24/06/2017 10:58 GMT+7

Khi đồng minh Mỹ ngả về Trung Quốc

DUY LINH
DUY LINH

TTO - Một cuộc tranh luận đang diễn ra ở Washington quanh chuyện liệu Islamabad “có đáng” tiếp tục được xem là đồng minh của Mỹ hay không.

Hải quân Pakistan đón tàu chiến Trung Quốc tới thăm hồi tháng 6-2017 -
 Ảnh: Hải quân Pakistan
Hải quân Pakistan đón tàu chiến Trung Quốc tới thăm hồi tháng 6-2017 - Ảnh: Hải quân Pakistan

Trong khi hàng trăm triệu USD tiền viện trợ được Mỹ đổ vào Pakistan mỗi năm, hai quốc gia đang ngày càng xa cách. Ngược lại, mối quan hệ giữa Islamabad và Bắc Kinh đang ngày càng trở nên nồng ấm.

Dịch chuyển quan hệ

Sau vụ tấn công khủng bố 11-9-2001, quan hệ giữa Mỹ và Pakistan bắt đầu xích lại. Mỹ viện trợ quân sự và dân sự cho Pakistan, đổi lại Islamabad cung cấp các căn cứ tiền phương, hậu cần cho các lực lượng Mỹ chống Taliban, khủng bố ở Afghanistan.

Ngày 2-5-2011, biệt kích Mỹ đột kích và tiêu diệt trùm khủng bố Osama bin Laden, kẻ chỉ huy vụ 11-9-2001.

Vụ việc khi đó gây chấn động thế giới và càng gây sốc hơn khi địa điểm ẩn náu của trùm khủng bố nằm trên lãnh thổ Pakistan, cách thủ đô Islamabad chỉ hơn 100km.

Vụ tấn công đã đẩy mối quan hệ vốn đang nồng ấm giữa Mỹ và Pakistan sang trang lạnh nhạt. Đài NBC dẫn lời một nhà ngoại giao Pakistan giấu tên tiết lộ chỉ vài ngày sau khi bin Laden bị tiêu diệt, Islamabad đã chủ động đề nghị Bắc Kinh mở căn cứ quân sự ở nước này.

Trong vụ tiêu diệt bin Laden, Islamabad đã rất tức giận khi cho rằng Washington đã xâm phạm chủ quyền của họ.

Ngược lại, người Mỹ không giấu nổi sự thất vọng khi kẻ mà họ tìm kiếm suốt hơn 10 năm trời rốt cuộc lại đang ẩn náu tại chính quốc gia đồng minh của họ.

Nhiều chuyên gia quan hệ quốc tế nhận định có thể từ đây Pakistan bắt đầu nghiêng về Trung Quốc. Hàng loạt khoản đầu tư, hợp tác quân sự giữa hai nước được khai mở.

Mỹ kiên nhẫn có giới hạn

Nỗ lực hợp tác cùng Pakistan với hi vọng có thể kiềm chế các nhóm khủng bố, vũ trang tại khu vực đã thất bại sau 16 năm, các quan chức Mỹ thừa nhận với Reuters.

Washington đang xem xét lại khả năng hợp tác với Islamabad, hai quan chức cấp cao Mỹ giấu tên nói với Reuters ngày 21-6.

Một cuộc thảo luận đang được tiến hành trong nội bộ chính quyền của Tổng thống Mỹ Donald Trump.

Nhiều khả năng Mỹ sẽ tái phân bổ hoặc cắt đứt một số khoản viện trợ cho Pakistan, thậm chí hạ mức quan hệ với Islamabad xuống dưới mức đồng minh.

Pakistan giành được quy chế đồng minh với Mỹ dưới thời cựu tổng thống George Bush năm 2004 và được xem là đồng minh ngoài khối NATO quan trọng hàng đầu của Washington.

Tuy nhiên sau hơn một thập kỷ, Pakistan và quy chế đồng minh của nước này tiếp tục là đề tài tranh cãi ở nước Mỹ. Chính quyền Afghanistan cáo buộc Pakistan đã liên tục hỗ trợ các nhóm vũ trang gây bất ổn ở nước này.

Các quan chức Mỹ tin rằng đứng đằng sau các vụ tấn công ở Afghanistan là mạng lưới Haqqani - một tổ chức hiện diện ở Pakistan bị Mỹ xem là khủng bố kể từ năm 2012.

Cựu chủ tịch Hội đồng tham mưu trưởng liên quân Mỹ - đô đốc Michael Mullen - trong cuộc điều trần tại Quốc hội năm 2011 khẳng định mạng lưới này thực chất là một cánh tay nối dài của cơ quan tình báo Pakistan, theo Reuters.

Pakistan nhận từ Mỹ hơn 33 tỉ USD viện trợ kể từ năm 2002, trong đó có 14 tỉ USD viện trợ quốc phòng.

Năm ngoái, bộ trưởng quốc phòng Mỹ khi đó là ông Ashton Carter đã từ chối ký khoản viện trợ trị giá 330 triệu USD cho Pakistan, với lý do nước này thiếu trách nhiệm trong việc chống lại mạng lưới Haqqani.

Trong khi đó, quan hệ giữa Pakistan với Trung Quốc ngày càng phát triển. Cảng nước sâu Gwadar ở Pakistan do Trung Quốc đầu tư năm nay đã bắt đầu tiếp nhận tàu chiến Trung Quốc đến đồn trú.

Pakistan còn mua tàu chiến, máy bay chiến đấu từ Trung Quốc và tổ chức tập trận thường niên với quân đội Trung Quốc.

Có chung “mối quan tâm”

Lý giải mối quan hệ nồng ấm quá nhanh giữa Trung Quốc và Pakistan nằm ở vị trí chiến lược của Islamabad và đối thủ chung của hai quốc gia này: Ấn Độ.

Mối quan hệ giữa Pakistan và Ấn Độ đã “cơm không lành, canh không ngọt” kể từ khi hai quốc gia cùng giành được độc lập từ Anh (1947).

Tương tự, Bắc Kinh ngoài việc có tranh chấp lãnh thổ trên đất liền với New Delhi còn xem Ấn Độ là đối thủ cạnh tranh trong quá trình mở rộng ảnh hưởng ở khu vực.

DUY LINH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên