịch Trung Quốc, Huang Se Hui và Li Tian Ping, bị truy tố các tội danh buôn người và rửa tiền.

Theo nhà báo Jeffrey, công tố viên Abraham Annor tóm tắt lại lời khai của các nạn nhân và những người liên quan trong phiên tòa. Ông Annor nói rằng vào tháng 6-2013, một phụ nữ Việt Nam tên Hạnh tuyển dụng sáu phụ nữ Việt tuổi từ 29-38 làm việc tại một casino ở Na Uy với mức lương 4.000-5.000 USD mỗi tháng.

Trong khi đó, nhà báo Anas Aremeyaw Anas cho Tuổi Trẻ biết ngoài Na Uy, một số nạn nhân tiết lộ với ông rằng họ còn được những kẻ buôn người hứa hẹn tạo công ăn việc làm tại các nhà máy ở Mỹ.

Bà Hạnh nói với những người này rằng họ rất may mắn vì có cơ hội làm việc ở những nước phát triển với mức lương cao. Sau đó bà yêu cầu mỗi người phải trả 150 USD chi phí làm hộ chiếu, 500 USD tiền phí visa và 3.000 USD tiền mua vé máy bay.

Ngày 2-6-2013, bà Hạnh cùng năm phụ nữ gồm N.T.N., L.T.K.T., H.T.U.V., H.T.N., C.T.H.L., rời VN đi đến Trung Quốc trước để làm thủ tục đi Na Uy. Riêng người phụ nữ còn lại tên T.T.L.T. còn phải đợi lấy vé máy bay để đến Na Uy sau.

Nhóm này rời Trung Quốc, trung chuyển ở Dubai và sau đó đến Ghana. Nhưng họ bị thu hộ chiếu ở Ghana và không được cho phép đi Na Uy.

tGzD9KIp.jpg
Tú bà Tian Ping bị bắt giữ sau cuộc khám xét của cảnh sát - Ảnh: a.anas cung cấp
Htg27lcd.jpg
Bảng hiệu matxa trá hình của Tian Ping ở Tema - Ảnh: a.anas cung cấp

Nhà chứa, chứ không phải nhà hàng

Ba ngày sau đó, T.T.L.T. mua được vé máy bay và đến Ghana. Tại đây, bà Hạnh hiện nguyên hình là một kẻ buôn người. Sáu phụ nữ này được bán cho một người đàn bà ở thành phố Tema tại vịnh Guinea. Các nạn nhân ra sức kháng cự sau khi người đàn bà này buộc họ phải bán dâm.

Theo ông Annor, N.T.N., L.T.K.T., H.T.U.V., H.T.N. bị ép buộc phải tiếp khách trong khi C.T.H.L.và T.T.L.T. nhất quyết từ chối bởi họ nói là họ được giới thiệu làm việc cho một nhà hàng chứ không phải ở nhà chứa.

“Người chủ” Trung Quốc ở Tema rất giận dữ trước thái độ chống đối của những phụ nữ Việt và quyết định bán N.T.N., L.T.K.T., H.T.U.V., H.T.N. cho một người đàn ông Trung Quốc khác ở thành phố biển Takoradi, gần nơi dự trữ dầu của Ghana. “Người chủ” này nói với C.T.H.L.và T.T.L.T. rằng bà sẽ đưa họ đến thành phố Kumasi phía nam Ghana nhưng C.T.H.L.và T.T.L.T. năn nỉ bà cho phép họ đi cùng với những người bạn của mình đến Takoradi.

Ở Takoradi, những phụ nữ này được giao cho một người đàn ông Trung Quốc tên Huang Se Hui quản lý. Họ bị nhốt trong một căn hộ đóng kín cửa và buộc phải bán dâm.

Theo điều tra viên Annor, Hui thu mỗi khách làng chơi 250 cedi (đơn vị tiền tệ của Ghana, khoảng 190 USD) cho một chuyến “tàu nhanh” và 500 cedi (380 USD) qua đêm. Các nạn nhân cho biết họ ngủ với ít nhất hai người đàn ông mỗi ngày và thường bị đánh đập và dọa giết nếu như than phiền.

Các nạn nhân còn tiết lộ rằng Hui thu của họ 270 USD tiền làm thẻ căn cước ở Ghana, 150 cedi (108 USD) tiền ăn, 50 cedi (12,5 USD) mỗi ngày tiền thị thực, và 250 USD mỗi ba tháng để làm giấy phép cư trú.

Interpol lần ra dấu vết

Bà Patience Quaye, giám đốc cơ quan chống buôn người thuộc Sở Cảnh sát Ghana, được trang GhanaWeb dẫn lời rằng cơ quan bà được Tổ chức Cảnh sát hình sự quốc tế (Interpol) cung cấp thông tin về một đường dây buôn người ở thành phố sinh đôi Sekondi - Takoradi từ tháng 11 năm ngoái.

Sau đó Sở Cảnh sát Ghana phối hợp với nhà báo Anas Aremeyaw Anas của tờ báo địa phương The New Crusading Guide để bàn kế hoạch triệt phá đường dây buôn người này. Quá trình điều tra của ông Anas Aremeyaw Anas còn nhận được sự hỗ trợ từ đại sứ quán Mỹ, Anh và VN.

Ông Anas được đặt niềm tin vì ông là nhà báo điều tra nổi tiếng ở Ghana với nhiều giải thưởng báo chí quốc gia và quốc tế. Ông cũng từng được mời phỏng vấn trên CNN.

Chia sẻ với Tuổi Trẻ về cuộc điều tra này, ông Anas nói: “Tôi đã thực hiện nhiều bài viết để bảo vệ quyền con người. Là một nhà báo, tôi thấy có nhiều động lực vạch trần kẻ xấu và bảo vệ các nạn nhân mọi lúc mọi nơi”.

Nhà báo Anas cũng là người góp công lớn triệt phá đường dây mại dâm lớn của Trung Quốc hoạt động rộng khắp Tây Phi vào năm 2009 và giải cứu bảy cô gái Trung Quốc thông qua loạt bài điều tra của mình.

Anh Selase Kove - Seyram, đồng nghiệp và trợ lý của ông Anas ở The New Crusading Guide, nói với Tuổi Trẻ rằng ông Anas bắt đầu điều tra tội phạm buôn người từ năm 2006 và cuộc điều tra gần đây về đường dây bóc lột tình dục phụ nữ Việt Nam là hoạt động mở rộng thuộc dự án chống buôn người của ông.

Để thâm nhập đường dây buôn người này, nhà báo Aremeyaw Anas giả làm một khách làng chơi người Mỹ tên John Sullivan làm việc cho một giàn khoan dầu trong khu vực trên.

Anas đến nhà nghỉ Jang Mi do một tú ông người Trung Quốc điều hành để tiếp cận các cô gái Việt. Và trong nhiều tháng thâm nhập để điều tra đường dây buôn người này, ông Anas đã chứng kiến cảnh những chủ chứa Trung Quốc đối xử với những phụ nữ Việt Nam vô cùng thậm tệ.

Kỳ tới: Trong “động quỷ”

QUỲNH TRUNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên