18/07/2017 19:18 GMT+7

Triều Tiên im lặng, Hàn Quốc sẽ tăng thêm ngân sách quốc phòng

BẢO DUY
BẢO DUY

TTO - Ngày 18-7, một ngày sau khi Hàn Quốc đề xuất đối thoại quân sự liên Triều, Triều Tiên vẫn chưa trả lời. Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae In, trong khi đó, tuyên bố sẽ chi thêm tiền cho quân đội.

Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae In - Ảnh: Reuters
Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae In - Ảnh: Reuters

Hãng thông tấn Yonhap của Hàn Quốc dẫn lời người đứng đầu nước này ngày 18-7 cam kết sẽ tăng ngân sách quốc phòng từ mức 2,4% như hiện nay lên mức 2,9% GDP trong 5 năm tới. 

Cam kết trên được Tổng thống Hàn Quốc đưa ra trong một cuộc họp với các chỉ huy hàng đầu của quân đội nước này. Nếu đúng như cam kết, ngân sách quốc phòng của Hàn Quốc sẽ tăng từ mức khoảng 40.300 tỷ won (35,9 tỷ USD) hiện nay lên tới 50.000 tỷ won vào năm 2022.

Cũng tại cuộc họp, tổng thống Moon cho biết chính phủ sẽ tìm cách đối thoại với Triều Tiên về vấn đề hạt nhân. Tuy nhiên ông nhấn mạnh cuộc đối thoại này sẽ chỉ có ý nghĩa khi nó được tiến hành trên cơ sở khả năng quốc phòng của Hàn Quốc vượt trội.

Trong thời gian tranh cử, ông Moon đã nêu ra cách tiếp cận kép đối với Bình Nhưỡng. Đó là sẵn sàng đối thoại với Triều Tiên nhưng cũng không ngại các đòn trừng phạt cứng rắn.

Hôm qua (17-7), Bộ Quốc phòng Hàn Quốc đã đề nghị đối thoại quân sự với Triều Tiên. Đây được xem là động thái hiếm hoi và chính thức của chính quyền ông Moon trong vấn đề Triều Tiên.

Phát biểu trong cuộc họp báo ngày 18-7, người phát ngôn Bộ Quốc phòng Hàn Quốc xác nhận hiện chưa có phản hồi từ phía Triều Tiên. Tuy nhiên, vị này khẳng định sẽ có các hành động bổ sung phù hợp với phản ứng của Triều Tiên.

Trong diễn biến khác liên quan, chính phủ Nhật Bản ngày 18-7 tuyên bố đề xuất của Hàn Quốc về tiến hành đối thoại quân sự liên Triều không mâu thuẫn với chính sách gia tăng sức ép với Triều Tiên được các nhà lãnh đạo Tokyo, Washington và Seoul khẳng định đầu tháng này. 

Phát biểu trong cuộc họp báo, Chánh Văn phòng Nội các Nhật Bản Yoshihide Suga nói thẳng đề xuất của Hàn Quốc là nhằm đoàn tụ các gia đình bị ly tán trong chiến tranh Triều Tiên (1950-1953) và ngừng các hành động thù địch ở giới tuyến quân sự giữa hai miền Triều Tiên. Theo ông Suga, kế hoạch này không gây khó khăn cho Nhật Bản, Mỹ và Hàn Quốc trong việc tăng cường sức ép đối với Triều Tiên. 

Cùng ngày, từ New York (Mỹ), Ngoại trưởng Nhật Bản Fumio Kishida nhấn mạnh Nhật Bản sẽ "duy trì phối hợp chặt chẽ với Hàn Quốc và cộng đồng quốc tế để hối thúc Triều Tiên có những hành động cụ thể hướng đến một giải pháp toàn diện cho các vấn đề còn tồn tại". 

BẢO DUY
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên