08/08/2017 17:23 GMT+7

​Ủng hộ cấm vận Triều Tiên, Bắc Kinh được ‘thưởng’ gì?

MINNH TRUNG
MINNH TRUNG

TTO - Một quan chức Nhà Trắng tiết lộ Tổng thống Donald Trump đã hoãn một cuộc điều tra thương mại chống lại Trung Quốc sau khi Bắc Kinh ủng hộ lệnh trừng phạt Triều Tiên.

Tổng thống Donald Trump bắt tay Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình bên lề Hội nghị G20 tại Đức hồi tháng 7 - Reuters
Tổng thống Mỹ Donald Trump bắt tay Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (phải) bên lề Hội nghị G20 tại Đức hồi tháng 7 - Ảnh: REUTERS

Theo hãng tin Bloomberg, nguồn tin từ chính phủ Mỹ cho biết ông Trump và dàn cố vấn rất quan ngại về các vi phạm sở hữu trí tuệ của Trung Quốc và đang cân nhắc một cuộc điều tra thương mại.

Thông tin này đã được "rò rỉ" từ cả tuần trước với những nhắn nhe là Bắc Kinh sẽ bị ảnh hưởng sau quyết định của vị lãnh đạo Nhà Trắng dự tính công bố hôm 4-8 vừa rồi.

Lá bài tố của ông Trump

Hãy chú ý đến yếu tố thời gian bởi ngày 5-8 là ngày các thành viên Hội đồng Bảo an LHQ bỏ phiếu thông qua nghị quyết trừng phạt mới đối với Triều Tiên. Nghị quyết này do Mỹ chấp bút và vận động lá phiếu của các thành viên.

Bắc Kinh đã gật đầu và thậm chí còn tuyên bố "chấp nhận chịu thiệt" để "chắc chắn sẽ triển khai nghị quyết mới 100%, đầy đủ và nghiêm túc" như cam kết của Bộ trưởng Ngoại giao Vương Nghị tại Manila hôm 7-8.

Phải chăng vì thế mà theo lời vị quan chức Mỹ giấu tên, Nhà Trắng đã “khích lệ” và “thưởng” cho Trung Quốc vì sự hợp tác trong vấn đề Triều Tiên bằng việc tạm ngưng công bố quyết định điều tra. Song song đó, Washington muốn có thời gian tính toán kỹ hơn để tìm cách cân bằng giữa an ninh quốc gia và lợi ích kinh tế trong nước.

Theo Bloomberg, có khả năng ông Trump sẽ chờ ít nhất đến khi chuyến đi “vừa nghỉ, vừa làm” của ông ở Bedminster, bang New Jersey kết thúc (cuối tháng 8) trước khi quyết định các bước tiếp theo của cuộc điều tra. 

Tuần trước, trang Politico cũng dẫn các nguồn tin ẩn danh tiết lộ động thái điều tra thương mại chống lại Trung Quốc đã bị hoãn lại vô thời hạn.

Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc ngày 5-8 đã nhất trí thông qua các biện pháp hạn chế hoạt động xuất khẩu than, sắt, chì và hải sản của Triều Tiên. Trung Quốc, quốc gia có quyền bỏ phiếu phủ quyết và là đồng minh của Bình Nhưỡng, đã ủng hộ lệnh trừng phạt trong nỗ lực thúc đẩy các bên đi đến đối thoại.

Tổng thống Donald Trump đã ca ngợi sự ủng hộ của Trung Quốc và Nga, nói rằng ông “cảm kích” lá phiếu của họ.

Trung Quốc cũng có bài của mình

Bắc Kinh luôn nhắn nhe với Washington mỗi khi bị đe dọa rằng quan hệ giao thương giữa hai nước là "quan hệ hai bên cùng có lợi" chứ không chỉ Mỹ bị thiệt thòi.

Hôm 4-8, ông Gao Feng - phát ngôn viên của Bộ Thương mại Trung Quốc, đã lên tiếng kêu gọi Mỹ tiến hành đối thoại và tham vấn với phía Trung Quốc nhằm giải quyết các bất đồng trong thương mại theo qui định của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO).

Truyền thông Trung Quốc cũng tranh thủ dẫn lời các chuyên gia kinh tế và thương mại phân tích thiệt hơn. 

Ông Mei Xinyu - nhà nghiên cứu của Viện thương mại quốc tế và hợp tác kinh tế thuộc Bộ Thương mại Trung Quốc, chỉ rõ: "Đây chỉ là thủ thuật dọa dứ trong đàm phán của Mỹ để gây áp lực với Trung Quốc nhằm buộc Trung Quốc chấp nhận những yêu sách có lợi cho Mỹ".

"Trung Quốc ngày nay không còn như 20 năm trước. Ngày nay chúng ta là nền kinh tế lớn thứ hai thế giới và là cường quốc thương mại lớn nhất. Chúng ta có nhiều công cụ để đương đầu với Mỹ", ông Mei nhấn mạnh.

Trong khi đó, ông Huo Jianguo - phó chủ tịch Hội nghiên cứu về Tổ chức thương mại quốc tế trực thuộc Bộ Thương mại Trung Quốc, cho rằng ông Trump chỉ đang tìm mọi cách gây sức ép với Trung Quốc để "giữ lời hứa lúc tranh cử và làm giảm áp lực trong nước".

Nếu ông Trump muốn tìm kiếm những lợi ích nhỏ bằng cách gây hấn với Trung Quốc thì tôi nghĩ ông ta sai lầm nghiêm trọng và tự bắn vào chân mình
Huo Jianguo - phó chủ tịch Hội nghiên cứu về Tổ chức thương mại quốc tế trực thuộc Bộ Thương mại Trung Quốc
Các doanh nghiệp Mỹ cũng như phương tây luôn đòi hỏi Bắc Kinh thực sự mở cửa và đối xử công bằng với các doanh nghiệp nước ngoài. Trong ảnh là nhà hàng McDonald ở thành phố Thâm Quyến của Trung Quốc - Ảnh: REUTERS
Các doanh nghiệp Mỹ cũng như phương tây luôn đòi hỏi Bắc Kinh thực sự mở cửa và đối xử công bằng với các doanh nghiệp nước ngoài. Trong ảnh là nhà hàng McDonald's ở thành phố Thâm Quyến của Trung Quốc - Ảnh: REUTERS

Mỹ cũng cần Trung

Thực tế cũng cho thấy Mỹ cũng cần Trung Quốc với hàng hóa giá cả phù hợp và những đầu tư, những hợp đồng tạo ra việc làm.

Ngay cả đài CNBC cũng đưa tin rằng lần này các nhóm vận động nông nghiệp đã gây áp lực lên đại diện thương mại Hoa Kỳ Robert Lighthizer để “nương tay” với Bắc Kinh, bởi lẽ đậu nành là một trong những sản phẩm xuất khẩu lớn nhất của Mỹ vào Trung Quốc. Hơn nữa, mới tháng trước lần đầu tiên Bắc Kinh đồng ý mở cửa thị trường cho gạo của Mỹ.

Dù Trung Quốc vẫn cảnh báo bằng những từ như "chiến tranh thương mại" hay "hỗn loạn" nhưng xem ra "ông trùm đàm phán" Donald Trump sẽ không bỏ qua cơ hội thúc ép Trung Quốc vào lúc ban lãnh đạo chính trị tập trung cho việc định hình dàn lãnh đạo mới.

Cuộc điều tra của Washington, nếu diễn ra, sẽ tập trung vào các cáo buộc Trung Quốc xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ của Mỹ.

Hiện nay, thế giới, trong đó đặc biệt là Mỹ, quan ngại Trung Quốc đang làm mọi cách để giành vị trí số 1 thế giới trong lĩnh vực công nghệ, chẳng hạn như sản xuất vi xử lý, xe điện…

Trong báo cáo gửi đến Quốc hội Mỹ tháng trước, Văn phòng Đại diện thương mại Mỹ cáo buộc Trung Quốc có dính líu đến hàng loạt các hoạt động xâm phạm tài sản trí tuệ, bao gồm ăn cắp bí mật thương mại, trộm cắp / làm giả trên mạng và cả xuất khẩu hàng giả đi khắp thế giới.

Năm 2016, trao đổi hàng hóa giữa Mỹ và Trung Quốc lên tới 648,2 tỉ USD, trong đó Mỹ xuất sang Trung Quốc trị giá 169,3 tỉ USD và Trung Quốc hưởng lợi với xuất siêu 478,9 tỉ USD. 

MINNH TRUNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên