07/08/2017 01:13 GMT+7

Khởi đầu cho đàm phán thực chất

QUỲNH TRUNG
QUỲNH TRUNG

TTO - Tại cuộc họp chiều 6-8 ở Manila, Philippines, ngoại trưởng các nước ASEAN và Trung Quốc đã chính thức thông qua thỏa thuận khung của Bộ quy tắc ứng xử giữa các bên trên Biển Đông (COC).

Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị (thứ 5 từ trái sang) và các ngoại trưởng ASEAN - Ảnh: AFP
Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị (thứ 5 từ trái sang) và các ngoại trưởng ASEAN - Ảnh: AFP

“Thỏa thuận khung COC giống như DOC được gói lại cho đẹp hơn, bởi vì các cơ chế giải quyết tranh chấp hay đề cập đến các điều khoản của Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật biển (UNCLOS) đều bị loại ra

Richard Heydarian, chuyên gia chính trị quốc tế người Philippines

Việc thông qua thỏa thuận khung chỉ là bước khởi đầu tiến trình đàm phán thực chất COC trong thời gian sắp tới.

Dự kiến văn kiện này sẽ được trình lên các lãnh đạo hai bên xem xét tại Hội nghị thượng đỉnh ASEAN diễn ra ở Manila tháng 11 năm nay.

“COC phải ràng buộc pháp lý”

Trả lời báo chí bên lề AMM45, Tổng thư ký ASEAN Lê Lương Minh cho rằng thỏa thuận khung COC phải có tính ràng buộc pháp lý.

“Thỏa thuận khung này hi vọng sẽ mở đường cho các cuộc đàm phán ý nghĩa và thực chất để tiến tới thiết lập COC. COC không chỉ giúp ngăn chặn mà còn xử lý các sự cố đã diễn ra từ trước đến nay.

Để có một COC hiệu quả thì nó phải có tính ràng buộc pháp lý” - báo The Straits Times dẫn lời ông Lê Lương Minh.

Ngoại trưởng Philippines Alan Peter Cayetano cho biết nước này cũng mong muốn thúc đẩy một COC có tính ràng buộc pháp lý.

Trước đó, trong cuộc họp báo ngày 5-8, người phát ngôn Bộ Ngoại giao nước chủ nhà Philippines Robespierre Bolivar cũng nhấn mạnh bản dự thảo khung COC được coi như là một phác thảo định nghĩa bản chất của bộ quy tắc ứng xử, nêu chi tiết cơ sở pháp lý cũng như cách hành xử của các nước trong khu vực.

Trả lời báo chí sau cuộc họp chiều 6-8, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị cho rằng việc thông qua thỏa thuận khung COC sẽ tạo ra một nền tảng vững chắc cho các cuộc đàm phán có thể bắt đầu trong năm nay, nếu “tình hình Biển Đông ổn định và không có sự can thiệp lớn từ các nước bên ngoài”, theo Reuters. ASEAN và Trung Quốc sẽ xem xét thông báo bắt đầu chính thức đàm phán câu chữ của COC, khi các lãnh đạo hai bên gặp nhau tại Hội nghị thượng đỉnh ASEAN ở Manila tháng 11 năm nay.

Dù chi tiết thỏa thuận khung COC chưa được công bố nhưng báo The Straits Times cho biết theo thỏa thuận khung này, COC không phải là “một công cụ dùng giải quyết các tranh chấp lãnh thổ hay các vấn đề phân định vùng biển”.

Thay vào đó, nó giúp thúc đẩy “niềm tin, hợp tác và sự tin cậy, ngăn chặn các sự cố, xử lý các sự cố sẽ xảy ra và tạo ra một môi trường thuận lợi cho việc giải quyết hòa bình các tranh chấp”.

Chiến thuật “đàm và chiếm”

Trao đổi với Tuổi Trẻ, TS Collin Koh, Trường nghiên cứu quốc tế S. Rajaratnam (RSIS) trụ sở ở Singapore, cho biết thỏa thuận khung COC chỉ phác thảo một bộ quy tắc hướng dẫn thảo luận các chi tiết của COC trong thời gian sắp tới.

“Không phải tất cả quốc gia thành viên ASEAN đều mong muốn COC có ràng buộc pháp lý. Trước AMM45, Manila và Kuala Lumpur đã tuyên bố rằng họ chỉ muốn có một thỏa thuận “nhẹ nhàng”, thật không khả thi để có một COC ràng buộc pháp lý. Ngoài ra, nếu COC ràng buộc pháp lý thì cũng không có cách nào thực thi nó” - ông Collin Koh bình luận.

Còn ông Richard Heydarian, chuyên gia chính trị quốc tế người Philippines, thẳng thắn nhận định: “Vòng đàm phán cuối cùng về thỏa thuận khung COC giống như một phần của chiến thuật “talk and take” (đàm và chiếm) mà Trung Quốc đã sử dụng nhiều lần.

Theo đó, Bắc Kinh tiếp tục các hoạt động xây dựng trên Biển Đông mỗi ngày, đồng thời tham dự một loạt cuộc trao đổi ngoại giao mà không có sự cam kết rõ ràng với bất kỳ quy tắc nào.

Ngoài ra, đàm phán COC cũng giúp Trung Quốc gửi đi thông điệp đến các nước bên ngoài, cụ thể là Mỹ, hãy tránh xa các cuộc tranh chấp ở Biển Đông bởi các bên đang có cuộc đàm phán hòa bình” - chuyên gia Philippines bình luận.

Theo tin từ Bộ Ngoại giao Việt Nam, trong cuộc họp cấp ngoại trưởng giữa ASEAN và Trung Quốc ngày 6-8, các nước tiếp tục nhấn mạnh ưu tiên hợp tác thực chất trên các lĩnh vực thương mại, kết nối, thu hẹp khoảng cách phát triển, tăng cường hội nhập khu vực, phát triển hạ tầng cơ sở và tăng cường năng lực sản xuất, triển khai hiệu quả Kế hoạch hành động ASEAN - Trung Quốc giai đoạn 2016-2020, Hiệp định thương mại tự do ASEAN - Trung Quốc (ACFTA) cũng như đẩy nhanh tiến trình đàm phán Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP)...

Ngoài ra, ASEAN và Trung Quốc nhất trí chủ đề hợp tác ASEAN - Trung Quốc năm 2018 là Năm sáng tạo và ký biên bản ghi nhớ sửa đổi về Trung tâm ASEAN - Trung Quốc.

QUỲNH TRUNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên