17/07/2017 13:51 GMT+7

Mỹ đang thuyết phục Đông Nam Á nghỉ chơi Triều Tiên?

DUY LINH
DUY LINH

TTO - Chuyến đi Đông Nam Á của Joseph Yun - Đặc sứ chính sách Triều Tiên của Mỹ, được cho là nhằm thuyết phục các nước trong khu vực ngừng giao thương với Triều Tiên.

Lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un đang đứng trước áp lực và đe dọa trừng phạt vì các vụ bắn thử tên lửa trong mấy tháng gần đây - Ảnh chụp màn hình
Lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un - Ảnh chụp màn hình

Thông cáo của Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết ông Yun sẽ có chuyến thăm tới Myanmar và Singapore từ ngày 11 đến 18-7. Việc dành hẳn một tuần chỉ để thăm 2 nước cho thấy Phó trợ lý ngoại trưởng Mỹ đặc trách khu vực Đông Á sẽ có rất nhiều việc phải làm.

"Đó chắc hẳn là nhiệm vụ không dễ dàng cho ông Yun", đài CNN nhận định. Hai quốc gia mà ông Yun đến, một được đánh giá là thiên đường của các công ty giúp Triều Tiên tránh lệnh trừng phạt của Liên Hiệp Quốc; một là bạn hàng mua vũ khí truyền thống của Bình Nhưỡng.

Nhiệm vụ khó ở Myanmar

Một trong những nhiệm vụ hàng đầu của đặc sứ Yun khi đến Myanmar, theo CNN, là cố gắng thuyết phục bạn hàng mua vũ khí lâu năm của Bình Nhưỡng đứng cùng Mỹ trong nỗ lực ngăn cản chương trình tên lửa/hạt nhân của Triều Tiên.

Báo cáo của Bộ Tài chính Mỹ cho thấy, trước năm 2015 - thời điểm diễn ra cuộc bầu cử dân chủ đưa đảng của bà Aung San Suu Kyi lên cầm quyền, Myanmar là nhà nhập khẩu vũ khí và công nghệ quốc phòng hàng đầu của Triều Tiên. 

Mặc dù đã không còn nắm quyền, tuy nhiên, quân đội Myanmar vẫn được đánh giá là có ảnh hưởng lớn trong việc định hướng mối quan hệ với Bình Nhưỡng.

Trao đổi với Reuters ngày 17-7, ông Kyaw Zeya, Thư ký thường trực Bộ Ngoại giao Myanmar khẳng định nước này không có quan hệ quân sự với Triều Tiên. "Đó chỉ là mối quan hệ bình thường giữa hai nước thôi. Theo như tôi hiểu, không có mối quan hệ giữa hai quân đội. Chắc chắn không", ông Zeya nhấn mạnh.

Điều này đang khiến áp lực trách nhiệm ngày càng đè nặng lên vai ông Yun nếu nhìn lại một số diễn biến gần đây.

Đặc sứ chính sách Triều Tiên của Mỹ, ông Joseph Yun (phải), trả lời phỏng vấn báo chí tại Nhật Bản hồi tháng 4-2017. Ông Yun cũng là người đã bay tới Bình Nhưỡng để đón sinh viên người Mỹ Otto Warmbier được Triều Tiên phóng thích với lý do nhân đạo - Ảnh: Reuters
Đặc sứ chính sách Triều Tiên của Mỹ, ông Joseph Yun (phải), trả lời phỏng vấn báo chí tại Nhật Bản hồi tháng 4-2017. Ông Yun cũng là người đã bay tới Bình Nhưỡng để đón sinh viên người Mỹ Otto Warmbier được Triều Tiên phóng thích với lý do nhân đạo - Ảnh: Reuters

Chính quyền Washington đã thể hiện thái độ cứng rắn đối với những công ty, cá nhân nước ngoài dính líu tới chương trình hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên.

Vài ngày sau khi Mỹ trừng phạt Ngân hàng Đan Đông của Trung Quốc với cáo buộc chuyển tiền giúp Triều Tiên, Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson đã giải thích rõ quan điểm của Mỹ: "Những quốc gia nào chứa chấp lao động Triều Tiên, cung cấp cho Bình Nhưỡng các lợi ích kinh tế hay quân sự, hoặc không thực thi đầy đủ các nghị quyết trừng phạt của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc (LHQ) là đang hỗ trợ và đồng lõa với một chính quyền nguy hiểm".

Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin trong khi đó tuyên bố "sẽ tiếp tục chặn đứng các nguồn tiền của Triều Tiên cho tới khi nào hành xử một cách thích hợp hơn". Việc Bình Nhưỡng liên tục thử tên lửa đạn đạo trong những tháng gần đây đang khiến nước này đứng trước áp lực đe dọa ngày càng nhiều từ Mỹ.

Bộ Ngoại giao Myanmar không phản hồi yêu cầu bình luận của đài CNN về chuyến thăm của ông Yun và mối quan hệ với Triều Tiên.

Ông Anthony Ruggiero, một cựu quan chức cấp cao của Bộ Tài chính Mỹ, cho rằng việc thuyết phục được Myanmar không phải là chuyện một sớm một chiều.

Tuy nhiên, "ít nhất ông Yun cũng sẽ nhắc lại một chuyện rằng Mỹ đang quan sát tất cả mọi thứ", ám chỉ các hoạt động giao thương giữa Myanmar và Triều Tiên đang trong tầm ngắm của Washington.

"Muốn làm ăn bằng đồng đô la Mỹ hay bắt tay với Triều Tiên?"

Đó là câu hỏi sớm muộn sẽ được Washington đặt ra đối với các quốc gia, ngân hàng và những công ty nghi dính líu tới Triều Tiên, ông Ruggiero nhận định.

Một số công ty có trụ sở tại Myanmar và Singapore trong nhiều năm qua bị cáo buộc là bức bình phong cho các hoạt động mua bán vũ khí của Bình Nhưỡng.

Một báo cáo được công bố gần đây của LHQ đã chỉ đích danh công ty Pan System Bình Nhưỡng, thông qua một loạt các công ty và tài khoản tại các ngân hàng ở Trung Quốc, Indonesia, Malaysia, Singapore,... để qua mặt các lệnh trừng phạt, mua bán các cấu thành vũ khí.

Pan System là một công ty của Singapore, theo đài CNN. Tuy nhiên, đại diện của công ty này khẳng định chi nhánh ở Bình Nhưỡng là "giả mạo", do Triều Tiên "tự dựng lên và tự điều phối hoạt động, không liên quan tới Pan Systems Singapore".

Trước đó, hồi năm 2014, công ty vận tải Chinpo đăng ký tại Singapore cũng bị điều tra hình sự vì làm ăn với Công ty quản lý hàng hải đại dương của Triều Tiên - vốn nằm trong sổ bìa đen cấm vận của LHQ. Bộ Ngoại giao Singapore khi đó xác nhận và cho biết Chinpo đã bị trừng phạt vì vi phạm lệnh cấm.

Trong khi đó, suốt nhiều năm liền, Myanmar bị cáo buộc mua công nghệ tên lửa đạn đạo của Triều Tiên. Mối quan hệ này, theo các nhà phân tích, vẫn còn tồn tại sau năm 2015.

Tôi không chắc là bà Aung San Suu Kyi có thể kiểm soát được chính phủ bao nhiêu khi chỉ cần hai tướng lĩnh quân đội lên tiếng muốn tiếp tục mối quan hệ đó là nó sẽ được tiếp tục"

Cựu quan chức tài chính Mỹ Ruggiero bình luận

Đường nào cũng phải nhờ Trung Quốc

Giới quan sát nhận định cho dù chuyến công tác của ông Yun có thành công, Mỹ có cắt được các nguồn ngoại tệ của Triều Tiên đến từ Myanmar, Singapore hay một số nước khác, Bình Nhưỡng cũng không sợ bởi đó chỉ là những cái râu ria nhỏ. 

Năm 2015, Trung Quốc chiếm 85% giá trị hàng hóa xuất khẩu của Triều Tiên. Tháng 2-2017, Triều Tiên bắt đầu ngừng nhập khẩu than từ Triều Tiên theo nghị quyết trừng phạt của LHQ. Tuy nhiên, giao thương giữa Trung Quốc và Triều Tiên vẫn giữ đà tăng chứ không giảm, theo một quan chức Trung Quốc - Ảnh chụp màn hình
Năm 2015, Trung Quốc chiếm 85% giá trị hàng hóa xuất khẩu của Triều Tiên. Tháng 2-2017, Triều Tiên bắt đầu ngừng nhập khẩu than từ Triều Tiên theo nghị quyết trừng phạt của LHQ. Tuy nhiên, giao thương giữa Trung Quốc và Triều Tiên vẫn giữ đà tăng chứ không giảm, theo một quan chức Trung Quốc - Ảnh chụp màn hình

Tính cách này hay cách khác, Washington cuối cùng cũng sẽ phải cậy nhờ vào Trung Quốc, quốc gia thu mua hơn 80% xuất khẩu của Triều Tiên. Nhận định này có phần trái ngược với những động thái gần đây khi Mỹ đã trừng phạt và dọa sẽ trừng phạt tiếp những công ty, ngân hàng Trung Quốc dính líu tới Triều Tiên.

Tuy nhiên, nói như một nhà quan sát, thực chất Mỹ "chỉ đang làm màu" và cố gắng thể hiện hình ảnh cứng rắn. Cho dù Mỹ có trừng phạt thêm, họ cũng chỉ dám động tới các ngân hàng cấp nhỏ và trung ở Trung Quốc bởi các ngân hàng lớn đủ sức làm rung lắc kinh tế Mỹ.

Trừng phạt chỉ là hình thức, cái chính là những nội dung trao đổi và bắt tay giữa Mỹ với Trung Quốc về Triều Tiên đằng sau bức màn.

DUY LINH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên