15/08/2017 10:49 GMT+7

​Hàn Quốc khẳng định ngăn chặn chiến tranh ‘bằng mọi cách’

HOÀNG DUY LONG
HOÀNG DUY LONG

TTO - Trong khi tổng thống Donald Trump dấm dứ Bình Nhưỡng về chuyện sẵn sàng đánh phủ đầu và phía bên kia úp mở về kế hoạch tấn công đảo Guam thì hai lãnh đạo Nhật và Hàn lại lên tiếng về khả năng tránh chiến tranh.

Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae In phát biểu tại Seoul sáng 15-8 - Ảnh: REUTERS
Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae In phát biểu tại Seoul sáng 15-8 - Ảnh: REUTERS

Theo hãng tin Reuters, tổng thống Hàn Quốc Moon Jae In vừa tuyên bố sẽ “không có hành động quân sự mà không có sự đồng ý của Seoul” và chính phủ của ông sẽ ngăn chặn chiến tranh bằng mọi phương cách.

Quyền quyết định ở Seoul

Phát biểu sáng nay (15-8) nhân kỷ niệm Ngày giải phóng dân tộc khỏi sự cai trị của quân đội Nhật thời thế chiến thứ II, tổng thống Moon khẳng định chắc nịch: "Hành động quân sự trên bán đảo Triều Tiên chỉ có thể được quyết định bởi Hàn Quốc và không ai có thể quyết định hành động quân sự mà không có sự đồng ý của Hàn Quốc”.

Chính quyền sẽ theo dõi sát mọi vấn đề và sẽ ngăn chặn chiến tranh bằng mọi phương cách.
Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae In phát biểu sáng 15-8 ở Seoul

Phát biểu của nhà lãnh đạo Hàn Quốc cũng không khác những tuyên bố trước đây của ông về việc chính quyền Seoul luôn có quan hệ chặt chẽ với chính quyền Washington về những phản ứng liên quan các sự việc của bán đảo Triều Tiên.

Cũng sáng nay, tờ Thời báo Hoàn cầu của chính quyền Bắc Kinh nêu quan điểm rằng Seoul nên “đóng vai trò đệm” giữa Mỹ và Triều Tiên để ngăn chặn cuộc đối đầu trực tiếp.

"Cuộc tập trận (giữa Hàn Quốc và Mỹ vào ngày 21-8 tới) chắc chắn sẽ mang tính khiêu khích với Bình Nhưỡng nhiều hơn, và Bình Nhưỡng có thể sẽ có phản ứng cực đoan hơn", bài xã luận của Thời báo Hoàn cầu nhận định.

"Nếu Hàn Quốc thực sự không muốn có chiến tranh trên bán đảo Triều Tiên, thì nên cố gắng ngừng cuộc tập trận quân sự này", tờ báo chính thống của Trung Quốc khuyên nhủ.

Quan điểm này vẫn cứ được đưa ra mỗi khi các bên liên quan có cuộc tập trận chung và bên kia phát đi những yêu cầu ngừng tập trận như một điều kiện làm giảm nhiệt tình hình (dù kỳ thực chưa bao giờ niềm mong đợi đó được thực thi).

Ngay như Bình Nhưỡng cũng đã nêu quan điểm trước thềm cuộc tập trận thường niên “Người bảo vệ tự do Ulchi” (UFG) của quân đội Mỹ và Hàn Quốc, bắt đầu từ ngày 21-8.

Hôm qua, hãng thông tấn KCNA chỉ trích rằng cuộc tập trận sẽ làm tồi tệ thêm căng thẳng vốn đã ở đỉnh điểm trên bán đảo Triều Tiên.

“Mặc dù không ai muốn, nhưng không lực lượng nào có thể ngăn được cuộc chiến tranh nếu một sự kiện bất ngờ nào đó, dù nhỏ, làm thổi bùng ngọn lửa” - hãng thông tấn KCNA cảnh báo về chiến tranh như mọi khi.

Mô tả UFG là “một cuộc diễn tập hạt nhân quy mô trong bối cảnh tình hình xấu đi nhanh chóng trên bán đảo Triều Tiên”, cơ quan ngôn luận của chính quyền Bình Nhưỡng cho rằng sự kiện này có nguy cơ gây ra chiến tranh.

Chính quyền Bình Nhưỡng cho phát đi hình ảnh cho thấy lãnh đạo Kim Jong Un đang nghe tướng lĩnh trình bày kế hoạch tấn công đảo Guam của Mỹ. Một thông điệp để nói rằng Bình Nhưỡng
Chính quyền Bình Nhưỡng cho phát đi hình ảnh cho thấy lãnh đạo Kim Jong Un đang nghe tướng lĩnh trình bày kế hoạch tấn công đảo Guam của Mỹ vào ngày 14-8. Một thông điệp để nói rằng Bình Nhưỡng "nghiêm túc" trong chuyện tấn công chứ không phải dọa suông - Ảnh: REUTERS

Nhật gắn chặt với Mỹ

Hãng tin Reuters cũng cho biết sáng nay thủ tướng Nhật Shinzo Abe đã có cuộc điện đàm với tổng thống Mỹ Donald Trump.

Thông tin phát đi cho biết thủ tướng Abe đã nhận được cam kết từ nhà lãnh đạo Mỹ về việc Mỹ sẽ bảo vệ các đồng minh trong khu vực trước các mối đe dọa tấn công tên lửa từ Triều Tiên.

Hai nhà lãnh đạo đã đồng ý với nhau rằng ưu tiên hàng đầu đối với Triều Tiên là làm những gì có thể để ngăn chặn các cuộc phóng tên lửa của Bình Nhưỡng.

Đi sâu vào chi tiết hơn, vào ngày 17-8, bộ trưởng Quốc phòng Nhật Itsunori Onodera và bộ trưởng Ngoại giao Taro Kono sẽ đến Washington để gặp hai đồng sự Mỹ là James Mattis và Rex Tillerson để bàn thảo các giải pháp.

Theo hãng tin AFP, Nhật muốn tìm kiếm cam kết bảo vệ từ Mỹ kể cả với sức mạnh xử lý chống tấn công hạt nhân.

Một quan chức bộ Ngoại giao Nhật nhận định sáng nay: “Môi trường chiến lược đang trở nên khó đoán hơn và chúng tôi sẽ thảo luận về cách phối hợp hành động”.

Trong khi đó hai bộ trưởng Mỹ James Mattis và Rex Tillerson được cho là đang dứ ra củ cà rốt sau cây gậy của tổng thống Trump để tìm cách hạ nhiệt căng thẳng với Triều Tiên.

Trong một bài viết trên tờ Wall Street Journal, hai quan chức hàng đầu của Mỹ khẳng định Washington không có "lợi ích" trong việc thay đổi chế độ Bình Nhưỡng hay đẩy nhanh tiến trình tái thống nhất 2 miền Triều Tiên, đồng thời nhấn mạnh đến tầm quan trọng của một giải pháp ngoại giao cho cuộc khủng hoảng hiện nay, đặc biệt với sự hỗ trợ từ Trung Quốc.

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis chỉ cảnh báo Mỹ sẽ gây chiến với Triều Tiên nếu Bình Nhưỡng thực hiện kế hoạch bắn tên lửa đến Guam.

Trong khi đó, để đáp lời xoa dịu từ hai bộ trưởng Mỹ, sáng nay, hãng Thông tấn Trung ương Triều Tiên (KCNA) đưa tin nhà lãnh đạo nước này Kim Jong Un đã nghe báo cáo về kế hoạch bắn tên lửa tới gần vùng lãnh thổ Guam của Mỹ trên Thái Bình Dương

Theo KCNA, nhà lãnh đạo Kim Jong Un đã đánh giá kế hoạch trên hôm 14-8 trong chuyến thị sát bộ chỉ huy Lực lượng Chiến lược.

Tuy nhiên, nhà lãnh đạo Triều Tiên cho hay sẽ chỉ đưa ra quyết định "quan trọng" nếu Mỹ tiếp tục "những hành động liều lĩnh đặc biệt nguy hiểm" trên bán đảo Triều Tiên.

Vấn đề căng thẳng có vẻ trở lại với qui trình rất cũ của nó: một bên phát đi tín hiệu gây căng thẳng (thử tên lửa, tập trận...), bên kia phán ứng mạnh, các bên ngoài góp ý kêu gọi kiềm chế và cuối cùng là những tín hiệu hạ nhiệt.

Hi vọng kịch bản tương tự cũng sẽ xảy ra trong đợt căng thẳng lần này.

HOÀNG DUY LONG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên