20/06/2017 16:58 GMT+7

Nga có đủ sức hạ máy bay đối phương ở Syria?

HOÀNG DUY LONG
HOÀNG DUY LONG

TTO - Úc vừa tuyên bố dừng hoạt động không kích ở Syria, Mỹ cũng điều chỉnh các phương án bay cho các phi đội ở Syria sau tuyên bố của Nga.

Máy bay Mỹ Super Hornet đang được tiếp xăng trên không - Ảnh: Reuters
Máy bay Mỹ Super Hornet đang được tiếp xăng trên không - Ảnh: Reuters

Ngày 19-6, sau khi tuyên bố không “nói chuyện với Mỹ qua đường dây nóng nhằm tránh nguy cơ đụng độ”, Bộ Quốc phòng Nga còn đưa ra tuyên bố mạnh mẽ: sẽ bắn mọi mục tiêu xâm phạm không phận mình đang quản lý ở Syria.

Hệ thống rađa chưa tốt

Theo đó, mọi máy bay và thiết bị bay không người lái của liên quân quốc tế do Mỹ đứng đầu, nếu bị Không quân Nga phát hiện tại các khu vực ở phía Tây sông Euphrates, sẽ bị coi là các "mục tiêu" trên không của lực lượng phòng không Nga cùng các máy bay.

Điều đó có nghĩa các dàn phòng không cùng máy bay của Nga có quyền chủ động tiêu diệt mục tiêu nếu thấy bị đe dọa.

Trong tình thế máy bay chiến đấu Su-22 của quân đội chính phủ Syria vừa dính tên lửa từ máy bay chiến đấu Super Hornet của Mỹ thì người ta hiểu sự tức giận đến mức nào ở “đàn anh” Nga.

Tại Syria, Matxcơva có những căn cứ quân sự vững chắc đóng vai trò hỗ trợ cho quân đội cùng chính quyền tổng thống Bashar al-Assad.

Nga có ở đấy các dàn tên lửa phòng không S-300 và S-400 nhưng các chuyên gia quân sự lại ngờ vực về việc Nga có khả năng phát hiện và theo dõi các máy bay hoạt động ở tầm thấp từ rất xa và đặc biệt trong địa hình đồi núi nhiều ở Syria.

Một dẫn chứng được đưa ra là tên lửa Nga không động tịnh gì trong vụ gần 60 tên lửa Tomahawk của Mỹ ồ ạt phóng vào căn cứ không quân al-Sharyat ở Syria hôm 6-4 vừa qua.

Mỹ phòng, Úc thủ

Nhưng có thể thấy phát ngôn mạnh mẽ từ phía Nga khiến Mỹ lập tức ve vuốt nói rằng sẽ tìm cách “tái lập” đường dây nóng phòng tránh đụng độ giữa hai bên. Cùng lúc đó, Lầu Năm Góc cũng khẳng định đã điều chỉnh kế hoạch tác chiến để bảo vệ các phi đội Mỹ và liên quân đang tham chiến tại Syria.

Chưa hết, trong ngày hôm nay (20-6), Bộ Quốc phòng Úc cũng vừa ra tuyên bố nhấn mạnh các hoạt động không kích của Lực lượng Phòng vệ Úc (ADF) tại Syria đã tạm dừng.

Theo hãng tin Reuters, dẫu không có lời rõ ràng nhưng quyết định này được xem như một biện pháp phòng ngừa trước hàng loạt mối đe dọa tiềm tàng.

Hiện ADF đang giám sát chặt chẽ tình hình không phận Syria và sẽ đưa ra quyết định nối lại các hoạt động trên không của lực lượng này vào thời điểm thích hợp.

Tuy vậy, Bộ Quốc phòng Úc khẳng định hoạt động của ADF tại Iraq sẽ vẫn tiếp tục được duy trì như một phần trong nỗ lực chống khủng bố của liên quân quốc tế.

Trong thời điểm lực lượng khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) đang thất thủ nhiều bề trên các chiến trường Syria và Iraq cũng như các bên đang ráo riết tìm cách xây dựng giải pháp hòa bình cho Syria thì vụ Iran bắn tên lửa “qua đầu Iraq” để tiêu diệt mục tiêu IS trong lãnh thổ Syria cùng việc Mỹ ra tay bắn hạ máy bay quân đội Syria không phải không đáng chú ý.

Đây là lần đầu tiên kể từ năm 1999, máy bay Mỹ bắn hạ một máy bay có phi công của nước khác. Vụ việc năm 1999 xảy ra ở Bosnia. Kế đến máy bay bị bắn hạ là chiến đấu cơ Su-22 do Nga sản xuất và cung cấp cho Syria.

Đài truyền hình quốc gia Iran khoe tên lửa bắn trúng mục tiêu ở Syria ngày 18-6 - Ảnh: Reuters
Đài truyền hình quốc gia Iran khoe tên lửa bắn trúng mục tiêu ở Syria ngày 18-6 - Ảnh: Reuters

Liệu là bước ngoặt?

Ông Luke Coffey, nhà phân tích quân sự của Quĩ Heritage, đưa ra nhận định: “Có thể đây không phải là lần cuối cùng mà lực lượng Mỹ tấn công lực lượng chính quyền Syria với mục đích bảo vệ lực lượng Mỹ và đồng minh tại thực địa”.

Trước đây tổng thống Barack Obama luôn chủ trương tránh đối đầu trực tiếp, trong khi đó có vẻ tổng thống Donald Trump đã bị các tướng lĩnh thuyết phục về việc thay đổi cách tiếp cận.

Trả lời trên trang Sputnik, chuyên gia quân sự của Nga, ông Konstantin Sivkov cũng cho rằng đây là bước ngoặt của cuộc chiến tại Syria, dẫn đến tình hình leo thang mới.

“Tôi cho rằng sẽ có sự can thiệp quân sự của Mỹ ở Syria. Đó là chuyện nguy hiểm và nghiêm trọng. Tình hình sẽ diễn biến ra sao? Hoặc Nga sẽ buộc từ bỏ việc ủng hộ Syria và chuyện này sẽ gây ra bất bình từ nội bộ nước Nga. Hoặc Nga sẽ chấp nhận chiến tranh với Mỹ”, chuyên gia Sivkov đưa ra nhận định táo bạo.

Trong khi đó, ông Charles Lister, nhà nghiên cứu thuộc Viện Trung Đông, cho rằng sau cú bắn hạ máy bay của chính quyền Damascus, chính quyền tổng thống Trump “sẽ cần phải làm sáng tỏ chiến lược dài hạn của mình ở Syria.

Theo ông Lister, nếu không làm được điều đó thì “có nguy cơ xảy ra các vụ tấn công nhằm tự vệ và phía Nga sẽ xem đó là hành vi gây hấn”.

Thị trấn Douma ở ngoại ô thủ đô Damascus của Syria hoang tàn vì bom đạn nhiều năm qua - Ảnh: Reuters
Thị trấn Douma ở ngoại ô thủ đô Damascus của Syria hoang tàn vì bom đạn nhiều năm qua - Ảnh: Reuters

Thực sự Nga cho rằng việc Mỹ tấn công máy bay của Lực lượng Không quân Syria là hành động "xâm lược" và "hỗ trợ khủng bố". Đây là tuyên bố của Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Ryabkov đưa ra ngày 19-6 khi phát biểu với báo giới.

Trả lời hãng tin TASS, nhà ngoại giao Nga nhấn mạnh hành động của Mỹ cho thấy chính quyền Washington tiếp tục thái độ không tôn trọng luật pháp quốc tế.

Ông Ryabkov cũng cho rằng việc Mỹ tấn công quân đội Syria là một bước đi có thể khiến tình hình leo thang một cách nguy hiểm, đồng thời cảnh báo Washington không sử dụng vũ lực nhằm vào quân chính phủ Syria.

Thứ trưởng Ngoại giao Nga cho biết thêm gói các biện pháp trừng phạt mới mà Mỹ có thể áp đặt lên Nga sẽ khiến Matxcơva buộc phải có hành động đáp trả.

Theo ông Ryabkov, ông và người đồng cấp Mỹ Thomas Shannon sẽ gặp nhau tại thành phố St. Petersburg vào ngày 23-6 tới để thảo luận các vấn đề trong quan hệ song phương.

HOÀNG DUY LONG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên