28/06/2017 12:07 GMT+7

Tham vọng thành phố ngầm của Trung Quốc

DUY LINH
DUY LINH

TTO - Tân Hùng không đơn giản là một thành phố vệ tinh, mà là siêu dự án trên mặt đất lẫn dưới lòng đất, vượt lên trên những công trình mang tầm vóc thế kỷ khác của Trung Quốc, báo South China Morning Post (SCMP) của Hong Kong viết.

Cổng chào tại huyện Hùng, tỉnh Hà Bắc, nơi được chọn để xây dựng TP Tân Hùng - Ảnh: Reuters
Cổng chào tại huyện Hùng, tỉnh Hà Bắc, nơi được chọn để xây dựng TP Tân Hùng - Ảnh: Reuters

“Nó sẽ khác hoàn toàn với Thâm Quyến hay Phố Đông, những nơi được xây dựng để hút vốn đầu tư nước ngoài. Còn ở Tân Hùng, người ta đang mong muốn biến nó thành một nơi đáng sống, một động lực để phát triển kinh tế

Ông Zhang Zhiqian (phó chủ tịch Viện nghiên cứu đầu tư Jianyin)

Tháng 4-2017, Hội đồng nhà nước Trung Quốc công bố kế hoạch xây dựng thành phố Tân Hùng tại khu vực huyện Hùng (thuộc tỉnh Hà Bắc, cách Bắc Kinh chừng 100km). Đây sẽ là “thủ đô” không chính thức nhằm giảm áp lực cho dân số và ô nhiễm của Bắc Kinh.

Các đơn vị sự nghiệp nhà nước, các trường đại học, bệnh viện, các cơ sở nghiên cứu và những đơn vị quốc doanh kém quan trọng sẽ được chuyển về Tân Hùng trong vài năm tới, theo SCMP.

Thế giới dưới lòng đất

Đại dự án được tung hô và so sánh với những bước tiến vượt bậc đã đưa Trung Quốc trở thành cường quốc kinh tế thế giới, như dự án đặc khu kinh tế Thâm Quyến những năm 1980, trung tâm tài chính Phố Đông ở Thượng Hải những năm 1990.

Kết quả khảo sát địa chất ở Tân Hùng do Cục Khảo sát địa chất Trung Quốc tiến hành cho thấy khu vực này “hoàn toàn thích hợp” để xây dựng một mạng lưới ngầm sâu 26m, thậm chí tới 40m, theo Tân Hoa xã ngày 26-6.

Đơn vị này đề nghị nên chia thành phố ngầm Tân Hùng thành hai tầng khác nhau. Tầng thứ nhất nằm cách mặt đất 26m sẽ xây dựng các kho bãi, khu phức hợp mua sắm và giải trí, bãi đậu xe và các công trình dân sự khác. Các hồ chứa nước, công trình quan trọng của quốc gia, các dự án đặc biệt bao gồm công trình quốc phòng... sẽ được xây dựng ở tầng thứ hai nằm ở độ sâu 40m.

Trải rộng trên diện tích hơn 1.500km2, 96% diện tích đất Tân Hùng không bị nhiễm kim loại nặng, 13% thích hợp cho canh tác nông nghiệp. Khu vực này cũng không ghi nhận bất kỳ trận động đất nào mạnh hơn 6 độ Richter trong hơn 1.000 năm qua.

Nước ngầm đủ chất lượng để phục vụ gần như tất cả nhu cầu thiết yếu. Sụt lở đất, một vấn đề nghiêm trọng ở miền bắc Trung Quốc, ít có ảnh hưởng đến khu vực, Tân Hoa xã dẫn báo cáo của Cục Khảo sát địa chất cho biết thêm.

Dấu ấn cá nhân của lãnh đạo

Bùng nổ dân số ở Bắc Kinh đã kéo theo nhiều hệ lụy khác, trong đó nghiêm trọng nhất là ô nhiễm môi trường. Lên cầm quyền từ năm 2013, với chiến dịch “đả hổ diệt ruồi” tham nhũng, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã xây dựng được hình ảnh một nhà lãnh đạo cứng rắn và quyết liệt.

Với siêu dự án ở Tân Hùng, ông Tập đang muốn xây dựng một hình ảnh khác - một lãnh đạo có tầm nhìn xa trông rộng, một dấu ấn cá nhân mà hàng chục năm sau tên của ông vẫn còn được nhắc đến như những người đã mạnh tay với Thâm Quyến hay Phố Đông thế kỷ trước.

Nhà lãnh đạo Trung Quốc nhấn mạnh Tân Hùng là “một cam kết lớn của quốc gia”, là “công trình mang tính thiên niên kỷ”, theo SCMP. Trên thực tế, đây sẽ là dự án lớn nhất và tốn kém nhất trong lịch sử Trung Quốc hiện đại.

Theo tính toán của Công ty Morgan Stanley, Chính phủ Trung Quốc có thể phải chi tới 348 tỉ USD (khoảng 2.400 tỉ nhân dân tệ) để xây dựng Tân Hùng. Con số này gấp 11 lần số tiền bỏ ra trong dự án đường nước bắc - nam (210 tỉ nhân dân tệ), một công trình thể hiện tham vọng và sức mạnh thay đổi thiên nhiên của Trung Quốc khi đưa nước từ miền nam trù phú lên miền bắc khô cằn.

Theo kế hoạch, sẽ chỉ có 2,5 triệu người sinh sống ở Tân Hùng sau khi xây dựng xong. Lạc quan là thế, tuy nhiên theo các chuyên gia, rất khó để giữ được con số này sau một thập kỷ.

Thành phố xanh

Tài nguyên địa nhiệt phong phú trong khu vực sẽ giúp thành phố mới trở nên xanh và sạch hơn, một bài toán Bắc Kinh đang đau đầu giải quyết. Theo Tân Hoa xã, với các công nghệ hiện tại của Trung Quốc, mỗi năm có thể khai thác được nguồn năng lượng địa nhiệt tương đương đốt 2,2 triệu tấn than để cung cấp năng lượng cho tổng diện tích hơn 40 triệu m2 ở Tân Hùng.

DUY LINH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên