29/04/2008 09:11 GMT+7

Phân hóa giàu - nghèo khắp nơi trên thế giới

Theo HOÀI ANDoanh nhân Sài Gòn Cuối tuần/Newsweek
Theo HOÀI ANDoanh nhân Sài Gòn Cuối tuần/Newsweek

Bạn có tưởng tượng được rằng cứ trong ba người có tuổi ở Hong Kong thì có một người hiện phải sống trong cảnh nghèo khổ?

GwmrDLry.jpgPhóng to
Người khuyết tật mưu sinh trên xe bus

Trong vòng 10 năm kể từ khi Hong Kong được trao trả lại cho Trung Quốc, các số liệu thống kê chính thức cho thấy số người lao động nghèo khổ (những người có mức thu nhập chưa bằng một nửa mức thu nhập trung bình) đã tăng gần gấp đôi.

Điều đó đã xảy ra trong một thành phố thường tự hào có mức thu nhập GDP bình quân 27.000 USD/người, nơi có một thị trường chứng khoán phát triển mạnh, có nhiều tỉ phú và một nền kinh tế phát triển với tốc độ tăng trưởng khoảng 8%/năm trong hơn ba năm qua.

Nghịch lý giàu - nghèo

Nghịch lý đáng lo ngại đó ngày càng tăng trên phạm vi toàn cầu. Sau sáu năm phát triển liên tục, chiếc bánh kinh tế toàn cầu đã nở phồng lên theo tỷ lệ chưa từng thấy, nhưng đáng buồn là người giàu đang ăn hầu hết những lát bánh mới. Họ đang dùng cả quyền lực của mình để bảo đảm chắc chắn là người làm bánh sẽ chuyển những lát bánh trên tới gia đình của họ trước khi chúng được mạo hiểm chuyển tới những gia đình nghèo khổ hơn ở những khu lân cận.

Tốc độ tăng trưởng kinh tế gây kinh ngạc của Trung Quốc và Ấn Độ, cũng như tốc độ tăng trưởng kinh tế vẫn vững chắc của các nước thuộc nhóm G7 hiện cũng không thể nâng đỡ được đồng đều tất cả các con thuyền kinh tế. Trên toàn cầu, từ những nền kinh tế phát triển nhất như Mỹ và Hong Kong đến những nền kinh tế đang phát triển, sự bất bình đẳng về thu nhập đang không ngừng tăng. Thomas Piketty, giáo sư trường Kinh tế Paris và là đồng tác giả một cuốn sách mới viết về sự bất bình đẳng trong thu nhập, nhận xét: “Người dân vẫn còn đang quá độ ra khỏi cảnh nghèo khổ”.

Theo Ngân hàng Thế giới, tỷ lệ dân số trên phạm vi toàn cầu đang sống ở mức dưới 2 USD/ngày đã giảm từ 67% năm 1981 xuống còn 47% năm 2004, nhưng vẫn còn một con số kỷ lục về tổng số người nghèo ở châu Á là khoảng 1,9 tỉ người. Theo báo cáo về sự giàu có trên thế giới của tổ chức Capgemini, hiện số những người giàu có cũng nhiều hơn bao giờ hết: số người có tài sản trên 1 triệu USD (không tính đến dinh thự chính của họ) đã tăng 8,3% trong năm 2006, lên tới 9,5 triệu người.

Sự phân chia giàu - nghèo nổi bật nhất ở những nơi kiên quyết bám chặt lấy mô hình đại tư bản, chẳng hạn như Mỹ và Trung Quốc. Theo một nghiên cứu của Ngân hàng Phát triển châu Á được công bố trong tháng 8-2007, sự phân chia giàu - nghèo ở Trung Quốc hiện tương tự như khu vực Mỹ Latin. Tuy nhiên, khoảng cách giàu - nghèo ngày càng tăng không chỉ là một hàm số duy nhất của các lực lượng không kiểm soát được trong quá trình toàn cầu hóa và các cuộc cách mạng về khoa học kỹ thuật.

Hiện người ta đã kiểm soát được một phần sự bất bình đẳng và các quyết định về chính sách do các chính phủ có xu hướng ngày càng ngả theo phái hữu, ủng hộ nền kinh tế thị trường, làm trầm trọng thêm sự bất bình đẳng giữa người giàu và người nghèo trong những năm gần đây.

Danh sách các nhà tỉ phú trên thế giới hiện đang được điền thêm tên các nhân vật trùm tư bản về tài nguyên, mà họ là những người được các nhà nước thực sự công nhận. Các chế độ thuế ít lũy tiến hơn, các chính sách tư nhân hóa rót các nguồn tài nguyên công cộng vào tay tư nhân và việc thiếu sự bảo vệ cơ bản cho tầng lớp lao động đã làm nghiêng cán cân theo hướng có lợi hơn cho những người giàu ở các thị trường mới nổi lên như Nga và Trung Quốc.

Không phải ngẫu nhiên mà trong khi sự chênh lệch về mức thu nhập đang ngày càng tăng trên phạm vi toàn thế giới, những chênh lệch này lại ít hơn nhiều ở Ấn Độ (do những chính sách bảo hộ buôn bán kéo dài) và ở Đức (do quỹ phúc lợi xã hội lớn) so với ở Mỹ và Trung Quốc. Các hoạt động kinh tế chính thống cho rằng sự cách biệt về mức thu nhập ngày càng tăng là điều không thể tránh khỏi và không hoàn toàn là tác động phụ chẳng ai mong đợi của xu hướng toàn cầu hóa và thương mại tự do.

“Xã hội thuộc về những kẻ thắng”

Trong hơn một thập niên qua, sự hội nhập của Trung Quốc và Ấn Độ vào hệ thống thương mại toàn cầu đã bổ sung thêm hai tỉ công nhân vào lực lượng lao động trên toàn thế giới, vì vậy nó gây sức ép làm giảm đồng lương thực tế mà người công nhân được hưởng. Trong hệ thống được kết nối ngày càng tăng giữa các nước này, các khoản tiền lãi đổ dồn về những người có tay nghề và học thức đã tăng lên.

fKXoEhbG.jpgPhóng to
Tại một thành phố ở Trung Quốc: Bên cạnh những tòa nhà chọc trời là khu nhà ổ chuột

Robert Reich, cựu Bộ trưởng Lao động Mỹ và là tác giả cuốn Chủ nghĩa tư bản siêu hạng, cho rằng: “Nếu người ta được đào tạo tốt và kết nối tốt, nền kinh tế toàn cầu sẽ mang lại một thị trường lớn chưa từng thấy dành cho sự hiểu biết sâu sắc của họ. Mười nước đứng đầu (hoặc 20%) đang bứt hẳn lên so với những nước còn lại nhờ trình độ học vấn, tay nghề và những sự kết nối”.

Những người thành công trên sân khấu toàn cầu mới đã nhận được phần thưởng chưa từng thấy. Zhang Yin - người sáng lập ra Nine Dragons Paper vào năm 1995 đã biến một doanh nghiệp giấy nháp nhỏ trở thành một cơ đồ trị giá nhiều tỉ USD, trở thành người phụ nữ giàu có nhất Trung Quốc trong thời gian chưa đầy 12 năm. Reliance Industries - tổ hợp hóa dầu lớn của Ấn Độ do Mukesh Ambani điều hành hiện có một kho tiền mặt trị giá 28 tỉ USD.

Sự gia tăng nhiều của cải ở những nước vẫn còn nghèo cho thấy điều mà nhà kinh tế Robert Frank thuộc hãng Cornell gọi là “xã hội thuộc về những kẻ thắng” đã trở thành hiện tượng phổ cập trên phạm vi toàn cầu trong 30 năm qua do tác động của xu hướng toàn cầu hóa. Tuy nhiên, toàn cầu hóa không phải là nhân tố duy nhất có tác động. Một ngọn triều dâng cao có thể nâng các con thuyền lên (nhưng lên không đều) và gió có thể thổi căng các cánh buồm của những con thuyền đó. Khi người ta bàn bạc đến các vấn đề như thương mại bán tự do, đánh thuế tài sản, bảo vệ công nhân và sự cần thiết của việc phân phối lại cũng như vấn đề quỹ phúc lợi xã hội, ưu thế đã chuyển vào tay cánh hữu tại Mỹ và trên phạm vi toàn cầu.

Dani Rodrik, giáo sư khoa Kinh tế chính trị quốc tế của trường Đại học Harvard và là tác giả cuốn sách Một nền kinh tế, nhiều giải pháp: Toàn cầu hóa, các thể chế và tốc độ tăng trưởng kinh tế, cùng vài học giả khác cho rằng các luật lệ, quy tắc và thể chế đang thay đổi đã đóng một vai trò quan trọng trong việc làm tăng sự bất bình đẳng. Ở Mỹ, trong năm 2005, mức đền bù trung bình cho một tổng giám đốc điều hành (CEO) của Công ty trong nhóm S&P 500 gấp tới 141 lần mức đền bù tương tự dành cho một công nhân trung bình (tăng so với 107 lần trong năm 1990).

Về mặt lịch sử, thuế lũy tiến và các chính sách phúc lợi xã hội đã giúp làm giảm nhẹ những bất bình đẳng đó và đóng vai trò như những thiết bị giảm sốc. Nhưng trong thập niên này, những chính sách như vậy lại đóng vai trò như một chất xúc tác. Cơ cấu thuế đã trở nên ít công bằng hơn, chi phí công cộng còn ít công bằng hơn nữa. Vài năm qua, chính quyền Bush và đảng Cộng hòa đã giảm mạnh tỷ lệ thuế thu nhập phụ, đồng thời cắt giảm các loại thuế đánh vào lợi nhuận thu được từ việc bán các khoản đầu tư hoặc tài sản, các khoản tiền lãi cổ phần và các bất động sản, mà tất cả những thứ đó đều mang lại lợi ích đáng kể cho những người vốn đã giàu có.

Ở nơi khác, các cơ chế thuế thường cũng có lợi đối với những người tập trung của cải. Ấn Độ có một hệ thống thuế lũy tiến: 30% thuế đánh vào những người có mức thu nhập từ khoảng 6.250 USD tới 25.000 USD, 40% đối với mức thu nhập trên 25.000 USD. Tuy nhiên, chỉ có một số nhỏ dân số khai báo khoản tiền lãi hàng năm của họ và nước này có rất ít biện pháp mạnh để phạt những người trốn thuế.

Trên giấy tờ, tỷ lệ thuế thu nhập của Trung Quốc khá cao theo tiêu chuẩn của châu Á (và ngày một tăng), nhưng người Trung Quốc chỉ phải đóng một số lệ phí và chúng đang giảm dần một cách đáng ngạc nhiên vì những khoản tiền này đã được cộng thêm vào giá hàng hóa và dịch vụ. Ngoài ra, việc trốn thuế thu nhập ở Trung Quốc xảy ra trên một phạm vi lớn, trong khi 20% thuế đánh vào lợi nhuận thu được từ việc bán các khoản đầu tư hoặc tài sản và thuế đánh vào tiền lãi cổ phần cũng chỉ được thực thi một cách có lựa chọn.

Người giàu tăng nhanh

Tổ chức IMF mới đây lưu ý rằng thương mại tự do đã làm giảm bớt khoảng cách giàu - nghèo ở cấp độ toàn cầu nhưng dòng tiền tệ đầu tư toàn cầu không bị hạn chế đã làm tăng xu hướng bất bình đẳng giàu - nghèo vì nó tạo nhiều cơ may cho những cá nhân đầu tư trên các thị trường thế giới, làm tăng nhịp độ đổi mới công nghệ nhưng hậu quả là công nhân bị trả lương thấp đi.

U5VqQi7E.jpgPhóng to
Nghệ sĩ đường phố ở các nước phát triển - một cách ăn xin lịch sự

Trong khi đó, sự tập trung của cải có xu hướng tăng lên vì những người giàu có đang kiếm được nhiều tiền hơn từ công việc và từ những khoản đầu tư của họ. Những người giàu có ngày nay có quyền tiếp cận với các loại tài sản như những quỹ hợp tác đầu tư và các nguồn vốn cổ phần để tiếp tục làm sinh sôi những khoản lãi cao hơn.

Ở nhiều quốc gia, quá trình cổ phần hóa, tư nhân hóa được nhà nước phê chuẩn đã nhiều lần đẩy nhanh các tài sản có giá trị của nhà nước vào tay những cá nhân có mối quan hệ tốt với chính quyền, cho phép họ có được những nguồn của cải lớn rất nhanh chóng. Do xu hướng tham nhũng tràn lan, tài nguyên thiên nhiên ở Nga bị tư nhân hóa và những nhóm rất nhỏ có quyền lực lớn về chính trị trong xã hội đã thu tóm được những khoản tiền lãi kếch xù. Điển hình là Roman Abramovich đã thương lượng chuyển việc đầu tư vào các công ty tài nguyên công cộng trước đây sang các tài sản khác, chẳng hạn như mua câu lạc bộ bóng đá Chelsea của Anh.

Tại Trung Quốc, việc chuyển nhượng đất đai và các tài sản khác (bắt đầu trong những năm 1980 và gia tăng trong những năm 1990) dẫn đến kết quả là một số người có liên quan đến chính trị đã có những khoản tiền góp vốn sở hữu lớn trong các công ty chủ chốt. Người giàu có nhất trên thế giới hiện là ông Carlos Slim ở Mexico, người đã tích góp được một gia tài khổng lồ phần lớn nhờ sự bảo hộ của chính phủ đối với vị thế độc quyền của Tập đoàn viễn thông Telmex của ông ta. Tại Nam Phi, những nỗ lực trao quyền hợp pháp về kinh tế cho người da đen sau chế độ Apartheid đã rót những tài sản vào tay một số người có đặc quyền.

Chính sách đối với những người giàu thuận lợi bao nhiêu thì chính sách chung của nền kinh tế bất lợi bấy nhiêu đối với những người nghèo. Ở Ấn Độ, khu vực kinh tế tư nhân đang bùng nổ cùng với sự gia tăng của các mặt hàng tiêu dùng xa xỉ, nhưng nước này vẫn chưa bảo đảm được nhu cầu chăm sóc sức khỏe cơ bản cũng như cơ sở hạ tầng xã hội cho đại đa số công dân.

Theo bản báo cáo về sự giàu có trên thế giới, số người có tài sản ít nhất là 1 triệu USD ở Ấn Độ đã tăng 20,5% trong năm 2006, lên tới 100.015 người. Những người giàu hiện có mọi dịch vụ để sử dụng theo ý muốn, từ các bệnh viện tốt nhất thế giới cho tới những cửa hàng bán lẻ các mặt hàng cực kỳ đắt giá. Tuy nhiên, Viện khoa học y tế Ấn Độ mới cho biết 76% phụ nữ có hoàn cảnh sống phong lưu của nước này đang phải chịu đựng bệnh béo phì. Trong khi đó, một bản điều tra của Ngân hàng Thế giới cho biết khoảng 45% trẻ em Ấn Độ dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng nhưng chính phủ không đủ ngân sách để khắc phục gấp tình trạng này.

Trên khắp thế giới, nguồn vốn vẫn dồi dào mà lực lượng lao động thì vẫn yếu kém. Các nền kinh tế đang phát triển, trong đó có nhiều nước trước đây thuộc hệ thống xã hội chủ nghĩa đang ngày càng giống như nước Mỹ hồi những năm 1890 vì không có các công đoàn đầy quyền lực mà chỉ có một vài luật bảo vệ an toàn cho người lao động, ngoài ra không có hoặc rất ít quy định ép buộc giới chủ thực thi việc trả lương tối thiểu.

Theo một bản nghiên cứu của hai nhà kinh tế Louis Kuijs và He Jianwu, tại Trung Quốc, phần tiền lương trích từ GDP đã giảm từ 53% xuống còn 41% từ năm 1998 đến năm 2005. Về mặt danh nghĩa, một công nhân Trung Quốc kiếm được 240 USD/tháng trong năm 2006, nhưng Ngân hàng Standard Chartered đã kết luận rằng các số liệu chính thức thường phóng đại mức thu nhập chung của công nhân vì chỉ xem xét một nhóm nhỏ có đặc quyền, bao gồm các công nhân thuộc các xí nghiệp quốc doanh, các công chức và những người có năng lực chuyên nghiệp, tức là họ chỉ chiếm một phần ba trong tổng số 330 triệu người thuộc lực lượng lao động đô thị của Trung Quốc. Nhiều người trong số họ chuyển từ nông thôn ra thành thị, chỉ nhận được một khoản tiền lương thấp, không có tiền trợ cấp và được hưởng rất ít sự bảo hộ công ăn việc làm.

Phân tích điều kiện sống của những công nhân có mức thu nhập thấp nhất, ngân hàng trên ước tính tiền lương trung bình của các công nhân đô thị là 160 USD/tháng và hiện đang tăng khoảng 9-10%/năm (tương đương với tốc độ tăng trưởng kinh tế hàng năm).

Phản ứng từ người nghèo

Ngay cả ở những nước ca ngợi chủ nghĩa quân bình và phúc lợi xã hội, các mạng lưới bảo đảm an toàn lao động cũng đang trở nên căng thẳng. Số người Nhật Bản xin được hưởng trợ cấp phúc lợi xã hội đã lên tới mức cao kỷ lục. Hiện nay, 1/3 số công nhân Nhật Bản là những người làm việc không trọn ngày, mà hầu hết họ là thanh niên, thường làm việc theo những hợp đồng tạm thời nên có ít phúc lợi hoặc tiền trợ cấp. Tại Đức, sau các cuộc cải cách lao động dẫn đến việc cắt giảm các khoản tiền trợ cấp dành cho những người thất nghiệp lâu năm, những nơi phát chẩn đồ ăn lại phải tái hiện.

sn9ycYID.jpgPhóng to
Chợ ở một khu ngoại ô Bangkok, Thái Lan

Dĩ nhiên, ý tưởng đằng sau công cuộc cải cách lao động trong các nền kinh tế không linh hoạt trong lịch sử như Nhật Bản, Đức hoặc Pháp là hỗ trợ tăng trưởng, đồng thời tạo ra việc làm nhiều hơn và tốt hơn về lâu dài. Nhưng trong giai đoạn trước mắt, những lợi ích eo hẹp và khoản tiền lương ít ỏi, cộng với những sự phô trương về của cải chắc chắn làm người ta nhớ lại những ký ức trước đây ở các giai đoạn ít có sự công bằng trong lịch sử kinh tế thế giới.

Nhà kinh tế và là người phụ trách một chuyên mục của tờ Thời báo New York là Paul Krugman nhận xét: “Sự thật là chúng ta đang ở trong thời đại giàu có thứ hai. Sự bất bình đẳng về thu nhập trước khi đóng thuế và trước khi chuyển nhượng trong năm 2005 hoàn toàn giống như tình trạng này trong những năm 1920. Đã vậy, các tổ chức từ thiện tư nhân lớn - một trong những nhân tố nhằm xoa dịu nỗi bất bình của những người nghèo - lại luôn khẳng định rằng họ đang làm những điều to lớn cho tất cả chúng ta”.

Và làn sóng phản ứng từ những người nghèo đã trỗi dậy. Tại khu vực Mỹ Latin, trong những năm gần đây, tất cả các cử tri đã bỏ phiếu bầu những người theo tư tưởng dân túy. Tại Mỹ, sự phản đối xu hướng thương mại tự do đang tăng lên ngay cả trong các cử tri của đảng Cộng hòa. Trung Quốc đã có nhiều cuộc biểu tình lớn trong năm, mà phần lớn để đòi điều tra việc chiếm dụng đất đai cho đến yêu sách đền bù, hậu quả của việc gây ô nhiễm công nghiệp quá mức.

Tại Nepal, sự bất bình đẳng đã kích động một cuộc nổi dậy đẫm máu của những phần tử cực tả diễn ra từ những năm 1990. Tại Ấn Độ, các nhóm bạo động và quá khích, những phần tử trung thành với khuynh hướng cực tả về đấu tranh giai cấp thường đánh bom các cầu cống, hầm mỏ và các con đường mà các lực lượng an ninh hay qua lại, tấn công cả các nhóm cảnh sát tuần tra. Tại Hong Kong, dù chưa có bất kỳ sự phản kháng rõ rệt nhưng người dân nơi đây cảm nhận rằng mọi việc không thể tiếp tục tiếp diễn như cũ. Hàng triệu người có lúc đã có khả năng vươn lên hiện đang tay trắng, sống cuộc đời nghèo túng.

Theo HOÀI ANDoanh nhân Sài Gòn Cuối tuần/Newsweek
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên