15/06/2017 06:46 GMT+7

Món quà của Bộ trưởng Tư pháp Mỹ cho tổng thống

DUY LINH
DUY LINH

TTO - Bộ trưởng Jeff Sessions đã tặng món quà sớm cho sinh nhật thứ 71 của Tổng thống Donald Trump bằng việc khéo léo từ chối nhiều câu hỏi trong phiên điều trần ngày

Bộ trưởng Tư pháp Mỹ Jeff Sessions trong phiên điều trần trước Thượng viện ngày 13-6 - Ảnh: Reuters
Bộ trưởng Tư pháp Mỹ Jeff Sessions trong phiên điều trần trước Thượng viện ngày 13-6 - Ảnh: Reuters

Không có quá nhiều thông tin được tiết lộ trong buổi điều trần của Bộ trưởng tư pháp Mỹ Jeff Sessions tại Ủy ban tình báo Thượng viện Mỹ tổ chức ngày 13-6 (giờ Mỹ). Buổi điều trần là một phần trong cuộc điều tra nghi án Nga can thiệp bầu cử Mỹ và mối quan hệ giữa chiến dịch tranh cử của ông Trump với người Nga, do Ủy ban tình báo Thượng viện Mỹ tiến hành.

Liên tục từ chối trả lời các câu hỏi xoáy sâu vào các cuộc trò chuyện với Tổng thống Donald Trump, Bộ trưởng Sessions đã khiến các thành viên Dân chủ nổi giận trong buổi điều trần. Bản thân vị bộ trưởng này cũng mất bình tĩnh trong một số tình huống và gọi các cáo buộc nói ông thông đồng với Nga để ảnh hưởng cuộc bầu cử Mỹ là “sự dối trá kinh khủng và ghê tởm”.

Tránh né trả lời

“Ông giơ tay thề thốt sẽ nói sự thật, tất cả chỉ là sự thật và không gì ngoài sự thật, rồi bây giờ ông không trả lời các câu hỏi của chúng tôi. Ông Sessions, ông đang cản trở cuộc điều tra đấy” - thượng nghị sĩ Dân chủ Martin Heinrich nói trong cuộc điều trần.

Đáp lại, vị cựu thượng nghị sĩ đến từ Alabama từ chối khéo léo: “Tôi thấy thật sự không thích hợp để trả lời hay tiết lộ các cuộc trò chuyện của các cá nhân với tổng thống khi ông ấy vẫn chưa xem xét đầy đủ các câu hỏi như vậy và quyết định xem có trả lời hay không”.

Viện dẫn một đặc quyền hành pháp từ chối công khai các cuộc thảo luận, ông Sessions đã làm rất tốt công việc bảo vệ tổng thống và hơn hết là tự cứu chính mình, báo Washington Post nhận định. Phải chăng đây cũng chính là món quà mừng sinh nhật thứ 71 (ngày 14-6) của Tổng thống Trump?

Tôi không hiểu ông ấy dựa trên cơ sở luật pháp nào để từ chối trả lời

Thượng nghị sĩ Angus King tức giận về kiểu thoái thác trả lời của Bộ trưởng Sessions

Mối quan hệ căng thẳng gần đây giữa ông Sessions và ông Trump (đến mức ông Trump muốn sa thải cả người từng hết lòng ủng hộ mình, nhưng được các cố vấn thân cận can ngăn, theo như báo chí Mỹ đồn đoán) có vẻ đã được thổi làn gió mát mới. Những gì mà ông Sessions thể hiện trong buổi điều trần căng thẳng cho thấy sự nhạy bén của con người đã 20 năm mài ghế ở Thượng viện.

Bản thân Tổng thống Trump chưa từng chính thức tuyên bố sẽ sử dụng đặc quyền hành pháp để từ chối công khai các cuộc trò chuyện. Bộ trưởng Sessions, đương nhiên chẳng có quyền đó, nên đã khéo léo đá quả bóng sang tổng thống.

Câu trả lời của ông ấy một mặt muốn thể hiện sự tôn trọng, không dám vượt mặt ông Trump - sai lầm mà cựu giám đốc FBI James Comey đã nhiều lần mắc phải, mà lần gần nhất là ngay trong phiên điều trần ở Thượng viện được truyền hình trực tiếp trong tuần trước; mặt khác nó cho thấy người đàn ông này đang chơi trò mặc cả số phận chính trị của chính mình với tổng thống.

Khi được hỏi về chuyện cựu giám đốc FBI Comey, vị bộ trưởng tư pháp Mỹ khẳng định ông Comey cảm thấy “lo lắng” sau cuộc nói chuyện với Tổng thống Trump và ông có trả lời với ông Comey như sau (khác với trình bày trước đó của vị cựu lãnh đạo FBI): “Tôi trả lời ông ấy rằng tôi đồng tình về việc FBI và Bộ Tư pháp phải cẩn thận trong các quy định về trò chuyện với Nhà Trắng”.

Đòn gió của ông Trump

Tổng thống Donald Trump đến giờ phút này vẫn chưa lên tiếng về màn thể hiện của Bộ trưởng Sessions tại Thượng viện. Twitter của ông chủ Nhà Trắng cho thấy ông đang khá bận rộn với chuyến công tác tới bang Wisconsin.

Phản ứng này gần như trái ngược sau phiên điều trần hồi tuần trước của ông Comey. Ông Trump khi đó đã chỉ trích, gọi cựu giám đốc FBI là “kẻ dối trá” vì những gì đã nói trong buổi điều trần.

Nhưng trước khi phiên điều trần diễn ra, những người bạn của tổng thống Mỹ đã bắn đi thông tin về uy quyền của lãnh đạo Nhà Trắng. Ngày 12-6, chia sẻ với kênh PBS (Mỹ), giám đốc điều hành Hãng truyền thông Newsmax Christopher Ruddy đồng thời là một người bạn của Tổng thống Trump cho biết nhà lãnh đạo Mỹ đang cân nhắc sa thải cố vấn đặc biệt Robert Mueller.

Hôm 9-5, giám đốc FBI James Comey đã bất ngờ bị Tổng thống Donald Trump sa thải trong lúc ông này đang phụ trách cuộc điều tra về cáo buộc Nga can thiệp cuộc bầu cử tổng thống Mỹ hồi năm ngoái. Bộ Tư pháp Mỹ sau đó đã chỉ định cựu giám đốc FBI Robert Mueller làm công tố viên đặc biệt chịu trách nhiệm giám sát cuộc điều tra liên bang về vấn đề này.

Trước thông tin tung ra ngày12-6, lập tức bà Sarah Sanders - người phát ngôn Nhà Trắng - xác nhận dù có quyền sa thải cố vấn Mueller, nhưng Tổng thống Donald Trump không có kế hoạch làm như vậy.

Phát biểu trước báo giới ngày 13-6 trong khi tổng thống Mỹ đang trên đường trở về thủ đô Washington từ một sự kiện ở Wisconsin, bà Sanders nhấn mạnh Tổng thống Donald Trump “không có ý định sa thải ông Mueller, ngay cả khi có quyền làm như vậy”.

Vì sao cứ liên tục điều trần?

Điều trần là cách thức chính để các ủy ban của hai viện Quốc hội Mỹ thu thập thông tin, phân tích và đánh giá trước khi đưa ra quyết định gì đó. Tuy nhiên, xét về mục tiêu lại có sự khác nhau nên hình thức điều trần có thể khác nhau. Có 5 dạng điều trần phổ biến tại Mỹ là điều trần phê chuẩn nội các, điều trần lập pháp, điều trần điều tra, điều trần phê chuẩn hiệp ước với nước ngoài và điều trần địa phương.

Các cuộc điều trần do hai ủy ban tình báo Hạ viện và Thượng viện Mỹ triệu tập gần đây được xếp vào dạng điều trần điều tra. Hai ủy ban này đang tiến hành điều tra nghi án Nga can thiệp bầu cử Mỹ năm 2016.

DUY LINH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên