19/07/2017 11:17 GMT+7

Triệu phú Nhật tích của để sống hưởng thụ

PHÚC LONG
PHÚC LONG

TTO - Nhật Bản vẫn là một trong những quốc gia giàu có nhất với thị trường tiêu dùng đầy sức hấp dẫn với hàng triệu triệu phú đang muốn xài tiền để hưởng thụ thay cho việc chắt chiu, dành dụm.

Phụ nữ Nhật trong trang phục truyền thống kimono tại lễ hội Mitama ở Tokyo ngày 13-7 - Ảnh: Reuters
Phụ nữ Nhật trong trang phục truyền thống kimono tại lễ hội Mitama ở Tokyo ngày 13-7 - Ảnh: Reuters

Cách thức tổ chức và vận hành của xã hội Nhật Bản chỉ tạo ra những người ở mức tương đối giàu và ít người siêu giàu"

Ông HIROYUKI MIYAMOTO (Viện nghiên cứu Nomura, Tokyo)

Cách đây không lâu, chủ tịch Toshihiko Aoyagi của JR Kyushu - công ty đường sắt lớn nhất đảo Kyushu - có một vấn đề không biết giải quyết ra sao: khách đi tàu của công ty ông quá ít. 

Dân số Nhật đang già đi và người về hưu không có nhu cầu di chuyển đến nơi làm việc. Vậy làm sao để người dân bỏ tiền ra mua một thứ mà họ không thật sự cần?

Câu trả lời của ông Aoyagi: nâng cao chất lượng các đoàn tàu lên hàng “siêu sang”. Chiến lược này thành công đến nỗi hai hãng đường sắt lớn khác của Nhật cũng bắt chước.

Tràn ngập... triệu phú

Sau bảy lần suy thoái trong hai thập kỷ, người Nhật vẫn còn rất nhiều tiền, dù đó là điều mà người ta thường hay dễ quên.

Nền kinh tế Nhật không tạo ra nhiều người siêu giàu, chỉ có 6 người Nhật lọt được vào danh sách 500 người giàu nhất của hãng tin Bloomberg, nhưng nếu đếm số lượng triệu phú đô la thì xứ sở mặt trời mọc chỉ xếp sau nền kinh tế lớn nhất là Mỹ.

Theo Báo cáo tài sản thế giới (World Wealth Report) của Hãng tư vấn Capgemini, nếu tính số cá nhân sở hữu khối tiền mặt từ 1 triệu USD trở lên thì Nhật có một lực lượng đông đến 2,7 triệu người.

Con số này nhiều hơn số triệu phú của Đức và Trung Quốc cộng lại.

Sự thịnh vượng này dẫn đến nhu cầu hưởng thụ cao. Năm ngoái, Nhật Bản là nước duy nhất trên thế giới có thị trường tiêu dùng xa xỉ tăng trưởng.

Ông Fujio Umemoto là một công dân Nhật điển hình. Sau nhiều năm dành dụm và nhận được một khoản thưởng hưu trí, người đàn ông 67 tuổi cho biết hiện tại ông có rất nhiều thời gian và tiền bạc để hưởng thụ.

“Các khoản nợ đã được trả hết và tôi đã hoàn thành việc nuôi dạy con cái. Tôi không cần thêm thứ gì nữa. Tôi muốn xài tiền để có thêm trải nghiệm và những kỷ niệm”, ông Umemoto tâm sự.

Những người như ông Umemoto chính là các “thượng đế tiềm năng” của thị trường dịch vụ xa xỉ. Túi xách Hermes, đồng hồ Rolex... vẫn là những lựa chọn hàng đầu, nhưng bên cạnh đó ngày càng có nhiều người nghỉ hưu ở Nhật chọn trải nghiệm những dịch vụ di chuyển - du lịch cao cấp.

“Nhật Bản có một thị trường xa xỉ cực kỳ tuyệt vời, thị phần của mảng du lịch đang dần bắt kịp với các dịch vụ khác” - ông Greg Schulze, điều hành Hãng lữ hành Expedia Inc., đánh giá.

Hàng hóa, dịch vụ xa xỉ

Sự phục hồi của thị trường chứng khoán giúp đẩy số lượng triệu phú tại Nhật lên 11% năm 2015, theo số liệu của Capgemini. Và cùng với đó, khoảng cách giàu nghèo cũng đang nới rộng hơn.

So với đỉnh cao hồi năm 1997, lương bổng và các khoản phúc lợi tại Nhật đã giảm trung bình 10%, theo Cục Thuế quốc gia Nhật Bản.

Biểu hiện rõ nhất của tình trạng giảm phát là phần lớn thị trường tiêu dùng Nhật chuyển sang các thương hiệu giá rẻ như nội thất Nitori hay thời trang Uniqlo.

Nhưng nếu tính riêng ngành kinh doanh hàng hóa - dịch vụ xa xỉ, bức tranh vĩ mô không ảnh hưởng mấy đến tầng lớp người tiêu dùng này.

Công ty Expedia thống kê tỉ lệ người Nhật đặt vé máy bay hạng sang tăng nhanh gấp đôi so với hạng phổ thông trong năm ngoái.

Còn JTB Corp - hãng lữ hành lớn nhất Nhật Bản - cho biết số lượng khách hàng phân khúc cao cấp của họ đã tăng 10 lần so với năm 2003.

Theo xu hướng chung, ngành du lịch tàu biển tại Nhật cũng đang phất chưa từng thấy với số khách hàng tăng 12%, lên mức kỷ lục 248.000 người năm 2016.

Hãng tàu biển Nippon Yusen K.K tiết lộ tour du lịch vòng quanh thế giới dài 3 tháng rưỡi của họ bán gần hết sạch vé chỉ trong ngày đầu tiên, với chiếc vé đắt nhất trị giá khoảng 230.000 USD.

Nhìn thấy tiềm năng ngon lành, các hãng tàu biển khác như Princess Cruises (Mỹ), Genting Hong Kong (Trung Quốc), MSC Cruises (Ý)... đang lên kế hoạch tấn công thị trường Nhật trong hai năm tới.

210.000 USD là số tiền một người làm công ăn lương trung bình ở Nhật nhận được sau khi cống hiến cả đời cho một công ty, hay còn gọi là “quà về hưu”, theo khảo sát của Liên đoàn Doanh nghiệp Nhật Bản.

PHÚC LONG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên