15/08/2017 10:14 GMT+7

Bộ Ngoại giao Nga: Căng thẳng Triều Tiên do Mỹ 'quá kích động'

TRẦN PHƯƠNG
TRẦN PHƯƠNG

TTO - Bộ Ngoại giao Nga cảnh báo căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên có khả năng rất cao sẽ biến thành xung đột vũ lực, cho rằng Mỹ quá kích động và chưa lường hết được hậu quả của tình hình.

*** Error ***
Biểu tình kêu gọi đàm phán hòa bình với Bình Nhưỡng trước Nhà Trắng ở Washington - Ảnh: REUTERS

Trong cuộc phỏng vấn với kênh truyền hình Nước Nga - 1 ngày 13-8, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova cho biết tình hình ở khu vực đã tiến rất gần tới khả năng xảy ra một cuộc xung đột vũ lực.

Đại diện Bộ Ngoại giao Nga nhấn mạnh nếu kịch bản này thật sự xảy ra và nếu tình hình thực sự diễn biến theo cách mà Mỹ đã đe dọa, đây sẽ là một thảm họa thực sự.

Hàn Quốc: “Triều Tiên sẽ còn khiêu khích”

Theo bà Zakharova, Washington dường như không hiểu được hậu quả nghiêm trọng của một cuộc xung đột vũ trang, bởi nó sẽ ảnh hưởng đến tất cả các nước trong khu vực chứ không chỉ có Washington.

“Các đại biểu trong chính quyền, quốc hội (Mỹ) trấn an người dân rằng họ không cần lo lắng chuyện đó vì nó sẽ không làm chết ai ở Mỹ mà là ở các nước khác. Không chỉ ám chỉ Triều Tiên, tôi nghĩ nó cũng có nghĩa là Hàn Quốc nữa” - bà Zakharova cho biết.

Bà Zakharova chỉ trích giới chính trị cấp cao nhất ở Mỹ đang quá kích động về vấn đề Triều Tiên. “Mọi người có thể thấy chuyện gì đang xảy ra ở Mỹ, một cuộc chiến lớn đang diễn ra ở đó, cuộc chiến kéo dài từ quá khứ cho đến tương lai... Rõ ràng là câu chuyện về Triều Tiên, vấn đề chương trình hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên nói chung, đang đóng vai trò như chỉ dẫn chính sách nội bộ của Mỹ” - bà nhận định.

Nhưng giới lãnh đạo Mỹ vẫn tỏ ra khá lạc quan. “Chúng ta không tiến gần tới chiến tranh hơn so với tuần trước đâu” - cố vấn an ninh quốc gia Mỹ H. R. McMaster trấn an ngày 13-8. Giám đốc Cơ quan Tình báo trung ương Mỹ (CIA) Mike Pompeo cũng khẳng định không có bằng chứng cho thấy tình hình có thể biến thành xung đột vũ lực.

“Tôi nghe nhiều lập luận rằng Mỹ đang bên bờ chiến tranh hạt nhân với Triều Tiên nhưng không có thông tin tình báo nói rằng sẽ xảy ra tình huống đó” - ông Pompeo nhấn mạnh.

Dù vậy, ông cũng nói rằng Triều Tiên sẽ tiếp tục cố gắng phát triển tên lửa đạn đạo mang đầu đạn hạt nhân có khả năng bay tới nước Mỹ.

Thứ trưởng quốc phòng Hàn Quốc Suh Choo Suk cũng cho rằng Triều Tiên sẽ còn khiêu khích, bao gồm thử hạt nhân, nhưng không có chuyện xảy ra xung đột thực sự.

Nỗ lực hạ nhiệt

Trong khi đó, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae In ngày 14-8 khẳng định không để xảy ra chiến tranh. “Tình hình hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên phải được giải quyết hòa bình. Tôi tin Mỹ sẽ phản ứng bình tĩnh và có trách nhiệm” - ông Moon khẳng định.

Seoul hôm 13-8 đã trải qua một phen căng thẳng khi chuyên trang về vấn đề Triều Tiên 38 North dẫn các hình ảnh vệ tinh cho rằng Bình Nhưỡng đang chuẩn bị phóng một tên lửa đạn đạo khác. Tuy nhiên chính quyền Seoul ngay sau đó đã bác bỏ phỏng đoán này.

Còn tại Washington, Bộ trưởng quốc phòng James Mattis và Ngoại trưởng Rex Tillerson ngày 14-8 trong bài bình luận viết chung trên Wall Street Journal cũng dịu giọng cho rằng “chiến dịch gây sức ép một cách hòa bình” của Mỹ chỉ nhằm giải trừ hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên.

“Chúng tôi đang thay chính sách 'kiên nhẫn chiến lược' đã thất bại với một chính sách mới” - hai bộ trưởng Mỹ viết.

Bình Nhưỡng họp khẩn với các đại sứ

Bình Nhưỡng ngày 14-8 tiếp tục đe nẹt rằng “chiến tranh Triều Tiên lần hai không có lựa chọn nào khác, sẽ là chiến tranh hạt nhân”.

Cuối tuần qua, truyền thông Triều Tiên cũng khẳng định 3,5 triệu người đã đăng ký nhập ngũ chuẩn bị đánh Mỹ.

Hãng tin Yonhap của Hàn Quốc cho biết Bình Nhưỡng đang triệu tập đại sứ ở các nước lớn, như Trung Quốc, Nga và tại Liên Hiệp Quốc để thảo luận cách đối phó với tình hình quốc tế khó khăn mà Triều Tiên đang gặp phải.

Trung Quốc cấm vận Triều Tiên

Kể từ hôm nay (15-8), Trung Quốc sẽ thực hiện chương trình cấm vận mới của Liên Hiệp Quốc đối với Triều Tiên, theo đó sẽ tạm dừng nhập khẩu sắt, quặng sắt và hải sản từ nước này.

Quyết định được Bắc Kinh đưa ra ngày 14-8 và được xem là một động thái giúp hạ nhiệt, trong bối cảnh căng thẳng leo thang đỉnh điểm từ cuộc khẩu chiến giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un những ngày qua.

Tháng 2-2017, Bắc Kinh cũng đã dừng nhập khẩu than từ Bình Nhưỡng.

Lệnh trừng phạt Triều Tiên được Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc thông qua ngày 6-8 và có thể khiến Bình Nhưỡng mất khoảng 1 tỉ USD mỗi năm. Đây là đòn trả đũa việc Bình Nhưỡng hai lần phóng thử tên lửa đạn đạo liên lục địa vào tháng trước. Sau vụ thử, lãnh tụ Kim Jong Un đã tuyên bố toàn bộ nước Mỹ giờ đây ở trong tầm ngắm của tên lửa Triều Tiên.

DUY KHÔI

TRẦN PHƯƠNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên